Những "thầy giáo" kiểm lâm
Vốn là những kiểm lâm viên phụ trách công tác tuần tra quản lý, bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin, nhưng từ năm 2008 đến nay, họ đã trở thành những “thầy giáo” giảng dạy về công tác quản lý, bảo vệ rừng cho học sinh các trường học trên địa bàn các xã vùng đệm của Vườn.
Một ngày giữa tháng 4, chúng tôi theo chân tổ truyền thông và giáo dục môi trường của VQG Chư Yang Sin đi giảng dạy ngoại khóa cho học sinh Trường THCS Hùng Vương (thuộc xã Yang Ré, huyện Krông Bông). Bốn cán bộ kiểm lâm chuẩn bị đồ đạc lỉnh kỉnh nào là máy chiếu, máy tính, loa đài, bản đồ… để phục vụ cho buổi học. “Chương trình giảng dạy ngoại khóa tập trung ở các trường thuộc các xã nằm ở khu vực vùng đệm của VQG Chư Yang Sin, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các em học sinh về vai trò, ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng nói chung và bảo vệ Vườn nói riêng”, anh Nguyễn Văn Lương tổ trưởng cho hay.
Lớp học chỉ có 30 em, nhưng có đến 4 thầy giáo, chia lớp ra làm hai nhóm để bắt đầu bài giảng. Hai tấm bản đồ VQG Chư Yang Sin lớn được giao về cho hai nhóm, cứ hai kiểm lâm viên phụ trách một nhóm để giúp các em nhận dạng trên bản đồ đâu là sông suối, khu vực nào là nơi phân bố của những động, thực vật quý hiếm… Một bài tập đơn giản được đưa ra, học sinh các tổ sẽ phải dán những hình minh họa sông suối, động thực vật lên các khu vực phân bố ở VQG Chư Yang Sin mà cán bộ kiểm lâm đã chỉ trước đó để “thầy giáo” kiểm lâm chấm điểm. “Chúng tôi xây dựng chương trình giảng dạy đối với các em dựa trên những hình ảnh, câu chuyện thực tế dễ hiểu, đặc biệt là để các em tư duy độc lập, nói lên được suy nghĩ của bản thân đối với vấn đề đang học”, kiểm lâm viên Cao Xuân Sơn cho biết.
Cán bộ kiểm lâm VQG Chư Yang Sin đang giảng cho các em học sinh bằng bản đồ. |
Buổi học tiếp tục bằng bài học về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường rừng và lợi ích mà rừng Chư Yang Sin mang lại. Sau khi điểm qua một vài ý nghĩa chính, các cán bộ kiểm lâm cho 2 nhóm tự thảo luận rồi mỗi nhóm cử một đại diện lên bảng viết lại nội dung cả nhóm đã thống nhất, từ đó, “thầy giáo” kiểm lâm sẽ chỉ ra, phân tích cho các em biết những cái đúng, sai và bổ sung những cái còn thiếu. Xen giữa những bài học, các em lại được xem những bộ phim hoạt hình ngắn về hoạt động bảo vệ môi trường, động thực vật nhằm tạo thêm sự hào hứng, hấp dẫn cho buổi học. Em H’Nhi, học sinh lớp 6B không giấu được hào hứng: “Buổi học rất vui, bọn em được vẽ tranh, xem phim và những hình ảnh ngộ nghĩnh về động, thực vật, trông chúng rất đáng yêu, nên em và các bạn luôn có ý thức bảo vệ chúng”.
Thực tế, các cán bộ kiểm lâm trong tổ tuyên truyền trước đây đều làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng ở các trạm sau đó được đưa về nhận nhiệm vụ tuyên truyền của Vườn nên không có nghiệp vụ sư phạm hay kinh nghiệm đứng lớp nhưng bù lại, kiến thức thực tế về lâm nghiệp của họ rất phong phú, khi vận dụng khéo léo vào trong các buổi giảng dạy sẽ làm cho buổi học hấp dẫn, sinh động. “Trong số 4 anh em của tổ, chỉ có một người được đào tạo cấp tốc 2 tháng ở Hà Nội về kỹ năng truyền thông, còn lại thì vừa làm vừa học, và hiện nay, cả tổ ai cũng tự tin đứng lớp và truyền đạt tốt cho các em những kiến thức về bảo vệ rừng”, anh Lương tâm sự.
Ông Lộc Xuân Nghĩa, Phó Giám đốc VQG Chư Yang Sin cho biết, tổ truyền thông được thành lập với mục đích tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng trong các cộng đồng thôn, buôn vùng đệm. Còn chương trình giảng dạy ngoại khóa về công tác quản lý bảo vệ rừng được thực hiện từ năm 2008, theo đó, hằng năm, vào đầu năm học Vườn sẽ có công văn gửi Phòng GD-ĐT hai huyện Krông Bông và Lak - nơi có nhiều xã giáp ranh với lâm phần của Vườn đề nghị phối hợp để giảng dạy ngoại khóa. Trong năm 2014, Vườn đã tổ chức giảng dạy được 54 tiết ngoại khóa với sự tham gia của 162 em học sinh.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc