Multimedia Đọc Báo in

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa IX) về công tác tôn giáo

Những kết quả đáng ghi nhận ở huyện Cư Kuin

10:05, 13/04/2015
Huyện Cư Kuin có 8 xã, 113 thôn buôn, dân số hơn 100.000 người với 16 dân tộc anh em cùng chung sống. Trên địa bàn huyện có 3 tôn giáo chính được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động, số người có đạo là 49.528 người, chiếm gần 49% dân số toàn huyện.
 
Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 25 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) về công tác tôn giáo gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác tôn giáo ở huyện Cư Kuin đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Sau khi triển khai, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, Huyện ủy Cư Kuin đã chỉ đạo UBND, Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện gắn xây dựng kế hoạch với cụ thể hóa thực hiện nghị quyết bảo đảm sát thực tế của địa phương, đơn vị, trong đó nhấn mạnh công tác tôn giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết các tôn giáo là bộ phận quan trọng trong chính sách đại đoàn kết của dân tộc, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, nghiêm cấm việc lợi dụng tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao trách nhiệm của các chức sắc, chức việc trong vận động tín đồ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQVN, các đoàn thể trong huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến người dân đầy đủ nội dung nghị quyết, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Hằng năm các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ngành liên quan luôn hướng dẫn cho các chức sắc, chức việc và các tín đồ hoạt động tôn giáo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, các quy định của Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước ban hành, động viên đồng bào có đạo đoàn kết, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia phát triển kinh tế, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở.

Đường vào thôn Thành Công - nơi có hơn 97% hộ theo đạo Công giáo -  đã được bê tông hóa năm 2014.         Ảnh: Hồng Thủy
Đường vào thôn Thành Công - nơi có hơn 97% hộ theo đạo Công giáo - đã được bê tông hóa năm 2014. Ảnh: Hồng Thủy

Bên cạnh đó, trong những năm qua, huyện Cư Kuin luôn quan tâm đến việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, đồng bào có đạo nói riêng. Huyện đã đầu tư trên 12 tỷ đồng để thực hiện chính sách an sinh xã hội từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và hơn 8 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng nông thôn trên địa bàn đồng bào có đạo, ngoài ra còn hỗ trợ phát triển sản xuất cho 1.825 hộ với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Huyện cũng triển khai xây dựng được 947 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ với tổng nguồn vốn hơn 20 tỷ đồng, trong đó có 638 hộ là người dân tộc thiểu số có đạo; thực hiện lồng ghép với các chính sách thực hiện Quyết định 132, 134 về cấp đất ở, đất sản xuất và vận động các gia đình là anh em trong dòng họ tự san sẻ đất ở cho 868 hộ với diện tích hơn 29 ha, cấp đất sản xuất cho 990 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo thuộc diện hộ nghèo gần 300 ha, xây dựng 5 giếng nước sạch tập trung tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số có số đông là người có đạo sinh sống với kinh phí trên 2,5 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng của huyện còn thường xuyên tổ chức chuyển giao khoa học công nghệ, tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn để người dân phát triển kinh tế, trong đó chú trọng đến đoàn viên, hội viên và nhân dân là tín đồ các tôn giáo, góp phần thúc đẩy nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của tín đồ các tôn giáo nói riêng.

Quần chúng là tín đồ, chức sắc, chức việc các tôn giáo đã tham gia hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được phát huy; tiêu biểu như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Cuộc vận động “Vì người nghèo” được các chức sắc và tín đồ hưởng ứng tích cực, tham gia tổ chức hàng trăm đợt khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người nghèo, gia đình chính sách và người cao tuổi; tặng quà, tặng học bổng cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ước tính hàng tỷ đồng. Các xã có đông đồng bào có đạo đã xây dựng được nhiều mô hình về bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng khu dân cư lành mạnh không có tội phạm ma túy và người nghiện ma túy, khu dân cư bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, góp phần giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đơn cử như Giáo xứ Kim Phát (xã Hòa Hiệp) đã tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả mô hình điểm của phong trào “Ba an toàn” về an ninh trật tự trong vùng tôn giáo; xứ đạo Kim Hòa (xã Dray Bhăng) thực hiện mô hình “không tội phạm và tệ nạn xã hội”; khu dân cư buôn Ea Khít (xã Ea Bhôk) thực hiện mô hình “khu dân cư bình yên, không tội phạm và tệ nạn xã hội”…

Có thể khẳng định, qua hơn 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) đã tạo được sự đồng thuận, tin tưởng, thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Cư Kuin về công tác tôn giáo. Hệ thống các cơ sở thờ tự và tín đồ tôn giáo trong huyện hoạt động luôn tuân thủ theo pháp luật của Nhà nước, các quy định của Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo; đồng bào tôn giáo đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia phát triển kinh tế, đời sống từng bước được nâng lên rõ rệt; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, góp phần tích cực động viên nhân dân phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.

Hồng Khanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.