Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong phát triển tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước

10:03, 17/06/2015

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 5.700 doanh nghiệp ngoài nhà nước  với trên 68.000 lao động. Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng việc thành lập tổ chức công đoàn và phát triển đoàn viên ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, từ năm 2009 đến cuối tháng 6-2015, mới chỉ có 130 doanh nghiệp thành lập được tổ chức công đoàn (đạt 2,28%), với  6.150 đoàn viên. Nhưng trong số đó đã có 27 công đoàn cơ sở doanh nghiệp giải thể, với 833 đoàn viên. Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp ngoài nhà nước của tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, thương mại-dịch vụ nên tình hình việc làm và lao động không ổn định. Hơn nữa, việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên doanh nghiệp cũng chưa dành nhiều sự quan tâm trong thành lập tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mặc dù đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở và cũng đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng vẫn không “mặn mà” tham gia. Chính điều này đã khiến nhiều lao động không được tổ chức công đoàn chăm lo đời sống và đứng ra bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp dù có đông lao động, nhưng chỉ thực hiện ký kết hợp đồng lao động với một số vị trí công việc chủ chốt như kế toán, trợ lý giám đốc…, còn các lao động phổ thông thì chỉ ký kết hợp đồng ngắn hạn, dưới 3 tháng, theo thời vụ hoặc thậm chí không thực hiện ký kết hợp đồng lao động. Trong khi đó, khi đã thành lập tổ chức công đoàn, doanh nghiệp phải thực hiện việc trích nộp kinh phí công đoàn 2% trên tổng tiền lương của đoàn viên và thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chủ doanh nghiệp. Ông Lê Văn Sum, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết: “Theo Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, ngày 24-10-2014 của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp có từ 5 đoàn viên công đoàn hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam, đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn… Chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, công đoàn địa phương, công đoàn ngành, công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất phối hợp cùng doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định… Tuy nhiên, việc doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc theo thời vụ là cách để họ “lách” luật không phải thành lập tổ chức công đoàn và khỏi phải chi ra một khoản tiền lớn thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, BHTN… cho người lao động”.

Chế biến gỗ tại Công ty Cổ phần Gỗ lạng Buôn Ma Thuột.
Chế biến gỗ tại Công ty Cổ phần Gỗ lạng Buôn Ma Thuột.

Có thể nói, ngoài những nguyên nhân trên, việc thành lập tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn còn do sự vào cuộc chưa kịp thời, thiếu đồng bộ của công đoàn các cấp và ngành hữu quan. Công tác tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập công đoàn và vận động, thuyết phục chủ sử dụng lao động tạo điều kiện thành lập công đoàn cơ sở chưa thường xuyên, thiếu linh động, chưa có sự đổi mới về nội dung, hình thức. Ngoài ra, công tác kiểm tra, khảo sát của một số công đoàn cấp trên cơ sở chưa cụ thể, thường xuyên nên không nắm bắt được tình hình để có những chỉ đạo, định hướng kịp thời; năng lực một số cán bộ trong hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu kinh nghiệm nên chất lượng, hiệu quả chưa cao. Anh Đậu Chí Thanh, Đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Thương mại Minh Phát (TP. Buôn Ma Thuột) thừa nhận: “Công ty đã đi vào hoạt động ở thị trường Dak Lak được 5 năm nhưng không hiểu gì về tổ chức công đoàn cũng như quy định bắt buộc phải thành lập tổ chức này theo Nghị định số 98/2014/NĐ-CP vì chưa được các cấp công đoàn cũng như địa phương tuyên truyền, vận động. Công ty rất mong muốn được hướng dẫn, thành lập tổ chức công đoàn để đồng hành, chăm lo đời sống cho người lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể nhằm “níu giữ” họ gắn bó lâu dài với công ty, tránh tình trạng “nhảy việc” như hiện nay”. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Ko Tam bày tỏ: “Tuy chưa thành lập công đoàn cơ sở nhưng lâu nay công ty vẫn thực hiện các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động như thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ làm nhà ở, khen thưởng, tổ chức đi tham quan, du lịch… Do vậy, nếu được tuyên truyền, vận động, công ty sẵn sàng thành lập tổ chức này”. 

Bàn về giải pháp phát triển tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp dân doanh, ông Lê Văn Sum, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh: “Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thành lập các Ban chỉ đạo vận động thành lập công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước; tăng cường khảo sát hoạt động của các doanh nghiệp, tìm hiểu nắm bắt tâm lý của chủ doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, số lượng lao động, thu nhập bình quân đầu người để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hội nghị tập huấn những kiến thức cơ bản về pháp luật lao động cho các chủ doanh nghiệp và người lao động nhằm nâng cao nhận thức, vận động, thuyết phục họ tham gia xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn. Và quan trong hơn cả, cần phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nhằm tạo niềm tin của người lao động và chủ sử dụng lao động đối với tổ chức công đoàn”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc