Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa cho những hoàn cảnh khó khăn

10:02, 16/06/2015

Bằng việc huy động nguồn kinh phí từ các ban, ngành, tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm, Hội Chữ thập đỏ huyện Buôn Đôn đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội ở địa phương.

Nhờ có ngôi nhà mới được Hội Chữ thập đỏ huyện vận động kinh phí hỗ trợ xây dựng, gần 2 năm nay gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh (buôn M'tha 2, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) không còn phải chịu cảnh sống trong căn lều tạm bợ mà mỗi khi trời mưa thì nước chảy lênh láng, mùa nắng lại nóng như đổ lửa. Bây giờ, với ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, vợ chồng bà đã không còn lo lắng như trước đây mà đã yên tâm chăm sóc mấy sào đất rẫy trồng cà phê và hoa màu để trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học. Bà Hạnh chia sẻ: "Vợ chồng tôi có 4 người con, vì cuộc sống ở quê (tỉnh Quảng Ngãi) quá khó khăn nên phải lên Dak Lak lập nghiệp. Dù đã cố gắng chịu khó làm lụng nhưng cũng chỉ đủ lo bữa ăn cho cả gia đình. Do đó, từ khi đến mảnh đất này đã hơn 20 năm nhưng vẫn không đủ khả năng để xây nhà mà phải ở trong căn lều nhỏ vừa dùng để nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Những tưởng ước mơ về ngôi nhà mới sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực nhưng nhờ Hội Chữ thập đỏ huyện vận động Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Dak Lak hỗ trợ 40 triệu đồng, vợ chồng tôi đã vay mượn thêm để xây dựng ngôi nhà với trị giá gần 100 triệu đồng".

Người dân nghèo xã Krông Na (huyện Buôn Đôn)  được khám bệnh miễn phí.
Người dân nghèo xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) được khám bệnh miễn phí.

Những năm qua, Hội Chữ thập đỏ huyện đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào, mô hình mang lại hiệu quả lớn như: "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", "Ngân hàng bò", "Hiến máu nhân đạo"... góp phần chăm lo, giúp đỡ nhiều hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Cụ thể như dự án tặng bò (không hoàn lại) cho 23 hộ dân nghèo ở xã Krông Na. Nhờ sự cần cù, chịu khó chăn thả và tìm kiếm thức ăn tự nhiên, từ con bò giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay nhiều gia đình đã phát triển đàn bò  lên 4-5 con. Cũng từ  đó, cuộc sống của họ đã bớt khó khăn, kinh tế ổn định hơn. Ngoài nguồn hỗ trợ không hoàn lại này, Hội Chữ thập đỏ huyện cũng đã xây dựng Dự án ngân hàng bò với tổng số vốn hơn 500 triệu đồng, hỗ trợ cho hàng chục hộ dân vay vốn chăn nuôi nhỏ lẻ. Hay như mô hình “"Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, Hội Chữ thập đỏ huyện đã vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ thường xuyên cho 40 đối tượng với tổng giá trị trên 300 triệu đồng. Tiêu biểu như tập thể cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự huyện Buôn Đôn đã hỗ trợ cho nhiều hộ nghèo như bà Phạm Thị Loan (thôn 5, xã Ea Huar) có hoàn cảnh neo đơn, già yếu không nơi nương tựa được hỗ trợ một tháng 1 triệu đồng; nhận đỡ đầu 5 anh em mồ côi cha mẹ ở buôn Tul A (xã Ea Wer) mỗi tháng hỗ trợ 1 triệu đồng, 30 kg gạo và các nhu yếu phẩm khác… Đồng thời, thường xuyên cử các cán bộ, chiến sĩ đến giúp các em phát dọn nương rẫy, trồng tỉa hoa màu và hỗ trợ thêm về cây giống, phân bón; đặc biệt đầu năm 2013 đã tặng các cháu 1 con bò giống trị giá 9,5 triệu đồng.

Nhiều hộ nghèo ở xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) được nhận bò giống do Quỹ Thiện Tâm và Tập đoàn Vingroup trao tặng
Nhiều hộ nghèo ở xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) được nhận bò giống do Quỹ Thiện Tâm và Tập đoàn Vingroup trao tặng

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Buôn Đôn cho biết: "Buôn Đôn là địa phương còn nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn nội lực còn rất hạn chế, do đó sự hỗ trợ, giúp đỡ kinh phí xây nhà, tặng bò, trao quà cho hộ nghèo chủ yếu được vận động từ các nhà hảo tâm ở ngoài địa phương. Cũng nhờ đó, đã có hàng trăm hộ nghèo được hỗ trợ thông qua hình thức tặng quà, hỗ trợ vốn vay mua bò giống sinh sản, xây nhà, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí... Với trách nhiệm là những cán bộ hội chữ thập đỏ, chúng tôi sẽ cố gắng huy động nhiều nguồn lực hơn nữa để giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế".

Những phần quà, số tiền hỗ trợ dù không lớn nhưng đối với các hộ dân nghèo đó là cả một gia tài mà suốt bao năm vất vả làm lụng họ vẫn không có được. Và có lẽ, nếu không có sự hỗ trợ này, những ước mơ kia khó thực hiện được khi mà công việc hằng ngày của họ nhiều khi không đủ kiếm bữa ăn cho cả gia đình. Mong rằng ngày càng có thêm nhiều tấm lòng hảo tâm chung sức, chia sẻ khó khăn với người nghèo để tiếp thêm sức mạnh, ý chí và nghị lực giúp họ vững vàng bước đi trong cuộc sống.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.