Multimedia Đọc Báo in

Tản mạn nghề báo!

15:15, 28/06/2015
Không ít lần, cánh phóng viên chúng tôi được nhiều người trầm trồ: “Nghề báo sướng thật, được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người!”.

Không giống như "dân văn phòng", gần như suốt 8 giờ/ngày “bó gối” trong 4 bức tường, phóng viên phải “chạy” suốt ngày, hôm thì dự hội nghị, hôm thì đi cơ sở lấy tư liệu viết tin, bài, rất hiếm khi ngồi ở cơ quan, trừ khi in tin, bài hoặc chỉnh sửa bản thảo theo yêu cầu của biên tập. Vì vậy, khi có sinh viên nữ hoặc nữ phóng viên vào cơ quan tập sự, thử việc, ngoài hỏi thăm, chúng tôi vẫn trêu: “Dại ghê, nghề gì không chọn lại đi chọn nghề báo, suốt ngày “mài mặt” trên đường”. Nói vậy thôi, chứ nghề báo cũng có nhiều điều thú vị! Có lẽ vì vậy  mà mỗi mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn học sinh lớp 12 hăm hở nộp hồ sơ đăng ký vào các trường báo chí. Chưa kể, tại những buổi tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng, những băn khoăn, thắc mắc của các bạn học sinh trước ngưỡng cửa đại học về nghề báo khiến các chuyên gia tâm lý “mệt bở hơi tai”. Một nữ đồng nghiệp của tôi tâm sự: “Từ đầu năm học lớp 10, bố mẹ đã định hướng cho em theo nghề giáo viên, thu nhập ổn định lại có thời gian chăm lo cho gia đình. Mặc dù không thích nghề “gõ đầu trẻ” lắm, nhưng thương bố mẹ lớn tuổi em có phần xiêu lòng! Nhưng đến năm lớp 12, em đột ngột thay đổi quyết định, chọn ngành báo chí trước sự ngỡ ngàng của bố, sự giận dỗi của mẹ. Nguyên do là: Trước ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học, có một nữ phóng viên đến trường phỏng vấn về nội dung định hướng nghề nghiệp và xu hướng chọn nghề của học sinh hiện nay. Qua chuyện trò, cùng những phân tích thấu đáo của chị nhà báo, em quyết định chọn ngành báo chí, dẫu biết nghề này lắm nhọc nhằn!”.

Phóng viên đang tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào Vân Kiều (xã Ea Hiu, huyện Krông Pak).
Phóng viên đang tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào Vân Kiều (xã Ea Hiu, huyện Krông Pak).

Còn những ai đã “biết” một chút về nghề báo thì chặc lưỡi: “Rất vất vả, chịu nhiều áp lực”. Ba mẹ tôi cũng nghĩ như vậy. Ngày tôi quyết định nộp hồ sơ thi vào nghề báo, ba mẹ tôi đã phản đối kịch liệt, khuyên can từ cứng rắn đến mềm mỏng nhưng bản thân tôi vẫn quyết tâm chọn con đường này, bởi vì đó là đam mê. Điều này cũng dễ hiểu bởi theo cách nhìn của hầu hết mọi người, làm báo là một nghề nặng nhọc, đi nhiều, đòi hỏi sự can đảm nên phù hợp với nam giới hơn. Còn phụ nữ một khi dấn thân với nghề báo, sẽ phải hy sinh rất nhiều và cũng rất nhiều sự hy sinh khó nói hết thành lời... Không như một số ngành nghề khác, nghề báo không hề có sự ưu tiên hay chiếu cố nào dành cho phái nữ. Để săn tìm thông tin, hầu như những nơi nào mà các nam phóng viên đặt chân đến thì ở đó các phóng viên nữ cũng phải có mặt. Công tác ở lĩnh vực báo chí chưa lâu bằng những "cây đa, cây đề” nhưng cũng đủ để tôi trải nghiệm, rút ra những bài học thú vị khi đã trót chọn  nghề “nhiều chuyện” này. Gọi là “nhiều chuyện” bởi một ngày có thể đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, từ anh xe ôm, chú xích lô, bác nông dân, chị bán rau, đến vị giám đốc sở, chủ tịch công ty… Mỗi nhân vật có một cá tính, một phong thái, một mảnh đời, một ước mơ, một hoài bão… mà nhà báo phải hiểu tâm lý từng nhân vật mới có thể tiếp cận, lột tả được tâm tư, tình cảm, tính cách, như vậy mới có những câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn với bạn đọc, điều này không hề được dạy ở trường báo chí, mà chỉ được tích lũy, trải nghiệm qua thực tế. 

Các nữ nhà báo đi thực tế trên sông Thu Bồn (Quảng Nam).
Các nữ nhà báo đi thực tế trên sông Thu Bồn (Quảng Nam).

Gắn bó với nghề báo, có nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm, nhưng cũng không ít gian truân, vất vả, điều hạnh phúc nhất là mỗi khi tin, bài được đăng, được đông đảo bạn đọc biết đến, từ đó có thêm nhiệt huyết, để không bao giờ có sự ngần ngại khi vác ba lô lên đường…

 Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.