Multimedia Đọc Báo in

Nuôi bò sát: Thú chơi "thời thượng" của giới trẻ

08:53, 30/04/2015

Ngoài những thú chơi đã trở nên quen thuộc như: nuôi chim, gà đá, cá cảnh hay nuôi chó, mèo... thì thời gian gần đây, ở TP. Buôn Ma Thuột và một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã nở rộ thú chơi mới - đó là nuôi bò sát, trong đó có cả những loài bò sát quý hiếm được nhập từ nhiều nước trên thế giới như rồng Úc, cự đà Nam Mỹ (còn gọi là rồng Nam Mỹ), tắc kè hoa... có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng.

“Cháy” cùng niềm đam mê

Chúng tôi gặp họ - những người có cùng niềm đam mê nuôi bò sát ở một quán Cà phê bò sát (còn gọi là Cà phê Pet) vào một ngày cuối tuần. Cà phê Pet Tơ Đồng nằm ở một góc khuất trên đường Đinh Công Tráng (TP. Buôn Ma Thuột), mặc dù cũng giống như bao quán cà phê khác ở Thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột nhưng vào ngày cuối tuần, quán này luôn đông khách, trong đó phần lớn là các bạn trẻ đến đây để vừa được ngắm các loài bò sát mới, lạ vừa được trao đổi kinh nghiệm với nhau trong việc nuôi bò sát. Phong trào nuôi bò sát được khởi nguồn từ giới trẻ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, sau đó lan dần khắp các địa phương khác trong cả nước. Tại Dak Lak, phong trào này mới thực sự nở rộ trong vòng 2 năm trở lại đây. Cuối năm 2014, anh Hồ Quang Phi (SN 1988, đường Lê Hồng Phong, TP. Buôn Ma Thuột) đã tập hợp nhưng người cùng sở thích để thành lập Hội bò sát Buôn Ma Thuột và anh được bầu làm Hội trưởng. Anh Phi tâm sự: “So với các địa phương khác trong cả nước, thú chơi bò sát ở Dak Lak xuất hiện khá muộn song lại có bước phát triển khá nhanh. Lúc mới thành lập chỉ có một vài người, nhưng đến nay đã có trên 30 thành viên chính thức và hàng chục thành viên không chính thức. Mỗi thành viên trong Hội thuộc nhiều lứa tuổi, làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau như: bác sĩ, dược sĩ, giáo viên, nông dân... nhưng tất cả đều có chung niềm đam mê… nuôi bò sát. Hằng tuần, tranh thủ lúc rảnh rỗi, Hội bò sát lại tổ chức Off Pet (gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nuôi bò sát) tại một quán Cà phê Pet”.

Anh  Hồ Quang Phi  với con cự đà  Nam Mỹ  xanh lá cây.
Anh Hồ Quang Phi với con cự đà Nam Mỹ xanh lá cây.

Anh Trương Thanh Bình (đường Nguyễn An Ninh, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) - một thành viên của Hội bò sát Buôn Ma Thuột kể: Anh đến với thú chơi này rất tình cờ. Trong 1 lần cùng bạn đi uống cà phê và được tận mắt nhìn thấy nhiều con vật hình thù kỳ quái, nhìn rất đáng sợ nhưng khi được “sờ” thì nó lại trở nên hiền lành một cách lạ thường, khi được vuốt ve thì các con thú này lại nằm im thin thít. Thỉnh thoảng, chúng lại lè cái lưỡi dài ra liếm liếm vào làn da nghe mát lạnh khó tả. Từ đó, anh về nhà và lên mạng học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, thuần hóa, nuôi dưỡng chúng. Bao nhiêu tiền bạc tích cóp được bấy lâu nay anh dành để “tậu” những chú thú cưng mà mình cảm mến. “Bộ sưu tập” của anh ngày càng nhiều với đầy đủ các loại từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Hằng ngày, ngoài những giờ làm việc căng thẳng (anh Bình hiện là Dược sỹ của một Công ty Dược) anh lại cẩn thận ra chợ chọn mua bó rau sạch, những củ quả ngon mang về cho thú cưng ăn. Vào dịp cuối tuần, anh lại vắt lên vai một thú cưng đến quán để vui cùng anh em trong Hội. Anh Bình chia sẻ: “Từ ngày dành hết thời gian cho mấy chú bò sát này mà em không la cà quán sá, nhậu nhẹt hay chơi bời lêu lổng nữa mà suốt ngày chăm chút cho mấy “cục cưng”, vì vậy bố mẹ hoàn toàn ủng hộ. Nhìn bề ngoài nó xù xì, gớm ghiếc là thế nhưng thực sự mấy con bò sát rất hiền và đáng yêu”.

