Nhân Ngày "Vì nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam" (10-8)
Xoa dịu nỗi đau da cam
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng nỗi đau về thể xác và tinh thần mà những gia đình, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin phải gánh chịu là không thể bù đắp được. Bằng nghĩa cử cao đẹp và những việc làm mang ý nghĩa nhân đạo cao cả, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm đã góp phần xoa dịu, sẻ chia, tiếp thêm nguồn lực giúp các nạn nhân và gia đình họ vơi bớt nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.
Chia sẻ nỗi đau bằng việc làm thiết thực
Sau những năm cống hiến tuổi trẻ cho công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ông Trương Văn Phin ở thôn Tân Hưng (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) không thể ngờ mình và gia đình lại phải gánh chịu di chứng nặng nề của chất độc da cam. Người con đầu của ông đã chết lúc mới sinh. Đứa con thứ hai sinh ra khỏe mạnh, bình thường là niềm động viên lớn để vợ chồng ông sinh tiếp người con thứ 3. Nhưng nào ngờ, ngay từ khi chào đời, Trương Thị Thương đã bị dị tật bẩm sinh, bại não, chỉ nằm bất động một chỗ, hơn 33 năm qua, mọi sinh hoạt của em đều phải có người chăm sóc, giúp đỡ. Nỗi đau của gia đình ông lại nhân lên bội phần khi người con trai thứ tư Trương Quang Thành cũng bị bệnh thần kinh, sức khỏe yếu, chậm phát triển trí tuệ. Do ảnh hưởng của chất độc da cam, sức khỏe của ông Phin ngày càng yếu, không làm được gì, mọi gánh nặng đè cả lên đôi vai gầy yếu của vợ. Với mong muốn chia sẻ bớt khó khăn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (NNCĐDC) các cấp và chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ tiền giúp gia đình có thêm điều kiện chăm sóc, chữa bệnh cho các cháu. “Sự quan tâm, động viên của các cấp, ngành, địa phương giúp gia đình tôi cảm thấy ấm lòng, vơi đi nỗi đau da cam để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”, ông Phin bộc bạch.
Đại diện Hội NNCĐCD/Dioxin các cấp thăm hỏi gia đình chị Trần Thị Hòa ở thôn 14 (xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk) trong căn nhà mới. |
Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng từ năm 1970 đến 1981, ông Trần Văn Cần ở thôn 9 (xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk) đã mang thương tích nặng nề khi bị thương ở đầu và nhiễm chất độc da cam. Nỗi đau da cam càng nhân lên khi người con gái thứ 2 - chị Trần Thị Hòa cũng bị nhiễm thứ chất độc quái ác kia từ bố. Từ khi sinh ra, chị Hòa đã bị lệch mặt, rối loạn tâm thần, mỗi khi trái gió trở trời lại lên cơn động kinh. Thương con, gia đình ông đã chạy vạy, vay mượn khắp nơi để điều trị nên bệnh tình của chị có phần thuyên giảm. Năm 2006, chị Hòa lập gia đình và sinh được 2 người con, nhưng do sức khỏe yếu, thường xuyên đau ốm nên mọi việc đều do chồng gánh vác, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Căn nhà gỗ cũ của bố mẹ cho hai vợ chồng chị dựng tạm ở thôn 14 (xã Ea Riêng) sinh sống gần 10 năm, đến nay đã mục nát, xiêu vẹo, phải dùng bạt để che chắn cho đỡ phần mưa tạt, gió lùa. Trước khó khăn của gia đình chị, năm 2015, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh đã hỗ trợ 50 triệu đồng, gia đình, dòng họ đóng góp thêm 60 triệu đồng, xây dựng căn nhà Tình nghĩa khang trang, rộng 50 m2 và được bàn giao vào đúng dịp kỷ niệm 54 năm “Thảm họa Da cam ở Việt Nam” và Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam” (10-8-1961 – 10-8-2015). Trong căn nhà mới, chị Hòa không cầm được nước mắt: “Nếu không có sự hỗ trợ của Hội thì chưa biết đến bao giờ gia đình tôi mới thực hiện được ước mơ này”.
Cần lắm những vòng tay nhân ái
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 5.200 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có 112 cháu là nạn nhân thế hệ thứ 3. Hầu hết những gia đình có 2 nạn nhân da cam trở lên đều rơi vào cảnh khó khăn, kiệt quệ, nghèo đói. Nhiều người bản thân cũng bị bệnh tật dày vò nhưng vẫn phải tất tả ngược xuôi để nuôi những đứa con ốm yếu, dị dạng nên cái vòng luẩn quẩn “da cam - bệnh tật - nghèo khổ” cứ bám riết họ. Để chia sẻ nỗi đau đó, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thành lập Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh, 15 huyện, thị xã, thành phố và 59 xã, phường, thị trấn với 3.573 hội viên. Thông qua Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp, từ năm 2005 đến nay, các tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đóng góp, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam trên 6 tỷ đồng. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp bằng trách nhiệm xã hội và tấm lòng hảo tâm đã trích lương, nguồn lợi kinh doanh để chăm lo, hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam. Từ nguồn quỹ huy động được, những năm qua, Hội đã hỗ trợ xây dựng 62 căn nhà tình nghĩa cho nạn nhân da cam với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng và giúp sửa chữa 27 căn nhà; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các đối tượng trị giá trên 3,2 tỷ đồng; trao học bổng, xe lăn, sổ tiết kiệm, trợ cấp khó khăn đột xuất và hỗ trợ vốn sản xuất cho hàng trăm nạn nhân da cam. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cùng với sự nỗ lực, vượt khó vươn lên, cuộc sống của gia đình các nạn nhân da cam dần được cải thiện.
Tuy nhiên, theo như những chia sẻ của ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh, tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau da cam vẫn cứ hiện hữu, tiếp diễn. Trên thực tế, số đối tượng được giúp đỡ, thụ hưởng các chương trình, dự án da cam còn quá ít so với khó khăn mà các gia đình nạn nhân đang gặp phải. Vì vậy, để góp phần xoa dịu nỗi đau, đem lại sự ấm áp, niềm tin, động lực giúp các nạn nhân chất độc da cam vươn lên, các cấp Hội NNCĐDC/Dioxin trong tỉnh rất mong nhận được sự chung tay, sẻ chia, hỗ trợ nguồn lực của cả cộng đồng.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc