Multimedia Đọc Báo in

"Nuôi heo đất biến thành heo thật"

10:47, 04/09/2015

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong những năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) đã thực hành tiết kiệm theo gương Bác bằng các mô hình như: Hũ gạo tiết kiệm, nuôi heo đất tiết kiệm...

Đặc biệt, thời gian gần đây, Hội LHPN xã đã triển khai thêm mô hình “Nuôi heo đất biến thành heo thật” thông qua việc sử dụng tiền từ heo đất để mua heo giống tặng các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mô hình này đã mang lại hiệu quả cao và đang lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở xã Tân Hòa mà còn cả trên địa bàn toàn huyện.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thường ở thôn 7, xã Tân Hòa nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo. Đất sản xuất chỉ có 3 sào cà phê già cỗi lại không có vốn đầu tư, đứa con thứ hai lại thường xuyên đau ốm, phải chạy chữa tốn kém. Ngoài thời gian đi rẫy, chị Thường còn tranh thủ đi thu mua ve chai, chồng chị thì đi phụ hồ để kiếm tiền trang trải cho gia đình. Đầu năm 2013, gia đình chị Thường được Chi hội Phụ nữ thôn 7 hỗ trợ một cặp heo giống. Đến thời điểm xuất chuồng, chị bán một con để trang trải bớt nợ nần và giữ lại một con để làm heo nái. Chị Thường phấn khởi cho biết: “Đến nay, con heo nái của gia đình đã sinh sản 2 lứa, mỗi lứa được 10 con. Bán số heo con này, vợ chồng tôi đã có chút vốn đầu tư trồng hoa, xây mới lại chuồng heo và mua phân bón cho vườn cà phê, mua thuốc chữa bệnh cho con. Hiện nay, cuộc sống của gia đình tôi đã bớt khó khăn hơn”. Giờ đây, chị Thường không còn đi thu mua ve chai nữa mà ở nhà chăm sóc đàn heo và vườn cà phê của gia đình.

Chị Nguyễn Thị Thường ở thôn 7,  xã Tân Hòa, chăm sóc đàn heo của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thường ở thôn 7, xã Tân Hòa, chăm sóc đàn heo của gia đình.

Trong 5 năm qua, Hội LHPN xã Tân Hòa đã “nuôi” được 80 lượt heo đất và 75 hũ gạo, tiết kiệm được số tiền hơn 42 triệu đồng và hơn 250 kg gạo. Số tiền và gạo này được Hội dùng hỗ trợ cho 90 lượt chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, bà Đinh Thúy Diệp, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa cho biết, trước đây, một số chị em sử dụng số tiền được hỗ trợ không đúng mục đích nên hiệu quả việc hỗ trợ chưa được như mong muốn. Chính vì vậy, đầu năm 2013, Ban Thường vụ Hội LHPN xã triển khai mô hình “Nuôi heo đất biến thành heo thật”. Hội chỉ đạo các chi hội thay vì hỗ trợ bằng tiền mặt, các chi hội sẽ dùng tiền từ heo đất để mua heo giống hỗ trợ các chị có hoàn cảnh khó khăn nuôi. Đến nay, đã có 5/16 chi hội phụ nữ của xã triển khai mô hình này; trong đó, có 5 hội viên đã được hỗ trợ heo giống, mỗi hộ được hỗ trợ từ 1-2 con với trị giá mỗi con heo từ 1-1,5 triệu đồng. Phần lớn các chị em được hỗ trợ heo giống đều thực hiện tốt việc nuôi heo, từ việc hỗ trợ này đã có nhiều chị em vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Với những hiệu quả bước đầu, mô hình “Nuôi heo đất biến thành heo thật” đang được nhân rộng trên địa bàn xã Tân Hòa nói riêng và trên địa bàn huyện Buôn Đôn nói chung. Dự kiến đến cuối năm 2015, xã Tân Hòa sẽ có thêm từ 3-5 chi hội triển khai mô hình này. Bà Nông Thị Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Buôn Đôn cho biết, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đánh giá cao về hiệu quả mô hình “Nuôi heo đất biến thành heo thật” của Hội LHPN xã Tân Hòa. Hội LHPN huyện cũng đã biểu dương và tiến hành nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn huyện với hy vọng ngày càng có thêm nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, góp phần cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Quốc An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.