Multimedia Đọc Báo in

Những bà mẹ "nhí" ở Ea Tul

15:21, 28/06/2015
Yêu sớm, cộng với thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), nhiều bé gái người Ê đê ở xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) đã trở thành những bà mẹ “nhí”, thậm chí có em làm mẹ khi chỉ mới là học sinh cấp II.

Nhìn H’Diên Ksơr (buôn Knia A) địu đứa bé trên lưng ai cũng tưởng là chị đang trông em nhưng hỏi ra mới biết đó là 2 mẹ con. H’Diên cho biết năm nay đã 17 tuổi, tuy nhiên theo cán bộ dân số - KHHGĐ xã Ea Tul thì hiện em chỉ mới 15 tuổi. Chồng H’Diên là Y Luen Niê (sinh năm 1998) ở buôn Tu, xã Ea Tul. Cô cậu yêu nhau khi H’Diên đang học lớp 8, đến khi có thai được 6 tháng không thể giấu được nữa cả hai mới nói chuyện với gia đình và nhanh chóng được tổ chức đám cưới. Đứa con hiện đã được 6 tháng tuổi. Là vợ chồng nhưng do còn quá nhỏ nên H’Diên và Y Luen chưa thể tự lo cho cuộc sống riêng của mình mà vẫn phụ thuộc hết vào bố mẹ…

Bà mẹ “nhí” H’Diên Ksơr (bìa phải).
Bà mẹ “nhí” H’Diên Ksơr (bìa phải).

Cách nhà H’Diên khoảng 300 m là gia đình H’Siyun Hwing (SN 1998) và Y Ran Ktla (cùng tuổi). Cô cậu này cũng nên duyên do đã “lỡ” vượt quá giới hạn khi cùng đang học cấp 3 ở thị trấn huyện. Và chỉ gần 3 tháng nữa cặp vợ chồng “nhí” này sẽ lên chức bố mẹ khi mới chỉ 17 tuổi. Cũng giống như các trường hợp khác, cuộc sống của H’Siyun và Y’Ran Ktla vẫn phải dựa vào bố mẹ... H’Siyun chia sẻ: “Em và chồng em yêu nhau từ lúc học lớp 8. Trước đây em cũng định 18 hoặc 19 tuổi mới lấy chồng… nhưng năm học lớp 11 do có thai ngoài ý muốn nên phải lấy thôi, với lại đằng nào cũng phải lập gia đình mà. Hiện em chỉ ở nhà đợi đến ngày là sinh nở còn chồng em thì phụ giúp bố mẹ làm rẫy. Mọi chi tiêu, sinh hoạt đều do bố mẹ lo cả, bọn em không đỡ đần được gì…”.

Xã Ea Tul chỉ cách trung tâm huyện Cư M’gar khoảng 11 km, toàn xã có 12 buôn và 1 thôn với 2.525 hộ và 10.890 nhân khẩu;  trong đó, có 98% dân số là người Ê đê. Trong những năm qua, ngành dân số và chính quyền địa phương đã vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tục tảo hôn nhưng tình trạng này vẫn diễn ra khá phố biến và đang có chiều hướng gia tăng, hầu như năm nào cũng có ít nhất vài cặp vợ chồng lấy nhau khi chưa đủ tuổi thành niên… Theo số liệu tổng hợp của Ban Dân số - KHHGĐ xã Ea Tul, tính từ năm 2012 đến nay trên địa bàn xã đã có gần 20 trường hợp tảo hôn, trong đó tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay đã có đến 4 trường hợp, có nhiều trường hợp đối tượng mới đang học cấp II, tập trung ở các buôn  Knia, Pơng, Tu và Brah… Một trong những nguyên nhân góp phần gia tăng các cặp vợ chồng “nhí” này là do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là kiến thức về sức khoẻ sinh sản, dân số - KHHGĐ dẫn đến tình trạng có thai ngoài ý muốn và những đám cưới “bất đắc dĩ”. Chị  H’Uyn Kdok, cán bộ chuyên trách dân số - KHHGĐ xã Ea Tul cho biết: “Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, đội ngũ cộng tác viên dân số của xã thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương và các thôn, buôn đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ trong các cuộc họp nhóm, thôn, buôn đồng thời đến trực tiếp các hộ gia đình. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến và tăng dần theo từng năm, hầu hết địa bàn nào cũng có. Tảo hôn ở xã Ea Tul chủ yếu là do các em có thai ngoài ý muốn. Thường thì các em đi học ở trọ và xa bố mẹ, yêu đương thiếu sự kiểm soát của gia đình cũng như hạn chế kiến thức về sức khỏe sinh sản nên dễ xảy ra có thai. Chỉ đến khi có thai, bố mẹ mới phát hiện ra thì đã muộn và buộc phải cho kết hôn”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc