Multimedia Đọc Báo in

Chuyện "bếp núc" nghề báo

10:03, 20/06/2015

Để cho ra đời một sản phẩm báo chí tác giả trực tiếp thực hiện còn có sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của cả một êkíp. Thầm lặng với công việc “bếp núc” của mình, họ mong muốn gửi đến độc giả, khán giả những tác phẩm hoàn chỉnh nhất.

Tỉ mỉ trong từng công đoạn

Điều quan tâm đầu tiên của bạn đọc khi cầm trên tay tờ báo chính là các tin, bài, ảnh của phóng viên mà ít ai biết được để cho ra đời một sản phẩm hoàn chỉnh như vậy còn có sự đóng góp của bộ phận “bếp núc” tòa soạn. Đầu tiên phải kể đến chính là đội ngũ biên tập. Đây là một công việc vất vả, khó nhọc và đòi hỏi các biên tập viên phải có vốn tri thức, văn hóa, hiểu biết xã hội cũng như phong cách cẩn trọng và nhẫn nại. Biên tập viên đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tin, bài bởi họ không chỉ điều chỉnh, sửa chữa văn phong, ngôn từ; sắp xếp lại hệ thống, ý tứ trong bài mà còn phải thêm, bớt để tác phẩm hay hơn, hấp dẫn hơn. Không đơn thuần chỉ là những người suốt ngày “ngồi bàn giấy” mỗi biên tập viên giữ vai trò “cầu nối” giữa tác giả và độc giả, nghĩa là vừa phải giữ được dấu ấn riêng của phóng viên, vừa giúp bạn đọc hiểu rõ nội dung bài báo. Và điều quan trọng hơn, họ chính là “cánh tay nối dài” giúp Ban Biên tập giữ vững tôn chỉ, mục đích của tờ báo.

Hiện nay, Báo Dak Lak xuất bản 5 số báo/tuần và Dak Lak Nguyệt san hằng tháng, khối lượng công việc của một biên tập viên khá lớn gồm: biên tập tin, bài, ảnh, thơ văn, truyện ngắn, vui cười… của phóng viên, cộng tác viên ở tất cả các lĩnh vực bảo đảm tính thời sự, không có lỗi nội dung, lỗi văn bản, gọt giũa, rút tít, chọn hình ảnh sinh động, phù hợp… Tiếp đến là bộ phận trình bày, đọc mo-rat, duyệt nội dung… Bất cứ công đoạn nào cũng cần làm việc một cách nghiêm túc, tỉ mỉ và tập trung cao độ thì mới tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Để phục vụ cho báo xuất bản đúng định kỳ, những anh chị em ở bộ phận Thư ký - Xuất bản của Báo Dak Lak làm việc không kể thời gian, nhất là các dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, xuất bản các ấn phẩm đặc biệt… Công việc của các anh chị em ở Phòng Thư ký - Xuất bản kéo dài cả ngày, nhưng cao điểm nhất là vào cuối buổi chiều và thường kết thúc vào 20-21 giờ đêm. Những hôm phải đợi tin “nóng” hay phải thay đổi tin, bài cho phù hợp, bảo đảm tính thời sự, cả êkíp làm việc miệt mài đến 23-24 giờ đêm, mọi người chỉ thở phào nhẹ nhõm khi file được chuyển đến nhà in và hồi hộp đón chờ “đứa con tinh thần” của mình vào sáng sớm hôm sau.

Linh hoạt trong sản xuất chương trình

Đài Phát thanh – Truyền hình Dak Lak hiện sản xuất rất nhiều chương trình truyền hình nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn các khán, thính giả. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin giới thiệu về chuyện hậu kỳ của êkíp sản xuất chương trình Bản tin sáng. Với 15 phút phát sóng nhưng êkíp 10 người gồm biên tập, đạo diễn, quay phim, phát thanh viên, các lãnh đạo duyệt nội dung, hình ảnh phải phối hợp nhịp nhàng, làm việc cật lực để thực hiện một chu trình  công việc theo một khung thời gian nhất định.

Để cho ra đời một sản phẩm báo chí tác giả trực tiếp thực hiện còn có sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của cả một êkíp. Thầm lặng với công việc “bếp núc” của mình, họ mong muốn gửi đến độc giả, khán giả những tác phẩm hoàn chỉnh nhất.
Để cho ra đời một sản phẩm báo chí tác giả trực tiếp thực hiện còn có sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của cả một êkíp. Thầm lặng với công việc “bếp núc” của mình, họ mong muốn gửi đến độc giả, khán giả những tác phẩm hoàn chỉnh nhất.

Với mong muốn đưa đến cho khán giả những thông tin kinh tế, văn hóa, xã hội nhẹ nhàng, mang tính giải trí, phụ trách chương trình đã phối hợp chặt chẽ với các phóng viên, các phòng chuyên môn và đội ngũ cộng tác viên trong tỉnh nhằm tìm kiếm lượng tin, bài phù hợp. Sau khi biên tập xong, phải viết kịch bản rồi thảo luận với đạo diễn và quay phim để chọn lọc và dựng hình ảnh sao cho sinh động, hấp dẫn nhất. Khi nội dung, hình ảnh đã được duyệt sẽ chuyển tiếp xuống Phòng Kỹ thuật truyền hình làm hậu kỳ.

Để có chương trình phát vào lúc 6 giờ 30 phút mỗi sáng, cả êkíp phải làm việc từ chiều hôm trước. Do đặc thù của ngành về máy móc, trang thiết bị và con người nên phải đợi sau khi sản xuất xong chương trình thời sự buổi tối, cả êkíp mới bắt tay vào công việc. Đây cũng chính là lúc mọi người đã về sum họp bên gia đình sau một ngày làm việc vất vả. Ngoài 2 phát thanh viên thật tươi tắn, phong cách dẫn chương trình gần gũi, thân thiết với bạn xem đài, phía sau màn hình, cả êkíp vẫn làm việc miệt mài, linh hoạt tại Phòng Kỹ thuật truyền hình – nơi chuyên đảm nhận khâu hậu kỳ trong các chương trình truyền hình. Tại đây, đạo diễn, kỹ thuật viên dựng hình chính là những “đầu bếp” cần mẫn, chăm chút các món ăn tinh thần cho thêm ngon, thêm phần bắt mắt và hấp dẫn. Các kỹ thuật viên dựng hình thường ít được khán giả biết đến, nhưng lại đảm nhiệm một vai trò khá quan trọng trong việc hoàn thiện một sản phẩm truyền hình. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư trang thiết bị giúp giảm bớt khó khăn trong việc sản xuất chương trình và nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng đôi khi những sự cố về thiết bị, hình ảnh xảy ra trong quá trình sản xuất sẽ khiến cả êkíp phải vận hành lại từ đầu và công việc sẽ kết thúc muộn hơn thường lệ, vào khoảng 23 giờ đêm.

Mặc dù tên tuổi không xuất hiện trên mặt báo, trên màn ảnh truyền hình nhưng với tinh thần tận tụy và lòng yêu nghề, họ đã đảm nhận những công việc thầm lặng của nghề báo, trực tiếp tham gia tạo ra sản phẩm và góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nội dung, hình thức của các sản phẩm báo chí. Họ cũng xứng đáng được tôn vinh.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc