Dân mất đất vì "cát tặc"
Những năm gần đây, đoạn sông Krông Ana chạy qua địa phận xã Yang Reh (huyện Krông Bông) thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở khiến hàng chục hộ dân canh tác ven bờ sông bị mất dần đất sản xuất.
Theo thống kê mới đây của UBND xã Yang Reh, trên đoạn sông chảy qua địa bàn xã hiện có 6 điểm sạt lở, đã làm mất đất sản xuất của 29 hộ ở các thôn, buôn : Cuăh A, Cuăh B và thôn 4 với khoảng 6,7 ha. Tình trạng sạt lở vẫn diễn ra hàng ngày, tiếp tục đe dọa diện tích đất sản xuất ven sông của người dân. Dẫn chúng tôi đi thăm ngoài thực địa, Ama Then, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Reh không dấu nổi bức xúc: Nhiều đoạn sông trước đây rộng chỉ vài chục mét, nay đã ăn sâu vào đất của người dân lên đến cả 100 m. Cứ cái đà này rồi đất của người dân cũng dần dần trở thành sông hết thôi! Như gia đình Ama Then có 2 sào đất trồng ngô dọc bờ sông, nhưng 2 năm trở lại đây đã bị sông “nuốt” mất 500 m2.
Khai thác cát trên sông Krông Ana đoạn qua xã Yang Reh. |
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Yang Reh lo lắng: Yang Reh là xã nghèo với phần đông là người dân tộc thiểu số, đất sản xuất còn thiếu nhiều, vậy mà nay những diện tích màu mỡ ven sông lại đang dần bị nước cuốn mất, cuộc sống của người dân càng khó khăn hơn! Cũng theo ông Cường, nguyên nhân của tình trạng sạt lở này chính là do nạn “cát tặc” diễn ra tràn lan trong thời gian qua. Thường vào ban đêm, những tàu khai thác cát lậu sẽ đặt vòi ngay chân đất rẫy của người dân để hút cát, nhiều lần người dân tập trung ngày đêm để chống chọi với nạn khai thác cát trộm, nhưng cũng chẳng ăn thua, vì khi họ quay về thì tàu hút cát lại kéo đến khai thác. Có những chủ tàu khai thác cát lậu đã tìm đến những hộ dân có đất đang bị sạt lở để mua lại một số diện tích nằm sát bờ sông, với giá từ 7-15 triệu đồng/sào, hoặc đổi đất bằng bò giống để tiện bề khai thác. Mới đây, trong đợt thống kê diện tích đất bị sạt lở của người dân, đã có 19 hộ bán đất với diện tích khoảng 5,8 ha cho các chủ tàu. Những người bán đất cho biết, họ bị “gài” vào thế buộc phải bán để còn có ít tiền trang trải cuộc sống, nếu giữ lại đất cũng sẽ bị sạt lở, lúc ấy thì “mất cả chì lẫn chài”.
Ông Vũ Văn Luyến, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hưng Vũ (đơn vị được cấp phép khai thác cát trên đoạn sông này) cho biết, đơn vị của ông luôn phải đối mặt với tình trạng tàu của tư nhân đến khai thác cát trộm trên đoạn sông ông được cấp phép. Những chủ tàu này thường dí vòi hút thẳng vào đất của người dân gây sạt lở, một số chủ tàu còn hút cát trên diện tích mua lại của người dân, khi đơn vị phải phát hiện thì họ đưa ra lý do là đất của họ, họ có quyền khai thác (!?) Để bảo vệ tài nguyên trên địa bàn mình được cấp phép khai thác, đơn vị phải thường xuyên cắt cử lực lượng bảo vệ tuần tra, truy đuổi những tàu khai thác cát trộm, phối hợp với lực lượng chức năng địa phương đấu tranh với nạn “cát tặc”, nhờ vậy, việc khai thác cát chui tuy có giảm nhưng chưa chấm dứt hẳn. Để lập lại trật tự trong khai thác cát tại địa phương, UBND huyện Krông Bông đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định về khai thác cát của các đơn vị được cấp phép cũng như truy quét, xử lý những chủ tàu khai thác cát trái phép. Trong đó, UBND xã Yang Reh cũng thường xuyên cử lực lượng tuần tra để bắt giữ các tàu khai thác cát trái phép, nhưng hiệu quả chưa cao do lực lượng mỏng, thiếu thốn về trang thiết bị, phương tiện. Vì vậy, địa phương đang kiến nghị với UBND huyện hỗ trợ lực lượng, phương tiện đủ mạnh để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát thường xuyên mới mong sớm lập lại trật tự khai thác cát ở đoạn sông trên.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc