Multimedia Đọc Báo in

Cần cơ chế đặc thù giải quyết chế độ cho người tham gia kháng chiến không còn giấy tờ gốc

09:20, 05/08/2015

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện nhiều văn bản về chế độ chính sách đối với NCC nhằm từng bước giải quyết chế độ, góp phần cải thiện cuộc sống cho thương binh, liệt sỹ, người có công (NCC).

Đặc biệt, ngày 16-7-2012 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 04 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi NCC, tiếp đó Chính phủ ban hành Nghị định 31, ngày 9-4-2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh 04 và nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Theo Pháp lệnh 04 đối tượng xác nhận NCC được mở rộng, các chế độ đối với NCC và thân nhân của họ cũng được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển của đất nước hiện nay. Theo đó tỉnh Đắk Lắk có hơn 20.000 NCC, thân nhân NCC thuộc phạm vi điều chỉnh, bổ sung, giải quyết chế độ theo Pháp lệnh này, trong đó có hơn 1.000 trường hợp được hưởng trợ cấp hằng tháng, gần 12.000 trường hợp thuộc diện điều chỉnh lại chế độ trợ cấp, hơn 7.000 hồ sơ được hưởng trợ cấp một lần và hưởng các chế độ liên quan khác.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Quang Trường  (bìa trái) thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Tô Thị Chiểu  (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột).
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Quang Trường (bìa trái) thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Tô Thị Chiểu (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột).

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng cho 348 NCC, trợ cấp một lần cho gần 4.000 NCC và thân nhân của họ, giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ 3.500 trường hợp. Ngoài ra ngành chức năng cũng đã lập danh sách, xem xét xác nhận giải quyết chế độ bảo hiểm y tế cho hơn 40.000 NCC, thân nhân NCC… Bên cạnh kết quả đạt được, việc giải quyết chế độ chính sách đối với NCC theo Nghị định 31 vẫn bộc lộ một số vướng mắc, như: việc xác nhận chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học sinh con bị dị dạng, dị tật mà hiện nay người con đã chết; việc khám, giám định đối với vết thương tái phát, còn sót vết thương đối với thương binh hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng, các thủ tục, điều kiện xem xét giải quyết chưa sát với thực tế; chế độ trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày còn thấp so với mức sống hiện nay. Đặc biệt là thủ tục, điều kiện xem xét giải quyết chế độ đối với người tham gia hoạt động kháng chiến không còn giấy tờ. Để tháo gỡ khó khăn trên, ngày 22-10-2013 liên bộ LĐ-TBXH, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 28 về việc hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Thực tế triển khai cho thấy một số quy định trong Thông tư 28 vẫn chưa giải quyết được những tồn đọng ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia kháng chiến. Đơn cử để xem xét xác nhận liệt sỹ, Thông tư 28 yêu cầu phải có danh sách liệt sỹ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh, hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31-12-1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sỹ; hoặc người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sỹ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sỹ từ ngày 31-12-1994 trở về trước. Đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh phải có một trong các giấy tờ như: lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân; lý lịch công an nhân dân; quyết định phục viên xuất ngũ, thôi việc… Các giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31-12-1994 trở về trước có ghi nhận cá nhân bị thương trong khi tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu. Theo ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TBXH): “Với quy định này không thể xác nhận được liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh vì hiện nay nhiều trường hợp đơn vị tham gia chiến đấu đã giải thể hoặc không còn lưu giữ các giấy tờ gốc, cũng có trường hợp do thời gian quá lâu nên bị thất lạc danh sách, tài liệu… Do đó yêu cầu phải có danh sách lưu trữ của đơn vị hoặc giấy tờ, tài liệu lập từ ngày 31-12-1994 trở về trước ghi nhận là hy sinh, bị thương mới được giải quyết chế độ là chưa phù hợp”. Bên cạnh đó, Thông tư 28 quy định thủ tục thiết lập hồ sơ để giải quyết chế độ được thực hiện tại cấp xã nơi người đó cư trú trước khi nhập ngũ - có nghĩa là những người quê ở nơi khác đang cư trú tại tỉnh Đắk Lắk, nếu muốn giải quyết chế độ bắt buộc phải về nơi cư trú trước khi nhập ngũ để thiết lập hồ sơ, như vậy vừa mất thời gian lại tốn kém tiền, nhất là đối với địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng khi mà phần lớn NCC đều từ các tỉnh khác đến sinh sống.

Qua đợt tổng rà soát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công (NCC) với cách mạng theo Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk có 444 trường hợp kê khai có tham gia hoạt động kháng chiến nhưng chưa được xác nhận NCC để hưởng chế độ ưu đãi. Đến nay ngành chức năng đã hướng dẫn thiết lập hồ sơ giải quyết chế độ cho 149 trường hợp, 1 trường hợp chuyển đi nơi khác, còn lại 294 trường hợp thiếu giấy tờ, không có giấy tờ gốc. Nếu căn cứ theo Thông tư 28 và các văn bản quy định hiện hành, việc giải quyết chế độ cho các trường hợp này rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Đàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH kiến nghị: “Để NCC với cách mạng được thụ hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước kịp thời, đúng quy định, Chính phủ cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù trong việc giải quyết chế độ đối với những trường hợp tham gia kháng chiến hiện không còn giấy tờ gốc. Ngoài ra, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ để ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các nội dung của Pháp lệnh, Nghị định sát với thực tế, phù hợp từng loại đối tượng, từng giai đoạn lịch sử và sớm điều chỉnh kịp thời những vướng mắc, phát sinh để các địa phương có cơ sở triển khai các chính sách đạt hiệu quả”.  

 Nguyên Lý


Ý kiến bạn đọc