Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng voi rừng tấn công voi nhà

09:33, 18/11/2015

Thời gian qua, voi rừng liên tục kéo về gần khu vực dân cư của huyện Buôn Đôn để kiếm ăn, chúng không chỉ phá hoại hoa màu mà còn quay sang tấn công voi nhà người dân thả đi kiếm ăn trong rừng gây lo lắng cho các chủ voi.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi, chỉ trong vòng tháng 10 năm nay, trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã có 6 con voi nhà bị voi rừng tấn công bị thương khi đang được cột trong rừng để kiếm thức ăn. Cụ thể, vào  ngày 6-10, voi rừng về khu vực Trạm 3 (thuộc VQG Yok Đôn) tấn công voi Y Khen của ông Nguyễn Văn Cường (ở xã Krông Na) và voi H Khun của Công ty TNHH MTV XNK 2-9 làm chấn thương ở chân và đuôi. Tiếp đó,  ngày 10-10, voi rừng lại kéo về khu vực Trạm 6 tấn công voi Plăng của ông Y Lít Ksơr (xã Krông Ana) làm voi đứt xích, bị thương ở chân và đuôi; ngày 11-10 voi rừng về khu vực Công ty Cổ phần Thương mại và du lịch Bản Đôn tấn công voi H Nol của Công ty làm voi rách tai và đuôi; từ  ngày 17 đến 18 -10, voi rừng lại về khu vực Công ty Cổ phần Thương mại và du lịch Bản Đôn tấn công voi Y Ghen và voi Bun Kon của Công ty làm voi Y Ghen bị rách tai và đuôi, voi Bun Kon bị xây xước sưng phần mắt, hông và chân. Không chỉ riêng trong năm nay, trước đó vào năm 2014, voi rừng cũng đã tấn công voi Khăm Sing, voi Y Dor và voi Plang khiến những con voi này bị thương nặng ở đuôi. Sau khi nhận được thông tin trên, Trung tâm đã cử nhân viên xuống hiện trường kiểm tra, dùng thuốc kháng sinh và an thần để điều trị cho những con voi này. Một số con bị thương nặng phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần đuôi.

Một con voi nhà bị voi rừng tấn công bị thương ở đuôi.
Một con voi nhà bị voi rừng tấn công bị thương ở đuôi.

Ông Nguyễn Công Chung, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi nhận định: Các cá thể voi rừng về tấn công voi nhà là voi đực đơn lẻ, đến mùa động dục chúng thường tách khỏi đàn để đi tìm voi cái khác đàn giao phối (để tránh đồng huyết trong tự nhiên), do đó, trường hợp voi rừng về tấn công voi nhà có thể là trong thời gian động dục, chúng  tách đàn đi riêng lẻ và rất hung giữ, khi gặp voi nhà nếu là voi đực thì chúng tấn công để giành voi cái, hoặc tấn công cả voi cái nếu không cho chúng giao phối.

Ông Y Lít Ksơr có voi Plăng bị voi rừng tấn công làm bị thương ở chân và đuôi không dấu được lo lắng, việc cột voi vào rừng để cho voi tự kiếm thức ăn là việc người nuôi đã làm nhiều đời nay, bởi thức ăn cho voi do người dân kiếm về chỉ bổ sung được một phần, còn lại, voi vẫn thường xuyên được buộc vào rừng để kiếm ăn. Do đó, khi bị voi rừng tấn công không chỉ làm tổn thương cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn gây tâm lý hoảng sợ lâu dài cho voi nhà.

Sau khi xảy ra tình trạng này, Trung tâm đã gửi công văn đến các chủ voi đề nghị các tổ chức, cá nhân có voi tăng cường các biện pháp bảo vệ và chăm sóc voi nhà bằng cách không xích thả voi tại các địa điểm voi rừng thường xuyên xuất hiện, không xích voi trong rừng vào buổi tối, đưa voi về gần nhà để tiện chăm sóc và bảo vệ. Trong trường hợp phát hiện voi rừng về gần khu vực dân cư sinh sống, phá hoại tài sản và tấn công voi nhà thì báo ngay cho Trung tâm và chính quyền địa phương để có biện pháp xua đuổi voi an toàn, không gây hại đến voi rừng và chăm sóc điều trị cho voi nhà khi bị thương.

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.