Multimedia Đọc Báo in

Mục tiêu 75% dân số tham gia BHYT vào cuối năm 2015: Đích đến trước mắt

08:38, 06/11/2015

Đến hết tháng 9 năm 2015, toàn tỉnh mới có 1.267.422 người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm khoảng 70,4% dân số. Trong khi đó, theo mục tiêu Nghị quyết số 21, ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2015 và 2020 đề ra đến cuối năm 2015 có 75% dân số tham gia BHYT, liệu tỉnh ta có hoàn thành được mục tiêu này?

BHYT: Giảm số người tham gia, tăng nợ đọng

Năm 2015 là năm đầu tiên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật này là quy định toàn dân tham gia BHYT “bắt buộc” và thực hiện BHYT theo hộ gia đình. Cùng với đó, Luật còn có những thay đổi về cơ chế tài chính, mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT và bổ sung quy định Quỹ BHYT thanh toán trong các trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... Các điểm mới này đều hướng tới mục tiêu chung là tăng diện bao phủ, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân mà trước mắt là hoàn thành mục tiêu có 75% dân số tham gia BHYT theo Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, trong thời gian đầu triển khai thực hiện Luật, tại Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung đều gặp không ít trở ngại trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT. Trên thực tế, so với cùng kỳ năm 2014 thì số người tham gia BHYT trong 9 tháng đầu năm nay ở tỉnh ta giảm hơn 20.000 người. Nguyên nhân là do số tiền mua BHYT theo hộ gia đình tương đối lớn dẫn đến việc vận động, tuyên truyền cũng như thu nộp của các đại lý thu trực thuộc cơ quan BHXH còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, tính tuân thủ pháp luật trong việc tham gia BHYT của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và của một số nhóm đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT chưa cao. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, tình hình nợ đọng BHYT, trốn đóng BHYT trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng. Tính đến 30-7-2015, số doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT chiếm khoảng 30% và số nợ BHYT là 17,544 tỷ đồng, trong đó phần lớn là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến công tác phát triển BHYT gặp khó khăn là do cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tại địa phương, đơn vị, còn có biểu hiện giao toàn bộ nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHYT cho ngành Y tế và ngành BHXH.

Chăm sóc trẻ  sinh non tháng  tại khoa  Hồi sức  cấp cứu nhi và nhi  sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Chăm sóc trẻ sinh non tháng tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tăng cường các biện pháp  hỗ trợ người dân  tham gia BHYT

Để tháo gỡ những khó khăn nói trên và tiến tới hoàn thành mục tiêu đề ra đến cuối năm 2015 có 75% dân số tham gia BHYT, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã báo cáo tình hình trốn đóng và nợ đọng BHXH, BHYT với UBND tỉnh và đề nghị thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, hoặc khởi kiện ra tòa đối với các đơn vị nợ BHXH, BHYT kéo dài và công khai danh sách các đơn vị này trên phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh đề ra các giải pháp cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu trong những tháng cuối năm: đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế của địa phương để huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với các ngành, các cấp để tuyên truyền sâu rộng các chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đến người sử dụng lao động, người lao động để các đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, BHYT bắt buộc tự ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó đấu tranh bảo vệ quyền lợi của chính mình; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tại BHXH huyện, đại lý thu Bưu điện, đại lý thu UBND xã, phường và mở rộng hệ thống đại lý thu để đáp ứng yêu cầu của người dân tham gia BHYT. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính như nhận và trả hồ sơ BHXH, BHYT qua hệ thống bưu điện, kê khai thủ tục BHXH, BHYT qua mạng Internet, thực hiện thủ tục hành chính nhanh, gọn, kịp thời… nhằm tạo môi trường làm việc thân thiện cho tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch tại cơ quan BHXH. Cùng với đó, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế trích 30% quỹ kết dư định xuất khám chữa bệnh năm 2014 của tỉnh (tương đương 10 tỷ đồng) để mua thẻ BHYT cho đối tượng thoát khỏi vùng khó khăn theo Quyết định số 1049 ngày 26-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ và giao Sở Tài chính sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho đối tượng hộ cận nghèo. Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: “Để thẻ BHYT đến tay người dân nhanh nhất, BHXH tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai việc lập danh sách đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, chỉ trong thời gian ngắn đã có 24.565 người cận nghèo và 68.154 người thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế khó khăn được cấp thẻ BHYT với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng. Trong thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, vận động người dân về chính sách BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT. Đồng thời, đẩy mạnh việc rà soát về số lượng, đối tượng chưa tham gia BHYT nhằm đề ra các giải pháp hữu hiệu trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT”.

Có thể khẳng định, bằng việc tăng cường các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia BHYT, mục tiêu có 75% dân số tham gia BHYT vào cuối năm 2015 ở tỉnh ta không còn là điều quá xa vời. Và đây cũng sẽ là bàn đạp để tỉnh thực hiện chỉ tiêu BHYT giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định 1584 ngày 14-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.