Multimedia Đọc Báo in

Tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ - Không thể xem nhẹ!

09:19, 07/08/2015

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến đối tượng người đi bộ, làm nhiều người bị thương, thậm chí có trường hợp bị tử vong, từ đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông, trong đó có cả người đi bộ.

Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, hằng năm ở nước ta có hơn 14% số người đi bộ bị thiệt mạng trong tổng số người tử vong do TNGT đường bộ nói chung. Tại Đắk Lắk, theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ TNGT liên quan đến người đi bộ, làm 17 người chết, 2 người bị thương; trong đó có 5 vụ TNGT được cơ quan chức năng xác định có liên quan trực tiếp đến đối tượng người đi bộ, làm 5 người chết. Đơn cử như vụ TNGT xảy ra lúc 18 giờ 30 phút ngày 20-12-2014 tại Km 125+600, Quốc lộ 26 (đoạn đi qua địa phận xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) khiến 1 người đi bộ chết tại chỗ. Vào thời điểm trên, chị Hoàng Thị Trúc Ni (SN 1999, trú tại thôn Tân Thành, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) đi bộ băng qua đường do không chú ý quan sát đã bị xe mô tô BKS 47L8-8337 do anh Y Uôm Byă (SN 1981, trú tại xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) điều khiển tông trực diện làm chị té xuống đường, tử vong tại chỗ. Hay như vụ TNGT mới đây nhất xảy ra vào khoảng 18 giờ ngày 31-5-2015 trên tuyến đường liên xã thuộc địa bàn xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, khi ông Lê Thanh Hiệp (SN 1947, trú tại xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ) băng qua đường đã bị xe mô tô BKS 47H9-8439 do anh Trần Đình Đức (SN 1974, trú cùng địa phương) điều khiển tông tử vong. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn xảy ra 23 vụ va chạm giao thông liên quan đến người đi bộ, làm 12 người bị thương; trong đó có 12 vụ được xác định nguyên nhân người đi bộ trực tiếp gây ra.

Chiến sĩ CSGT - Công an tỉnh hướng dẫn người già qua đường an toàn.
Chiến sĩ CSGT - Công an tỉnh hướng dẫn người già qua đường an toàn.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân xảy ra TNGT phần lớn do ý thức của người tham gia giao thông, trong đó chủ yếu là lỗi thiếu chú ý quan sát, phóng nhanh, vượt ẩu, không nhường đường... của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới. Tuy nhiên, không thể đỗ lỗi hết cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, bởi người đi bộ cũng có một phần trách nhiệm. Ở tuyến đường nào, kể cả khu vực nông thôn hay trong đô thị, vào bất cứ thời điểm nào cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh người đi bộ băng qua đường sai luật, sang đường không đúng vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, vượt đèn đỏ. Chẳng hạn như trên tuyến Quốc lộ 26 (đoạn đi qua địa bàn phường Tân Lập và phường Tân Hòa), bất kể thời điểm nào dù ban ngày hay ban đêm chúng ta đều dễ dàng bắt gặp những hình ảnh phản cảm khi có rất nhiều người cả trẻ em lẫn người lớn “vô tư” leo qua dải phân cách cố định cao 50-60 cm băng qua đường dù tuyến đường này có rất nhiều phương tiện lưu thông. Anh N.A.P (một người dân trên địa bàn phường Tân Lập thường đi bộ qua đường) thừa nhận: “Tuy biết đi bộ rồi leo qua dải phân cách để qua đường là sai nhưng vì thói quen và muốn rút ngắn khoảng cách quãng đường nên mọi người vẫn đi. Không chỉ riêng mình em mà đa số người dân ở đây đều đi bộ băng qua chỗ đó vì chưa ai bị phạt bao giờ”?! Còn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, họ cũng thường không có khái niệm “nhường đường” cho người đi bộ nên thiếu quan sát và có rất nhiều trường hợp người đi bộ xuất hiện bất ngờ làm họ không kịp xử lý nên tông vào hoặc né tránh đột ngột dẫn đến ngã xe giữa đường rất nguy hiểm. Hiện nay, trên nhiều tuyến đường, vào buổi sáng sớm hay giờ tan tầm buổi chiều, chúng ta dễ bắt gặp cảnh từng tốp người trong đó già có, trẻ có xuống đường đi bộ tập thể dục. Tâm lý của người đi bộ là đi hàng ngang vừa để trò chuyện vừa thể dục nhưng họ đã quên mất rằng mình đang tham gia giao thông. Bên cạnh đó, còn có nhiều trường hợp trẻ em tự qua đường mà không có người lớn đi cùng. Các em thường đi thành từng tốp, vừa đi vừa đùa giỡn, chạy nhảy rồi bất ngờ đuổi nhau trên đường nên rất dễ gây ra tai nạn… Trung tá Ngô Văn Cường, Phó trưởng Phòng CSGT - Công an tỉnh cho biết: “Điều 9, Nghị định 171/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nêu rõ: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: không đi đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Quy định thì như vậy nhưng công tác xử phạt của lực lượng chức năng đối với các hành vi vi phạm này vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi không thể “tạm giữ” người đi bộ, người đi bộ thường không mang theo giấy tờ tùy thân hoặc cơ quan chức năng chưa có đủ phương tiện máy móc ghi hình để xử lý người vi phạm. Công tác tuyên truyền, giáo dục, xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm liên quan đến người đi bộ chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.