Anh Văn Cao - Chủ nhân của quán Cà phê Pet (101, đường Trần Phú, TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự: “Xuất phát từ niềm đam mê nuôi bò sát và mong muốn có 1 không gian để những người cùng chung sở thích có dịp ngồi lại với nhau thoải mái chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và mua bán Pet, anh đã quyết định mở quán Cà phê Pet. Để thu hút khách đến với quán của mình, anh đã thiết kế thêm các lồng nuôi để khách đến với quán có thể tận hưởng một cảm giác khác lạ, mới mẻ khi tận mắt nhìn thấy một số loài bò sát độc đáo. Nếu anh em nào nuôi Pet mà không có điều kiện chăm sóc thì quán anh còn có lồng nuôi và bao luôn công chăm sóc”.

Thú chơi cũng lắm công phu

Nếu như trước đây, giới trẻ chỉ nuôi các con vật như chó, mèo, chim, cá cảnh thì nay nuôi bò sát mới được xem là “sành điệu”. Nhiều người trẻ sẵn sàng móc hầu bao để sắm cho mình những loài bò sát có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng. Ngoài việc bỏ tiền mua thú cưng, người chơi bò sát còn phải đầu tư thêm tiền mua lồng sắt để nhốt chúng, ban đêm còn phải dùng đèn điện công suất cao để bảo đảm nhiệt độ luôn trên 40 độ C. Anh Nguyễn Minh Lành - thành viên Hội bò sát tâm sự: “Mỗi loài bò sát có một thói quen, sở thích riêng, đòi hỏi người chơi phải thật sự am hiểu về đời sống sinh hoạt của chúng. Để hiểu hết về chúng, mình phải tìm hiểu thêm thông tin trên mạng và học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè và những người khác. Ví dụ như rồng Nam Mỹ là loại bò sát quen môi trường sống sa mạc nắng nóng nên khi làm chuồng nhất định phải có đèn chuyên dụng để bổ sung nhiệt lượng cho nó. Bò sát rất thích được chiều chuộng, ve vuốt, vì thế chúng ta phải bế trên tay massage, ủ ấm cho nó nhằm tạo khoảng cách gần gũi và thân thiện. Các loài bò sát nhập ngoại tuy giá tiền đắt (vài triệu đến vài chục triệu đồng) nhưng rất thông minh, hiền lành, ít bệnh tật, dễ nuôi và dễ thuần dưỡng hơn các loài bò sát nội. Bò sát nội chủ yếu bắt được từ thế giới tự nhiên như kỳ nhông, kỳ đà... rất hung dữ, khó thuần dưỡng, có khi phải mất hàng tháng trời, thậm chí bị nó cào, cắn là chuyện thường ngày.

Theo tìm hiểu được biết, thú chơi bò sát này cũng khá tốn kém, từ 200 nghìn đồng đến vài chục triệu đồng/con. Mức giá đắt, rẻ phụ thuộc vào kích thước, dòng và màu sắc. Ví dụ, với cự đà Nam Mỹ, con màu xanh lá cây có kích thước khoảng gần 1m có giá khoảng 2,5 triệu nhưng loại xanh nước biển, màu đỏ cùng kích thước giá từ 5 đến 7 triệu. Rồng Úc kích thước 7-10 cm có giá từ 400-800 nghìn đồng/con; loại lớn hơn có giá 5 triệu đồng/con. Cự đà Nam Mỹ, loại nhỏ từ 30-40 cm giá 3-3,5 triệu đồng/con; 70-80 cm có giá từ 5-7 triệu đồng/con; loại lớn gần 2 m có giá đến gần 20 triệu đồng/con... Nguồn hàng chủ yếu được đặt từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc phải nhập về từ Thái Lan, Malaysia.

Nuôi bò sát đang là một sân chơi mang phong cách riêng của giới trẻ hiện nay, rất đáng được trân trọng bởi đây là cách bảo tồn các loài động vật quý hiếm. Lâu nay, nhiều loài bò sát nội đang bị người dân san bắt về làm mồi nhậu khiến loài bò sát bị tận diệt, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để các con vật cũng như người nuôi được an toàn, trước khi nuôi phải tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của con vật mình định nuôi; tiến hành khám bệnh tổng quát để phòng trừ; chuồng nuôi phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người nuôi cũng như người xung quanh và đặc biệt là không nuôi nhốt những thú nuôi bị cơ quan chức năng cấm vận chuyển, buôn bán…

Nguyễn Thế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.