"Học kỳ 3" nhiều ý nghĩa
Ghi những điều ước nguyện và thả bóng lên trời. |
Mô hình “Học kỳ trong quân đội” là một chương trình đặc biệt giáo dục thanh thiếu niên được Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức thí điểm năm 2008 và 2009. Sự thành công của Chương trình đã gây một tiếng vang lớn, nên năm 2010, Trung ương Đoàn chỉ đạo nhân rộng mô hình này trong toàn quốc. Dak Lak là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức Chương trình “Học kỳ trong quân đội” với sự phối hợp giữa Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục – Đào tạo và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Có thể nói, “Học kỳ trong quân đội” là một chương trình huấn luyện khá bổ ích và là sân chơi lành mạnh, lý thú cho mỗi em học sinh; qua đó, giúp các em hiểu hơn về truyền thống quân đội, được rèn luyện tính tự lập, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, sự tự tin và một số kỹ năng sống cơ bản, cần thiết cho hành trang tương lai. Thực tế đã chứng minh về tính giáo dục tích cực của chương trình ngay từ lần đầu tiên tổ chức và ngày càng có nhiều phụ huynh quan tâm đến Chương trình, đăng ký cho con em tham gia. Có thể thấy rõ điều đó qua số lượng các em đăng ký ngày một tăng. Nếu như năm 2010 (năm đầu tiên tổ chức), có 93 em tham gia; thì đến năm 2015 đã có 236 em tham gia với hai lớp thiếu nhi và thanh niên.
Các “chiến sĩ nhí” SIA thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng đội trong sinh hoạt tập thể. |
Để Chương trình ngày càng hoàn thiện, đổi mới, nội dung chương trình mỗi năm đều khác nhau. Năm nay, Ban tổ chức nghiên cứu, sắp xếp khoa học, hợp lý với nhiều chuyên đề, mô hình hoạt động mới phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các em và xu hướng xã hội hiện nay, dựa trên hướng dẫn chương trình khung giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đặc biệt là thực tiễn kinh nghiệm qua 5 năm tổ chức chương trình. Cụ thể, lớp thiếu nhi và lớp thanh niên hoàn toàn khác nhau về nội dung chương trình để phù hợp với tâm lý, thể chất, sự phát triển về nhận thức, tư duy của từng độ tuổi. Và như vậy, cách thức tổ chức cũng có sự khác biệt, ngay từ chủ đề hằng ngày đã thể hiện sự khác nhau trong yêu cầu huấn luyện. Các chuyên đề, diễn đàn của lớp thiếu nhi là: “Kỹ năng giao tiếp ứng xử”; “Ngôi sao ước mơ”; “Hãy mỉm cười”; “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”…; của lớp thanh niên là “Đi tìm ý nghĩa cuộc sống”, “Kỹ năng kiểm soát cảm xúc”, “Tầm nhìn chiến sĩ SIA về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam”, “Hai mặt của công nghệ số”. Đối với các nội dung huấn luyện quân sự, lớp thanh niên đòi hỏi cao hơn lớp thiếu nhi, yêu cầu thực hành thêm bài vượt vật cản K91, cách tháo lắp súng tiểu liên AK, CKC. Các chương trình cảm xúc, các hội thi, lễ hội… cũng được thiết kế phù hợp với thiếu nhi, thanh niên. Và đối với lớp thanh niên, còn có nội dung ở nhà dân để các em trải nghiệm cuộc sống thường ngày của bà con buôn Cư Dluê (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột)…
Chị Lại Thị Loan, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Giám đốc Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Chương trình “Học kỳ trong quân đội” 2015 cho biết: Với phương châm “Thép đã tôi thế đấy”, nội dung chương trình thể hiện sự rèn luyện - thay đổi và trưởng thành của một “tân binh” khi học tập trong môi trường mang tính kỷ luật của quân đội; vượt lên chính mình với những thử thách; học cách yêu thương và chia sẻ trong tình đồng đội; thể hiện sở trường, tài năng và cách sử dụng thế mạnh của bản thân trong các hoàn cảnh sống; hướng về gia đình, xác định trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Mục tiêu của chương trình là góp phần xây dựng một thế hệ trẻ không chỉ năng động, sáng tạo, có kỹ năng làm việc nhóm mà còn biết yêu thương, đoàn kết để sau này các em trở thành những công dân tiêu biểu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy chỉ tham gia trong một thời gian ngắn, nhưng có lẽ hầu hết các “chiến sĩ nhí” SIA khi trở về nhà đều có một sự “lột xác” với những thay đổi tiến bộ, tích cực. Nhìn nhận sự thay đổi của con qua quá trình rèn luyện, chị Trương Thị Hương, phụ huynh em Phùng Quốc Hải chia sẻ: “Chỉ trong một thời gian ngắn tham gia Chương trình, nhưng tôi đã nhận thấy cháu có những sự thay đổi, tiến bộ rất đáng mừng. Nhìn thấy cháu nhanh nhẹn, tự tin đứng trên sân khấu tại Lễ xuất ngũ chúng tôi rất tự hào. Các hoạt động của Chương trình đã tạo cho cháu tính tự lập, biết suy nghĩ, sống yêu thương mọi người, thương cha mẹ hơn, “lớn” hơn rất nhiều trong suy nghĩ, nhận thức và cả trong hành động...”.
Với những thành công của Chương trình “Học kỳ trong quân đội” qua nhiều năm tổ chức, thật xứng đáng khi khẳng định rằng: Chương trình là một “học kỳ thứ ba” nhiều ý nghĩa, là học kỳ của tình yêu thương, trách nhiệm...
Lan Anh – Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc