Multimedia Đọc Báo in

Phong trào thi đua "Dân vận khéo" góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở Cư M'gar

11:15, 10/04/2015
Trong những năm qua, Ban Dân vận Huyện ủy Cư M’gar đã triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”  gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân quyết tâm thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ban Dân vận Huyện ủy Cư M’gar đã định hướng tập trung xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” liên quan những vấn đề khó khăn, phức tạp trong xây dựng nông thôn mới như: giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng giao thông nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở... Ban Dân vận Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo khối dân vận các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân về quyền lợi, trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của, phát huy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới (riêng năm 2014 đã tổ chức được 153 buổi tuyên truyền, phát động quần chúng tại 17 xã, thị trấn với hơn 22.000 lượt người dân tham dự); lồng ghép nội dung xây dựng nông thôn mới vào các cuộc họp, sinh hoạt của các chi hội đoàn thể; tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng ban ngành, đoàn thể, từng thôn, buôn và từng cá nhân… xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp, hiệu quả, tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực của cộng đồng. Qua đó đã tác động tích cực đến tư tưởng quần chúng nhân dân thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; huy động sự đóng góp rất lớn của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Tính riêng năm 2014, huyện Cư M’gar đã huy động trên 20 tỷ đồng từ đóng góp của nhân dân để xây dựng nông thôn mới; qua đó, làm mới 15,5 km đường bê tông, sửa chữa 45 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 3 cổng chào thôn - buôn văn hóa, 7 hội trường, 2 sân nhà sinh hoạt cộng đồng, 12 sân bóng chuyền… Ngoài ra, huyện còn huy động 13.700 ngày công lao động, vận động nhân dân hiến gần 14.000 m2 đất... Trong công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đã cử 890 lượt cán bộ, chiến sĩ xuống buôn thăm hỏi, chúc tết, tặng gần 5.000 suất quà trị giá trên 1,5 tỷ đồng và gần 6.000 kg gạo, 16 con bò giống cho bà con. Các đơn vị kết nghĩa còn tặng các buôn 9 bộ loa đài, 17 bộ lưới bóng chuyền, bóng đá, tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao tại các buôn… góp phần giúp đồng bào ổn định cuộc sống, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn.

Người dân huyện Cư M’gar tự tháo dỡ hàng rào, hiến đất để xây dựng đường làng ngõ xóm.
Người dân huyện Cư M’gar tự tháo dỡ hàng rào, hiến đất để xây dựng đường làng ngõ xóm.

Qua gần 5 năm (2011 - 2015) triển khai thực hiện, toàn huyện có trên 60 tập thể, 169 cá nhân xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có trên 50 mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đem lại hiệu quả cao. Từ đó đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần rất lớn vào kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đến nay, huyện Cư M’gar đã có 1 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (đã làm hồ sơ đề nghị công nhận), 4 xã đạt 15 tiêu chí, 10 xã còn lại đạt từ 10-14 tiêu chí. Huyện Cư M’gar phấn đấu đến hết năm 2015 có 3/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020, huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Từ kinh nghiệm của huyện Cư M’gar qua 5 năm thực hiện thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới cho thấy, đầu tiên cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về xây dựng nông thôn mới; tổ chức cho nhân dân tham gia tích cực vào các công việc của quá trình xây dựng nông thôn mới ngay từ việc đầu, khâu đầu. Ngoài ra, phát động các phong trào thi đua sâu rộng như phong trào bê tông hóa các tuyến đường dân cư, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, làm đường điện thắp sáng, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…; động viên, khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến “Dân vận khéo”, nhất là những mô hình, những phong trào có tính lan tỏa cao, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Một điều quan trọng nữa là các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể phải thường xuyên lắng nghe ý kiến nhân dân để rút kinh nghiệm, điều chỉnh hợp lý.

Ama Hạnh


Ý kiến bạn đọc