Nghề báo và sự sẻ chia
Nhiều người nói, nghề báo là nghề của những người có nhiệt huyết, có đam mê, luôn sẻ chia và đồng cảm. Quả thực với đặc thù nghề nghiệp, đi nhiều, gặp nhiều nên có điều kiện để tiếp xúc với rất nhiều thành phần trong xã hội. Và trong cuộc sống muôn vàn ấy có không ít hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Thậm chí có không ít hoàn cảnh tìm đến tôi như là “cứu cánh” cuối cùng. Còn nhớ, đầu năm 2011, anh Văn Đức Kiên, cán bộ chính sách xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana đã liên lạc với tôi, kể về hoàn cảnh của cô bé H’Loai Niê (sinh năm 1995 tại buôn Dur 1, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) đã phải mang trên mình một khối u cứng lồi ra từ mũi và che kín gần toàn bộ khuôn mặt. Tôi đã cùng anh Kiên tìm về căn nhà nơi bé H’Loai đang sinh sống. Chứng kiến cảnh sống trong căn phòng đặc quánh mùi mốc, ánh sáng le lói xuyên qua khe cửa, chúng tôi không khỏi nhói lòng khi nhìn thấy gương mặt H’ Loai. Một khối thịt lớn nứt nẻ che phủ gần hết gương mặt của cô bé. Từ khối u cứng như xương nhưng máu vẫn rỉ ra tạo nên những cơn đau giật buốt óc khiến em chỉ có thể co người lại từng hồi, nước mắt tuôn xối xả. Bên cạnh em là người mẹ với vẻ mặt khắc khổ đang dùng khăn thấm máu và mủ trên mặt con, bàn tay run run cùng những giọt nước mắt cố kìm nén. Ngay lúc ấy, chưa biết có giúp được gì cho cháu không, nhưng có ít tiền làm lộ phí công tác tôi đã lấy ra, đưa ngay cho mẹ cháu là chị H’Răng Niê. Về đến nhà, dù rất mệt, nhưng việc đầu tiên là ngồi vào máy và viết bài để mong kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng đối với hoàn cảnh khó khăn này. Cũng may sao, chỉ thời gian ngắn sau, tôi nhận được điện thoại của anh Kiên báo tin rằng, sau khi báo đăng đã có một số nhà hảo tâm giúp đỡ em cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, đáng trân trọng một nhà hảo tâm giấu tên đã tài trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) và còn tài trợ toàn bộ kinh phí phẫu thuật thẩm mỹ để giúp em lấy lại gương mặt như trước đây.
Tổng Biên tập Báo Dak Lak Nguyễn Văn Phú tặng quà đồng bào buôn Cuôr Kăp (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) nhân dịp Tết Ất Mùi 2015. |
Rồi cũng nhờ nghề báo, tôi được anh em ở Huyện Đoàn Krông Ana nhờ tìm cách giúp đỡ cậu bé Trần Triệu Minh Lâm, mồ côi cả cha lẫn mẹ và phải sống với bà ngoại. Khi tiếp xúc với Lâm, ít ai biết được rằng ẩn sau nụ cười tươi rói, khuôn mặt rắn rỏi, đặc biệt là đôi mắt đầy tự tin là cả một nỗi mất mát quá lớn. Trước đây gia đình Lâm ở thị trấn Buôn Trấp. Khi em bước vào lớp 3, người mẹ thân yêu đã từ giã cõi đời sau một cơn bạo bệnh. Những tưởng đó là nỗi đau lớn nhất trong đời của em. Vậy mà đến năm em lên lớp 4, người bố lại bỏ em ra đi mãi mãi sau một vụ tai nạn giao thông. Và em trở thành cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Kể từ đó, em phải về sống với bà ngoại ở xã Quảng Điền. Lúc gặp Lâm, em là học sinh lớp 6A1, Trường THCS Lê Đình Chinh. Sau khi báo đăng bài về hoàn cảnh của Lâm, tôi được anh em ở Huyện Đoàn thông báo là có một số nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà và động viên em vượt qua khó khăn để tiếp tục việc học. Dù vậy do hoàn cảnh nên cuộc sống của bà cháu Lâm vẫn rất khó khăn, và việc học của Lâm có thể bị gián đoạn bất kỳ lúc nào. Thế nên mới đây, trong lễ tổng kết năm học 2014-2015, Phó Bí thư Huyện Đoàn Đào Đức Hiệp đề xuất tìm cách hỗ trợ một suất học bổng toàn phần (mỗi tháng 500 ngàn đồng trong suốt mỗi năm học) cho Lâm yên tâm học tập. Thế là một lần nữa tôi lại cùng bạn bè tìm đến động viên và trao số tiền phục vụ năm học tiếp theo cho Lâm với điều kiện Lâm phải hứa sẽ đạt thành tích học tập tốt. Anh em cũng bảo nhau sẽ hỗ trợ Lâm đến khi nào em học xong đại học thì mới dừng lại.
Là một nhà báo trẻ, tôi tự nhủ rằng những nhà báo mới vào nghề chưa thể viết được những điều lớn lao và to tát, thì ít nhất, cũng phải viết được những điều bé nhỏ và chân thật về cuộc sống. Và có thể từ những điều nhỏ bé ấy tôi sẽ tìm được sự đồng cảm của những người xung quanh để cùng sẻ chia với những thân phận không được may mắn trong cuộc sống.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc