Khi lòng dân đã thuận
Từ một vùng nông thôn, xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) đã được tỉnh công nhận đô thị loại V vào cuối năm 2014 và đang trên đường xây dựng thành thị trấn. Bước chuyển mình này có đóng góp không nhỏ của người dân về xây dựng hạ tầng đô thị.
Xã Pơng Drang có 3.850 hộ, với hơn 17 nghìn dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 20% dân số. Để phấn đấu đạt đô thị loại V, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, tạo diện mạo mới cho xã ngày càng khang trang, văn minh. Cùng với khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về đất đai để phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu…, Đảng ủy, chính quyền xã đẩy mạnh phát triển ngành thương mại-dịch vụ, với gần 600 hộ kinh doanh. Một thuận lợi nữa là trên địa bàn xã có cụm Công nghiệp Krông Búk, quy mô gần 70 ha, có 7 dự án đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân tăng cao là điều kiện thuận lợi để Đảng bộ, chính quyền huy động sức dân đầu tư hệ thống công trình hạ tầng đô thị, nhất là đường giao thông nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng tu sửa, nâng cấp, bê tông hóa trên 34 nghìn mét đường giao thông liên xã, liên thôn, liên xóm. Không chỉ vậy, người dân còn tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường vừa xây dựng, xây hội trường thôn và tu sửa trường học, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang. Lãnh đạo xã Pơng Drang cho biết, ban đầu việc huy động sức dân rất khó do tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Năm 2011 hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã chọn 2 thôn 6 và 7 triển khai thí điểm việc huy động sức dân làm đường giao thông. Để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc làm này, xã đã khảo sát, sau đó phối hợp với Ban tự quản các thôn tổ chức họp dân theo từng tuyến đường. Tại các cuộc họp, Ban tự quản thôn vận động nhân dân đóng góp tiền làm đường, còn UBND xã hỗ trợ một phần kinh phí. Đây là cách làm phù hợp với nguyện vọng của bà con, nhất là sau khi làm đường, lợi ích kinh tế của từng hộ dân tăng lên đáng kể nên tất cả người dân đều nhiệt tình hưởng ứng. Từ những tuyến đường điểm này đã có sức lan tỏa sâu rộng, tạo thành phong trào “làm đường giao thông” rầm rộ trong những năm từ 2011 đến 2013.
Cán bộ thôn Tân Lập (xã Pơng Drang) vận động bà con giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường. |
Giao thông đi lại thuận tiện hơn, đời sống của bà con trong xã cải thiện đáng kể cả về vật chất lẫn tinh thần, nhiều hộ dân đã xây nhà khang trang, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền phục vụ cho cuộc sống. Ông Trương Hữu Vinh, Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Sự đồng thuận của nhân dân là đòn bẩy để chính quyền quyết tâm xây dựng xã lên đô thị loại V. Đến nay 100% thôn, buôn và hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%, trong đó 15% sử dụng nước máy; 55% hộ dân trên địa bàn đã ký kết với Công ty Thành Đạt thu gom rác thải. Đặc biệt đến nay Pơng Drang đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới-là xã đạt nhiều tiêu chí nhất của huyện Krông Búk. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được quan tâm đúng mức, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt, đội ngũ cán bộ từng bước được chuẩn hóa, chính quyền năng động, sáng tạo, gần dân và sát cơ sở”. Từ một vùng quê, Pơng Drang đang chuyển mình với dáng dấp của một đô thị trẻ đã mở ra nhiều cơ hội để người dân trong xã phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, đóng góp cho xã hội. Ông Trần Ngọc Châu, thôn Tân Lập là một trong những người đến lập nghiệp tại xã từ năm 1993 rất phấn khởi khi xã được công nhận đô thị. Ông cho biết: “Rời quê hương Bình Định đến xã Pơng Drang lập nghiệp, gia đình chọn cây cà phê để phát triển kinh tế. Do có một lô đất trên tuyến Quốc lộ 14 đoạn qua trung tâm xã, gia đình mở tiệm cơ khí để tăng thêm thu nhập. Cuối năm 2014, thấy nhiều người dân đến trung tâm xã đầu tư phát triển kinh doanh buôn bán, gia đình quyết định chuyển đổi từ nghề cơ khí sang làm bánh mì. Không chỉ có các thành viên trong gia đình, lò bánh mì còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng”. Phấn khởi trước sự phát triển của quê hương, ông Phạm Chí Thanh (thôn 12) chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, xã Pơng Drang đã phát triển khá nhanh, rõ rệt, cơ sở hạ tầng, trường học được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, học tập của người dân. Đặc biệt, hệ thống giao thông ngày càng phát triển tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông thương, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế của xã phát triển”.
Bước chuyển mình trong hành trình phát triển xã trở thành đô thị loại V thời gian qua là đáng ghi nhận, tuy nhiên việc chỉnh trang và phát triển trở thành đô thị loại V vẫn còn nhiều hạn chế nhất định. Công tác đầu tư xây dựng đô thị còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải tỏa, đền bù; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được quan tâm chỉnh trang nhưng chưa đồng bộ; một số tiêu chí theo tiêu chuẩn đô thị loại V chưa đạt, như: tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, cơ sở y tế, không gian công cộng, tổ hợp kiến trúc, công trình kiến trúc tiêu biểu… Để khắc phục những tồn tại trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Pơng Drang cần tập trung trí tuệ, đoàn kết, nhất trí huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Cùng với đó Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư về kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là mạng lưới giao thông, chợ, hệ thống cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường… để xã sớm đạt mục tiêu thành thị trấn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XV (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc