Multimedia Đọc Báo in

Nhật ký trên hành trình "nhặt sạn, khơi trong"

07:34, 28/06/2015
Làm phóng viên có cái hay, cái thú là được đi đây đi đó, không bị gò bó về mặt thời gian. Còn với những biên tập viên, có người nhìn rồi lắc đầu chia sẻ và cho rằng chắc là nhàm chán, buồn tẻ lắm khi họ thấy cảnh ngày ngày phải ngồi, cắm cúi đọc, sửa hết bản thảo này đến bản thảo khác với đủ thể tài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng tôi cùng các đồng nghiệp vẫn tìm thấy niềm vui cho mình ở công việc lặng thầm mà chúng tôi gọi là “nhặt sạn, khơi trong” ấy chính bởi những câu chuyện, những tình cảm, những giãi bày của các cộng tác viên, bạn đọc mà chúng tôi được lắng nghe, đón nhận.

1. Anh là một nhà giáo, ngoài tình yêu với công việc “trồng người”, anh còn rất say mê viết báo. Anh kể thật lòng, thú thực lúc đầu anh cộng tác với Báo Dak Lak vì muốn có thêm thu nhập nên gặp gì cũng viết, thập cẩm thể loại, đề tài. Ngày đó Báo Dak Lak mới phát hành 3 số một tuần, đều đặn các ngày thứ 2, 4, 6, sau giờ lên lớp anh tranh thủ ra cửa hàng bán báo ở Ngã Sáu (TP. Buôn Ma Thuột) để xem có tin, bài của mình không, nhưng khổ nỗi viết hoài chẳng thấy được đăng. Cho đến một ngày, anh long nhong dạo phố với chiếc máy ảnh du lịch trên tay. Đi qua một ngôi trường, thấy tấm biển hiệu của trường có tên “L   Hồng Phong”, anh biết là bị rơi mất chữ “ê” sau chữ “L”. Anh đưa máy lên chụp và đơn giản chỉ là chụp chơi. Nhưng một thời gian sau, có dịp đi qua, anh thấy biển hiệu ấy vẫn nguyên hiện trạng, chưa được sửa, anh “đánh liều” gửi cho Báo Dak Lak tấm ảnh có ghi rõ ngày giờ chụp kèm theo một lời bình cho ảnh là “Trường nào đây?”, không ngờ tấm ảnh đó được đăng trong mục Những điều trông thấy. Anh bày tỏ: Tác phẩm đầu tay được đăng báo ấy đã cho anh thay đổi cách nhìn về những điều mình suy nghĩ trước đây, rằng viết báo không nhất thiết phải là những gì đao to búa lớn mà là những gì gần gũi và thiết thân nhất. Câu chuyện của anh cũng gợi mở và nhắc nhở những người làm công tác biên tập như chúng tôi phải luôn biết trân trọng, tận dụng tối đa những thông tin mà cộng tác viên gửi đến và trong quá trình xử lý, chỉnh sửa, phải làm sao để tác phẩm ấy đúng, trúng, dễ hiểu, dễ tiếp nhận.

2. Một ngày tháng 7 năm 2012, đồng hồ chỉ 22 giờ, điện thoại đổ chuông, tôi nhấc máy, phía đầu dây bên kia, giọng nói rất gấp gáp: “Chị ơi có một vụ tai nạn vừa xảy ra trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP. Buôn Ma Thuột), em vừa đi qua đó, sẵn điện thoại em đã chụp hình. Em vừa gửi thông tin vào email của tòa soạn, nếu được thì đăng báo mạng cho kịp chị ạ!”. Dù đã khuya nhưng thấy sự nhiệt tình của bạn đọc, tôi không ngần ngại vào đọc tin và xử lý biên tập. Vài ngày sau, tìm đọc trên mạng xung quanh thông tin này, tôi thật mừng vì Báo Dak Lak điện tử đã đưa tin khá sớm. Sau này có dịp trò chuyện với bạn đọc, cộng tác viên ấy, tôi nghe anh tâm sự, anh có thói quen đi đâu thấy có gì hay, lạ… cũng chụp hình. Cậu con trai 5 tuổi của anh cũng học theo bố, đi chơi là đòi lấy máy để chụp.

3. Mùa mưa lũ năm 2012, người dân vùng biên giới Ia R’vê (huyện Ea Súp) bỗng chốc đối mặt với nguy cơ trắng tay do nước lũ bất ngờ tràn về. Hôm đó, trời đã nhá nhem tối, biên tập xong một số tin bài của báo điện tử, tôi chuẩn bị đóng cửa về thì có điện thoại bàn. Tôi nhấc máy, phía đầu dây bên kia có tiếng một người đàn ông: “Báo Dak Lak phải không cô, tôi có gửi mấy tấm ảnh và một số thông tin về việc cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 737, 736 của Binh đoàn 16 giúp dân cứu hoa màu, báo đăng giùm tôi, còn nhuận bút không quan trọng. Tôi muốn có món quà để cảm ơn và động viên tinh thần các chiến sĩ”. Mải mê trao đổi thông tin, tôi cũng quên cả việc hỏi tên và địa chỉ của anh. Đến giờ tin và hai tấm ảnh với bút danh mà tôi đành phải ký là C.T.V trên báo điện tử vẫn chưa tìm được tên tác giả chính xác, tất nhiên cả số tiền nhuận bút của tin, ảnh đó cũng chưa đến được tay anh. Nhưng tôi biết có những điều còn quan trọng hơn khi thông tin ấy được đăng tải…

4. 10 giờ 53 ngày 21-6-2015: “Sáng ra em bóc tờ lịch, chợt thấy hôm nay là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúc chị sức khỏe, luôn hạnh phúc với sự lựa chọn của mình”, lời nhắn của một độc giả gợi lên trong tôi một cảm xúc khó tả và xúc động về sự giản dị, chân thành. Lòng dâng trào niềm hạnh phúc, tôi càng thêm tin yêu về công việc mà dường như đã có duyên nợ với mình ngay từ khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa của giảng đường đại học. Chợt nhớ đến lời của người anh đồng nghiệp: “Em chính thức chuyển xuống làm công việc biên tập từ ngày 1-10-2007, ngày đó là ngày người cao tuổi nên chắc sẽ ngồi làm công việc này cho đến lúc “tuổi cao” rồi về hưu luôn”. Chẳng biết anh nói đùa, nhắc nhở hay chia sẻ, cũng biết gian nan và nhiều thử thách nhưng tôi đã thực sự bị công việc ấy “mê hoặc” và yêu nó rồi…

                                                                                                                 Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc