Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa tinh thần "Vì người nghèo"

10:48, 04/09/2015

Những năm qua, Cuộc vận động "Vì người nghèo" đã góp phần giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Cuộc vận động đã thực sự phát huy tinh thần tương thân tương ái, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Có mặt trong ngôi nhà mới vừa xây dựng  của cụ bà Phan Thị Được (tổ dân phố 5) mới thấy hết sự vui mừng, phấn khởi của cả gia đình. Ở cái tuổi gần 80, mơ ước có căn nhà khang trang, kiên cố bây giờ mới trở thành hiện thực. Nói đến hoàn cảnh của mình, cụ Được chia sẻ: "Ruộng vườn không có nên cả mấy mẹ con tôi phải đi làm thuê nay đây mai đó để kiếm sống qua ngày. Sau nhiều năm tích góp mua được mảnh đất nhưng do không có tiền để xây nhà nên phải bỏ hoang. Bây giờ, được hỗ trợ xây dựng nhà ở nên tôi cũng đã yên tâm trong những năm cuối đời". Được biết, 4 mẹ con cụ Được từ quê hương Quảng Nam vào Đắk Lắk lập nghiệp đã gần 20 năm, do không có tiền bạc, đất đai nên công việc chính là làm thuê cuốc mướn. Đầu năm 2015, khi được Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn hỗ trợ 30 triệu đồng, cùng với số tiền đi làm thuê mà các con dành dụm và vay mượn thêm, cụ đã xây được căn nhà với tổng kinh phí 75 triệu đồng. Hay như hoàn cảnh của gia đình bà Nguyễn Thị Luận (Tổ dân phố 6), cách đây 3 năm, khi chưa được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, bà phải sống trong căn nhà dột nát mà mỗi khi mùa mưa phải lấy thau chậu để hứng nước, mùa nắng thì nóng bức khó chịu. Nhờ sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và thị trấn, bà cũng đã có được căn nhà kiến cố, vững chãi mà không còn lo sợ mỗi khi trời mưa gió.

Ngôi nhà mới của 4 mẹ con cụ Phan Thị Được.
Ngôi nhà mới của 4 mẹ con cụ Phan Thị Được.

Bà Nguyễn Thị Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Krông Kmar cho biết: "Để từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, giúp người dân khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn đã luôn nỗ lực, nhiệt tình, năng động kêu gọi sự ủng hộ của cán bộ công nhân viên chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo". Đặc biệt, hằng năm địa phương đều tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ, qua đó đã có nhiều tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm quyên góp giúp đỡ người nghèo. Kết quả hằng năm, số tiền vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" đều vượt chỉ tiêu giao, riêng trong năm 2015, đến nay đã vận động trên 66 triệu đồng (chỉ tiêu giao từ 45 -  50 triệu đồng). Nhờ đó, trong những năm qua, thị trấn đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hàng chục hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (năm 2015 đã hỗ trợ xây dựng 2 căn với tổng trị giá 60 triệu đồng). Không những thế, Ủy ban MTTQ thị trấn còn phối hợp với các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong Cuộc vận động “Vì người nghèo”, như trường hợp chị Mai Thị Vân (tổ dân phố 5) từ nhiều năm nay mỗi tháng đều hỗ trợ 20 kg gạo cho gia đình bà Nguyễn Thị Tửu; hay như bà Hoàng Thị Kim Cương (tổ dân phố 4) thường hỗ trợ hàng chục suất quà gồm gạo và các nhu yếu phẩm cho người nghèo trên địa bàn thị trấn vào mỗi dịp Tết Nguyên đán...

Từ thực tế và kết quả đạt được cho thấy, Cuộc vận động "Vì người nghèo" trên địa bàn thị trấn Krông Kmar đã thực sự tạo sức lan tỏa sâu rộng khi những ngôi nhà, phần quà hỗ trợ được trao trực tiếp đến tay người nghèo, giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Theo bà Nguyễn Thị Đông, hiện nay toàn thị trấn còn khoảng 30 nhà tạm bợ, dột nát cần được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa. Hy vọng rằng, với sự chia sẻ, giúp đỡ từ các nhà hảo tâm và sự quan tâm của chính quyền các cấp sẽ có thêm nhiều hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở và có thêm nhiều phần quà thiết thực để họ tự tin vươn lên trong cuộc sống.

 Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.