Multimedia Đọc Báo in

Thế giới mạng - Cảm nhận dòng chảy ảo và thật

10:20, 25/09/2015
Những năm gần đây, phong trào lập website, blog của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo... thậm chí là chẳng phải “nhà” gì… đã bùng nổ mạnh mẽ.
 
Lúc đầu, đây chỉ là cuộc chơi, trò tiêu khiển của một số người có tên tuổi và chủ yếu diễn ra ở các đô thị lớn. Đến nay nó đã lan khắp ra các vùng miền, trong đó có cả những “vùng trũng” về công nghệ thông tin. Không chỉ các cây bút chuyên nghiệp, những tác giả đã thành danh, mà cả những người viết không chuyên, mới tìm đường dò dẫm đến với văn chương, thơ phú... cũng dự phần vào cuộc chơi này với mục đích không chỉ để thể hiện mình, để quảng bá và giao lưu… mà họ còn xem đó là một trong những phương cách lưu trữ (tác phẩm) bền vững, vô tận và an toàn nhất.

Một blog tâm sự rằng, sử dụng internet để thực hiện ý tưởng của mình là công cụ rẻ tiền nhất, nhưng cực kỳ tiện ích, hiện đại và sang trọng. Theo thống kê của của trang web tìm kiếm Google, đến nay Việt Nam đã có trên dưới 8 triệu trang web, blog, forum... chuyên nghiệp hoặc có liên quan  đến văn học-nghệ thuật được thiết lập. Một số trang đạt số lượng truy cập vượt quá 7 con số chỉ sau một thời gian ngắn hình thành. Có những trang thu hút khách “ghé thăm” gần như 24/24 giờ. Và chính từ thế giới ảo mênh mông và vô tận này, người yêu văn học-nghệ thuật có thể tìm kiếm được gần như bất cứ tác phẩm nào mình thích bằng một lệnh đơn giản kèm theo một cú nhấp chuột! Thậm chí gần đây, không ít tác phẩm văn chương có tiếng tăm được bạn đọc sở hữu trên mạng chỉ sau một vài giờ (thậm chí vài phút) khi nó được in ấn và phát hành chính thức.

Có thể nói nhờ công nghệ thông tin mà  người viết cũng như bạn đọc không những thỏa mãn ý thích của mình trên mạng, mà gần đây còn xuất hiện xu hướng các tác phẩm văn chương-nghệ thuật “chảy ngược” từ thế giới ảo ra đời thực. Đã có không ít người sáng tác trực tiếp (trực tuyến) trên blog hoặc wesite - có nghĩa là vừa viết vừa cho “bàn dân thiên hạ” thưởng thức, góp ý để từ đó có sự chỉnh sửa phù hợp, đến khi vừa ý thì bê xuống đem in. Cũng có người không hề có ý định dự phần vào cuộc chơi trên, chỉ viết ra như một cách để giải bày, nhưng khi viết xong thì “đổi ý”, biến những trang mạng của mình thành sách hẳn hoi. Các nhà xuất bản cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn và tìm cách “thực hóa” mảng văn chương trên thế giới ảo... Cụ thể, sau vụ chuyển “về đời thực” khá thành công của 35 truyện ngắn tiêu biểu được đăng tải trên wesite www.vannghesongcuulong.org (Tuyển tập truyện ngắn trang web Văn nghệ sông Cửu Long-Nhà xuất bản Văn học 2006), thì gần đây một loạt tác phẩm nữa cũng được ra đời từ thế giới ảo. Trong đó có thể kể đến tập sách “gây sốt” của Joseph Ruelle-một chàng trai người Canada đang sống và làm việc tại Hà Nội-ấy là tập “Tớ là dâu” gồm nhiều bài viết từ blog tiếng Việt của anh. Trường hợp nữa cũng “rớt” ra từ mạng và khiến bạn đọc “đình đám” còn có những tác phẩm như “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” của Tào Đình (Trung Quốc); “Chuyện tình New York” “1 MB yêu” của Hà Kin; hay “Chat” của Từ Nữ Triệu Vương...

Chưa ai biết chắc dòng chảy văn chương giữa đời thực và thế giới ảo sẽ còn khai ngòi, mở lạch về những hướng nào và về đâu? Chỉ biết rằng sự chu chuyển giữa “hai thái cực” ấy hiện vẫn đang diễn ra khá âm thầm nhưng cực kỳ ráo riết trong khát khao tìm tòi, khai mở của nhiều người. Từ đó, biên độ tiếp nhận giữa tác phẩm, tác giả với công chúng yêu văn chương cũng được nới rộng ra rất nhiều, công bằng và cởi mở hơn. Văn chương vì thế cũng trở nên gần gũi với đời hơn, dù chảy từ đời thực lên thế giới ảo hay ngược lại...

 Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.