Nỗi lòng của những người mẹ...
Để sinh được một người con khỏe mạnh, vuông tròn, người mẹ không chỉ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày mà là cả một chuỗi dài thời gian chăm bẵm, nuôi nấng, dạy dỗ con đến khi trưởng thành. Thế nhưng, không ít bà mẹ rơi vào cảnh “dở sống dở chết” chỉ vì những đứa con hư.
40 tuổi, kinh tế ổn định, con cái đủ nếp đủ tẻ, cứ ngỡ gia đình sẽ yên ấm, ai ngờ khi đứa con trai đầu chìm đắm trong thế giới game online, trò đỏ đen, chị Lý (huyện Krông Pắc) như muốn ngã gục, nhưng vì thương con chị phải gắng gượng. Năm 1996, khi H. A. (con trai đầu của chị) chào đời, niềm vui vỡ òa của đôi vợ chồng trẻ. Cũng như nhiều bạn bè khác cùng trang lứa, từ năm lớp 1 đến lớp 9, H. A. luôn là đứa con ngoan, học lực khá. Thế nhưng, bước lên lớp 10, do theo bạn theo bè, đi học xa nhà, ở trọ nên em đã sa đà vào thế giới game, cũng kể từ đó, kết quả học tập của em sa sút, tụt dốc dần. Biết con trai nghiện game, vợ chồng chị Lý đã dùng biện pháp không cho con ở trọ, hằng ngày thay nhau đưa đón con đi học. Thế nhưng, “ngựa quen đường cũ”, đứa con hư lại đưa ra đủ lý do như "cuối cấp phải học thêm nhiều môn”; vì lý do “chính đáng” này, vợ chồng chị phải chiều theo ý con, cũng chỉ muốn con có kiến thức bằng bạn bằng bè và có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp. Một thời gian dài “buông lỏng”, thấy con đi học về ngày nào cũng lầm lầm lì lì, khóa chặt cửa phòng, chị tỏ ra nghi ngờ. Không nằm ngoài dự đoán, qua 3 buổi theo dõi “lịch học thêm” của con, chị mới tá hỏa đó là những buổi “học thêm trong quán Internet!”. Sau đó là những chuỗi ngày con đi đâu, mẹ theo đó. Sau khi tốt nghiệp THPT, H. A. nhận được giấy báo nhập học một trường trung cấp nghề tại Nghệ An, hơn ai hết chị biết tường tận tính nết con mình, thực ra chị lo nhiều hơn mừng, nhưng con đang tuổi ăn tuổi học nên chị vẫn quyết định cho con nhập học. Chưa kết thúc kỳ học đầu tiên tại trường mới, vợ chồng chị nhận được dòng tin nhắn nghe như sét đánh ngang tai “Bố mẹ cứu con, xã hội đen đòi chặt tay con”. Thế là tức tốc trong đêm, chị cùng chồng đi vay nóng bà con xóm giềng, họ hàng được 50 triệu đồng, bắt xe ra Nghệ An trả nợ, chuộc con về.
Tương tự, trường hợp chị Hoài (huyện Cư Kuin) cũng bị nhiều người “mắng vốn” vì hành vi trộm cắp tài sản của con trai. Mỗi lần con trộm cắp các vật dụng của hàng xóm, chị lại phải ra chợ mua về đền. Một lần con trộm tiền hơn 10 triệu đồng, trong khi trong nhà không có gì giá trị để bán, cũng không vay mượn được ai, thế là chị đành phải tiết lộ với chồng. Món nợ 10 triệu đồng vợ chồng chị phải cầm sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Cho đến ngày con nhận giấy báo nhập học một trường dạy nghề tại TP. Buôn Ma Thuột, hằng đêm thị thấp thỏm không ngủ được vì sợ con không bỏ được thói hư tật xấu. Mấy tuần học đầu tiên, ngày nghỉ cuối tuần con đều về nhà, chị cảm thấy mừng, nhưng chỉ một thời gian ngắn, mấy tuần liền không thấy con về, chị lại bồn chồn. Chị tâm sự, tính chồng chị nghiêm khắc nên mỗi lần thấy biểu hiện gì không tốt từ con trai, chị phải âm thầm chịu đựng một mình, tự giải quyết mọi việc, không cho chồng biết vì sợ con bị đánh. Những ngày nghỉ không thấy con về nhà, chị tìm đủ lý do nào là lên phố thăm bạn bè, hoặc đi làm thuê để theo dõi con. Qua nhiều lần như vậy, chị phát hiện con mình thường xuyên ra vào một quán Internet gần trường, thậm chí có lần chị đứng sau lưng con gần cả giờ đồng hồ nhưng vì mải chơi game nên đứa con không nhận ra. Để “cai game” cho con, chị phải đến trường làm giấy tờ bảo lưu kết quả học.
Còn trường hợp của bà B. (huyện Cư Kuin), con không nghiện game, nhưng vì tính đua đòi theo bạn bè, bà cũng mấy lần “chết đứng” vì đứa con trai út. Mới đây nhất là việc P. (con trai bà) vì bố mẹ không cho tiền mua điện thoại “xịn” nên uống thuốc cỏ tự tử. Bà B. bộc bạch, nhà có 5 đứa con, thằng P. là con trai duy nhất, đất đai sản xuất được mấy sào, chị gái của P. bị căn bệnh động kinh từ nhỏ, bà lại nay ốm mai đau, mọi sinh hoạt, chi tiêu trong gia đình nhờ vào mấy đồng lương chế độ của chồng. Hôm thằng P. đòi tiền mua điện thoại, bà chỉ cho 1,5 triệu, nhưng nó không lấy vì chê ít. Bà không ngờ chỉ vì thế mà con trai đã tìm đến thuốc diệt cỏ tự vẫn, may mà mọi người phát hiện sớm. Ngày đưa P. đi cấp cứu ở bệnh viện huyện, bà cũng phải vay mượn tiền láng giềng để điều trị thuốc thang cho con.
Với những đứa con hư, một số gia đình đã đuổi ra khỏi nhà hoặc xem như con không tồn tại; cũng có người đã nhốt con vào chuồng chó như trường hợp chị Th. (huyện Ea H’leo). Tuy nhiên các biện pháp đó đều tiêu cực và đã quá muộn. Điều cốt yếu là phải “dạy con từ thủa còn thơ” và muốn con cái nên người trước hết hãy biết yêu con đúng cách.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc