Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông: Mô hình mang ý nghĩa nhân văn

09:34, 22/04/2015
Trẻ trung, nhanh nhẹn, nhiệt tình là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp các thành viên trong Đội Thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh TNGT (gọi tắt là Đội TNTN ATGT) xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột.

Được thành lập từ tháng 8-2014, gồm 15 thành viên, nhiệm vụ của Đội là tiếp nhận tin báo TNGT của người dân qua các số điện thoại “nóng”, nhanh chóng có mặt tại hiện trường sơ cứu nạn nhân bị thương nhằm hạn chế để xảy ra tình trạng nạn nhân bị tử vong do không được cấp cứu kịp thời; phối hợp cùng cơ quan chức năng bảo vệ hiện trường tai nạn, phân làn, phân luồng nhằm giảm ách tắc giao thông; tuyên truyền cho thanh niên, nhân dân địa phương nâng cao ý thức khi tham gia giao thông và giữ gìn trật tự an toàn giao thông... Chị Nguyễn Thị Thúy Vân, Phó Bí thư Đoàn xã Hòa Thuận và cũng là Đội trưởng Đội TNTN ATGT xã Hòa Thuận cho biết: Đây là một mô hình hoạt động của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, dưới sự quản lý của Tỉnh Đoàn và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Thành Đoàn Buôn Ma Thuột. Để mô hình hoạt động hiệu quả, Trung ương Đoàn và Bộ Giao thông Vận tải đã trang bị cho Đội đồng phục, các dụng cụ, trang thiết bị y tế phục vụ sơ cấp cứu người bị TNGT và hỗ trợ kinh phí hoạt động mỗi quý là 3 triệu đồng. Ngoài ra, Đội còn được tập huấn, bồi dưỡng những kỹ năng tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, kiến thức sơ, cấp cứu tại chỗ cho người bị thương.

Một buổi sinh hoạt của Đội TNTN ATGT xã Hòa Thuận.
Một buổi sinh hoạt của Đội TNTN ATGT xã Hòa Thuận.

Là một trong những địa bàn có tình hình giao thông tương đối phức tạp, nhiều thôn nằm dọc Quốc lộ 14, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Đội TNTN ATGT xã Hòa Thuận đã giúp đỡ, sơ cấp cứu cho các trường hợp tai nạn xảy ra trên địa bàn, thực sự mang lại niềm tin cho người dân xung quanh. Anh Trần Thành Long, thành viên của Đội chia sẻ: “Vì TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên hoạt động của các thành viên trong Đội cũng không có giờ giấc cố định, bất kể lúc nào, kể cả nửa đêm hay về sáng. Điện thoại thì luôn luôn sẵn sàng để mọi người có thể liên lạc được. Công việc này đòi hỏi từng thành viên đều phải hết sức nhiệt tình, có trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ mới “trụ” được. Khi có tai nạn, nạn nhân rất cần được hỗ trợ kịp thời, mỗi phút giây qua đi đều ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bị nạn; do vậy xác định đây là hoạt động tình nguyện mang tính nhân văn nên các thành viên trong Đội đều có ý thức, tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng ứng cứu khi có tai nạn xảy ra...”.

Chị Nguyễn Thị Thúy Vân vui vẻ nói: “Nếu như trước đây những vụ tai nạn xảy ra thường có rất nhiều người “đứng xem” mà không biết, cũng như không dám làm gì thì nay đã gọi cho các thành viên trong Đội đến ứng cứu, giúp đỡ. Khi có tai nạn, người dân gọi về “đường dây nóng”, Đội sẽ cử người lập tức đến hiện trường để tham gia ứng cứu, bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông. Trường hợp nặng sẽ chuyển về trạm y tế hoặc chuyển lên bệnh viện tuyến trên tránh để nạn nhân tử vong do không sơ cứu kịp thời. Điều đáng mừng là từ khi thành lập đến nay chỉ mới ứng cứu một số ít vụ TNGT nghiêm trọng và vài vụ va quẹt nhỏ thôi. Cả Đội không ai mong có nhiều vụ tai nạn xảy ra để lấy thành tích làm gì”.

Được biết, hầu hết các thành viên trong Đội hiện đang công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, việc trực sơ cứu, ứng cứu còn gặp một số khó khăn nhất định; bên cạnh đó, do địa giới của xã khá dài, lực lượng lại mỏng... Để khắc phục khó khăn, Đội đã chia ra 3 tuyến quản lý, nếu người này bận việc có thể đổi cho người kia, luôn bảo đảm và sẵn sàng có thành viên của Đội đến ứng cứu kịp thời khi có tai nạn xảy ra.

Giờ đây, mỗi khi khu vực có tai nạn, người dân trên địa bàn đã không quên bấm gọi “đường dây nóng” của Đội để được ứng cứu kịp thời. Bà Đoàn Thị Hòa, một tiểu thương ở chợ Đạt Lý cho biết: “Từ khi Đội TNTN ATGT được thành lập thì cũng thuận tiện cho người dân rất nhiều. Nếu có TNGT xảy ra, mọi người có thể gọi điện đến để nhờ hỗ trợ, cứu giúp kịp thời. Là người bán hàng ở chợ Đạt Lý, nơi có đông người tham gia giao thông, dễ xảy ra tai nạn, nên tôi đã lưu số điện thoại của Đội để nếu có tai nạn xảy ra thì sẽ gọi liền...”.

 Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.