Ea Yông - điểm sáng thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa
Xã Ea Yông (huyện Krông Pắc) có 156 người có công (NCC) với cách mạng, gồm 71 thân nhân liệt sỹ, 46 thương binh, 12 bệnh binh, 7 trường hợp hưởng trợ cấp hằng tháng và 20 thanh niên xung phong.
Thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền xã Ea Yông đã huy động các nguồn lực làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho đối tượng chính sách. Nhờ nỗ lực đó đến nay trên địa bàn xã không còn NCC khó khăn về kinh tế, nhà ở. Ông Nguyễn Chí Trung, cán bộ LĐTB-XH xã cho biết: “Hỗ trợ NCC về nhà ở là chính sách hợp lòng dân vì vậy UBND xã đã chỉ đạo Ban tự quản phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể thôn, buôn tập trung rà soát, lập danh sách đối tượng chính sách thực sự khó khăn về nhà ở đề nghị hỗ trợ”. Năm 2014, xã Ea Yông có 21 gia đình có công được hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định số 22, ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí 910 triệu đồng, trong đó xây dựng mới 16 nhà, sửa chữa 5 nhà. Năm 2015, có thêm 4 gia đình chính sách được hỗ trợ tiền xây dựng mới, sửa chữa nhà ở. Với chủ trương không để hộ gia đình NCC nào phải ở nhà tạm, nhà hư hỏng nặng, hằng năm xã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được khoảng 40 triệu đồng (mỗi hộ ủng hộ 15.000 đồng/năm) để hỗ trợ từ 1-2 gia đình chính sách làm nhà ở.
Ngôi nhà tình nghĩa của ông Nông Văn Sinh (thôn Tân Sơn) đang giai đoạn hoàn thiện. |
Cùng với cán bộ chính sách huyện Krông Pắc chúng tôi đến thăm gia đình ông Nông Văn Sinh (dân tộc Nùng, ở thôn Tân Sơn) là em trai liệt sỹ Nông Văn Nàm hy sinh tại Cao Bằng tháng 2-1979 - khi căn nhà tình nghĩa đang trong quá trình xây dựng. Tốp thợ nề đang gấp rút lát gạch nền, sơn tường để kịp bàn giao nhà đưa vào sử dụng trong tháng 7. Ông Sinh cho biết: “Lúc mẹ còn sống, hằng tháng bà đều được nhận tuất liệt sỹ của anh trai. Năm 2010, mẹ mất Nhà nước hỗ trợ tiền mai táng phí và trợ cấp một lần với số tiền trên 15 triệu đồng. Đầu năm 2015, Nhà nước hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng để làm nhà tình nghĩa. Lâu nay gia đình ấp ủ ý định làm nhà mới thay thế cho căn nhà cũ dột nát, nhưng không đủ kinh phí nên đành gác lại. Nay có khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước, tôi quyết định làm căn nhà cấp 4, rộng 80 m2, trị giá khoảng 160 triệu đồng”.
Cùng với việc hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, xã Ea Yông chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, tín chấp vay các nguồn vốn ưu đãi, đặc biệt là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp gia đình chính sách phát triển kinh tế, nhờ đó nhiều hộ vươn lên ổn định cuộc sống. Ông Hoàng Văn Dò (dân tộc Nùng, thôn Tân Lập, thương binh 21%), nguyên là bộ đội đặc công thuộc Tiểu đoàn 79, Trung đoàn 429, Sư đoàn 305, bị thương tại chiến trường Campuchia nói: “Năm 1988, rời quê hương Cao Bằng vào xã Ea Yông lập nghiệp, cuộc sống khá vất vả. Thông qua các lớp tập huấn khuyến nông, được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, mình đầu tư chăm sóc vườn cà phê 7 sào, 1 sào lúa, gia đình dần vượt qua khó khăn.
Khoản tiền trợ cấp thương binh tuy không nhiều nhưng ổn định, phần nào giúp trang trải chi tiêu hằng ngày, tạm đủ nuôi 4 con ăn học. Hơn 20 năm sống trong căn nhà tạm ọp ẹp, chật chội, nóng nực, nhưng các thành viên trong gia đình không ai dám mơ ước ngôi nhà mới bởi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Vợ chồng dành dụm được khoản tiền nho nhỏ, nhưng chỉ để phòng lúc ốm đau. Năm 2014, được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu làm nhà tình nghĩa, cả nhà phấn chấn hẳn lên”. Niềm vui với vợ chồng thương binh Hoàng Văn Dò chưa thật sự trọn vẹn bởi 3 đứa con tốt nghiệp đại học, nhưng chỉ mới con gái đầu có việc làm ổn định, còn 2 con vẫn chưa có việc làm, trong khi đó đứa con út lại đang học lớp 10. “Mong muốn lớn nhất của tôi là các cháu tìm được một việc làm ổn định, phù hợp với ngành nghề đào tạo”, ông Dò thổ lộ.
Không riêng gì ông Dò, ông Sinh, một số gia đình chính sách ở xã Ea Yông nhờ chí thú làm ăn đã nâng cao mức sống gia đình, nhiều hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. “So với các xã, thị trấn khác, xã Ea Yông có hơn 50 đối tượng NCC là dân tộc thiểu số, chủ yếu sinh sống ở 3 thôn Cao Bằng, Tân Sơn và Thạch Lũ. Trong khi đó tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã (dài khoảng 7 km) vào 3 thôn đồng bào phía Bắc này đang xuống cấp nghiêm trọng, ít nhiều ảnh hưởng đến nỗ lực giảm nghèo bền vững của người dân. Do đó bà con mong muốn Nhà nước sớm quan tâm hỗ trợ kinh phí nâng cấp, cải tạo tuyến đường liên thôn để thuận tiện giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Chí Trung đề xuất.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc