Nhức nhối nạn buôn bán phụ nữ ở vùng sâu huyện Krông Bông
Việc các đối tượng buôn người sử dụng các chiêu thức mới nhằm lôi kéo, dụ dỗ những phụ nữ dân tộc Mông ở vùng sâu huyện Krông Bông rồi đưa đi bán sang Trung Quốc khiến công tác phòng chống nạn buôn người càng thêm khó khăn, phức tạp.
Nếu như trước đây những kẻ buôn người thường lợi dụng sự quen biết với người địa phương để lừa gạt phụ nữ, thì giờ đây trong thời đại phát triển công nghệ thông tin, chúng sử dụng những phương tiện hiện đại như mạng Internet, điện thoại di động để dụ dỗ, lừa phỉnh các cô gái trẻ rồi mang bán họ như một món hàng.
Đầu năm 2014, bằng chiêu thức dùng điện thoại di động tán tỉnh yêu đương, một đối tượng xưng tên Trinh (không rõ họ) khoảng 27 tuổi, ở Đắk Nông đã tiếp cận gia đình ông Đào Văn Sáu ở thôn Noh Prông (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) với lời hứa hẹn đưa con gái ông Sáu là Đào Thị Phương (SN 1996) về ra mắt bố mẹ, sau đó sẽ cưới Phương làm vợ. Tuy nhiên, khi “con mồi” đã “cắn câu”, thay vì về quê như lời hẹn ước, tên Trinh đã bán Phương sang Trung Quốc. Chỉ trong gần 1 tháng, cô gái này đã bị bán qua tay 2 lần. Ngày 22-3-2014, lợi dụng sự sơ hở của bọn canh giữ, Phương cùng một cô gái người Mông khác tên Vàng chạy trốn, tuy nhiên do bị truy đuổi nên Vàng đã bị bắt lại. May mắn cho Phương, giữa lúc cùng quẫn có một người Trung Quốc tốt bụng đã đưa cô đến biên giới để trở về Việt Nam. Sau khi Phương trở về gia đình, Phòng PC 28 Công an tỉnh, Ban Dân vận Huyện ủy Krông Bông phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của xã đã tổ chức nhiều buổi phát động quần chúng để thông tin về các vụ buôn bán người, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân địa phương. Thế nhưng, những lời cảnh tỉnh ấy vẫn chưa đủ để làm thay đổi nhận thức của những cô gái có ý định “đổi đời” bằng việc lấy chồng xứ lạ…
Sùng Thị Mính (SN 1996, dân tộc Mông ở thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) là một trường hợp như thế. Tháng 6-2014, Mính cùng người chồng (không cưới hỏi) tên là Mua dắt nhau sang Trung Quốc làm thuê cho một người chủ chuyên sản xuất đồ nhựa. Sau 4 tháng làm lụng vất vả mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, bị bọn buôn người dụ dỗ, Mính có ý định lấy chồng Trung Quốc để được “đổi đời”. Mính đã bị người chồng tên Mua đánh bất tỉnh, sau khi tỉnh lại, Mính thấy có 2 người phụ nữ Trung Quốc đang chăm sóc, nói rằng đã bỏ tiền mua cô về làm vợ một người đàn ông Trung Quốc. Biết mình bị lừa nên Mính từ chối. Cô đã bị bọn buôn người dùng dây cáp trói chặt chân tay, đánh sưng mặt mũi và nhốt trong nhà không cho tiếp xúc với bên ngoài. Chỉ trong vòng hơn một tháng cho đến ngày chạy thoát, Mính đã 3 lần bị lừa bán cho những người đàn ông Trung Quốc.
Với việc dùng lời có cánh để dụ dỗ các cô gái đi làm thuê với mức thu nhập cao, tên Thà (dân tộc Dao ở Hà Giang) đã nhiều lần liên lạc bằng điện thoại với Lý Thị Mỵ (32 tuổi, ở thôn Noh Prông) nhờ tìm giúp những cô gái trong thôn đi làm. Ngày 4-7-2015, có 2 thanh niên người Dao tự giới thiệu là Hồng và Phong (không có họ) là bạn của Thà đến đón Mỵ đi Hà Giang để làm ăn. Bằng những lời ngon ngọt, Hồng và Phong đã lừa được Mỵ tin và đi theo. Vượt hàng ngàn cây số, Mỵ được 2 đối tượng dùng xe máy đưa sang bên kia biên giới. Để Mỵ không liên lạc được với người thân, Hồng và Phong đã khống chế lấy điện thoại của cô. Biết mình bị lừa, Mỵ tìm cách quay trở lại. May mắn cô đã gặp được một người đàn ông dân tộc Mông tốt bụng nhờ công an địa phương giúp đỡ đưa Mỵ về với gia đình.
Các trường hợp phụ nữ bị mua bán thường có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nên dễ bị dụ dỗ bởi những lời hứa hẹn ngon ngọt của bọn buôn người. Như trường hợp của Ngô Thị Hoa (SN 1993, ở thôn Noh Prông, xã Hòa Phong) là một ví dụ. Năm 2010, Hoa lấy chồng là Giàng Seo Pao ở xã Cư San (huyện M’Đrắk). Có 2 mặt con, kinh tế gia đình khó khăn, luôn rơi vào cảnh túng thiếu nên sau khi được người bạn giới thiệu làm quen một người đàn ông khoảng 30 tuổi ở Lào Cai, Hoa đã đi theo người đàn ông đó. Cô rơi vào bẫy của bọn buôn người và trở thành món hàng của chúng. Bị bán làm vợ một người Trung Quốc, hằng ngày Hoa phải lao động quần quật, sống trong cảnh thiếu thốn và bị đánh đập tàn tệ. Không chịu đựng nổi, Hoa tìm cách trốn chạy và may mắn được công an nước bạn giải cứu. Đến nay, đã trở về Việt Nam gần một tháng nhưng Hoa vẫn chưa dám quay lại nhà chồng ở xã Cư San... Hoặc có trường hợp cả 3 mẹ con đều bị bán sang Trung Quốc như chị Lý Thị Dợ (SN 1975, ở thôn Cư Rang, xã Cư Pui) cùng đứa con gái đầu Thào Thị Phương (23 tuổi) và con gái thứ hai Thào Thị Chía (20 tuổi) đều bị bán sang Trung Quốc. Tuy chị Dợ đã được giải cứu về nhà nhưng 2 cô con gái của chị thì vẫn bặt vô âm tín, không biết số phận ra sao.
Những trường hợp cụ thể trên chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Thực tế trên địa bàn huyện Krông Bông vẫn còn hàng chục phụ nữ bị mắc lừa vẫn chưa được tìm thấy, nhiều nhất là ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui) hiện vẫn còn 7 phụ nữ và 1 cháu bé bị lừa bán sang Trung Quốc chưa được giải thoát. Ông Hoàng Văn Bằng, Trưởng thôn Noh Prông (xã Hòa Phong) cho biết: “Ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế chưa phát triển, trình độ còn hạn chế, lại bị ảnh hưởng bởi tập quán lấy chồng sớm nên phụ nữ người dân tộc thiểu số ở đây rất dễ bị bọn buôn người lừa bán. Hiện trong thôn Noh Prông vẫn còn 3 trường hợp bị lừa bán chưa trở về” .
Thiết nghĩ, để công tác phòng chống tội phạm mua bán người ở các thôn người Mông thuộc các xã vùng sâu huyện Krông Bông hiệu quả hơn, ngoài các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp của các lực lượng chức năng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể trong việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác cho người dân, nhất là phụ nữ, giúp họ biết cách tự bảo vệ mình. Song song với đó, địa phương cần chú trọng phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho chị em.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc