Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Trước đây, việc lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng thường dựa trên mối quan hệ “quen biết”, hoặc sự “ưu ái” giữa các sở, ngành, địa phương… dẫn đến tình trạng một số cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức viên chức chưa hợp lý, còn trùng lắp như cử một đối tượng tham gia cùng lúc nhiều lớp đào tạo; đặc biệt, tình trạng cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ thạc sĩ không đồng đều ở các ngành, lĩnh vực, chủ yếu ở một số ngành như kinh tế - tài chính; khoa học xã hội và nhân văn… trong khi một số ngành như quy hoạch, quản lý đô thị, môi trường, khoa học kỹ thuật… lại thiếu. Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa thực sự đồng bộ giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu; nội dung đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu cân đối giữa việc trang bị trình độ lý luận chính trị với kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ; một số lĩnh vực chưa sâu, còn nhiều lý thuyết, ít kiến thức thực tiễn; chưa quan tâm nhiều đến đào tạo kiến thức quản lý chuyên ngành, lĩnh vực; việc mở các lớp bồi dưỡng theo chuyên đề có phần hạn chế. Chất lượng đào tạo (nhất là hệ tại chức) chưa cao; một số công chức có xu hướng chạy theo bằng cấp. Mặt khác, việc đào tạo vẫn chưa gắn liền với quy hoạch, đào tạo và sử dụng, chưa thực sự đồng bộ với yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức...
Cán bộ, công chức tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý Nhà nước về công tác thanh niên do Sở Nội vụ tổ chức. |
Khắc phục tình trạng trên, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyển chọn đối tượng đào tạo. Trong đó, chú trọng đổi mới cách cử cán bộ đi đào tạo sau đại học theo hướng phù hợp với nhu cầu và vị trí công tác, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như nâng cao hiệu quả ứng dụng vào thực tế công việc. Hằng năm, Sở Nội vụ phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu, giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng với nhiều loại hình đào tạo phù hợp với từng đối tượng, theo nhu cầu công việc và vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; tiêu chuẩn của ngạch công chức và hướng về cơ sở. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, qua đó giúp cán bộ, công chức, viên chức yên tâm học tập, tiết kiệm kinh phí, phát huy được hiệu quả những kiến thức đã học.
Chỉ tính riêng trong 2 năm (2014-2015), toàn tỉnh đã cử 139 cán bộ, công chức, viên chức đi học sau đại học ở các chuyên ngành như: Triết học, Ngữ văn, Toán học, Quản lý công, Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Thần kinh học, Y tế Công cộng, Ký sinh trùng và Côn trùng….; trong đó có 13 cán bộ làm nghiên cứu sinh ở các lĩnh vực, 43 người được đào tạo bác sĩ Chuyên khoa cấp I, cấp II. Cũng trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã có 18 người được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Tỉnh cũng đã cử 280 cán bộ, công chức, viên chức đi học Cao cấp lý luận chính trị và 358 người học Trung cấp chính trị.
Do vậy, số lượt công chức được bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước tương đối cao, chiếm tỷ lệ trên 60%. Hiện nay, 100% công chức lãnh đạo, quản lý có trình độ đại học và trên đại học; có trình độ cao cấp và cử nhân chính trị; có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học văn phòng và đều đã qua các khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước. Có 97% công chức chuyên môn có trình độ đại học và trên đại học, tăng 20% so với năm 2010. Nhiều đơn vị như Sở Khoa học và Công nghệ không còn công chức có trình độ trung cấp; nhiều sở chỉ còn 2-3% công chức loại B, C và đối tượng chủ yếu là nhân viên làm công việc đơn giản như: phục vụ, lái xe, thủ quỹ…
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, ngoài việc chỉ đạo chặt chẽ việc kiện toàn, sắp xếp hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ tỉnh đến huyện theo hướng tập trung, thống nhất, thời gian qua, tỉnh cũng đã dành kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng; cải tiến việc biên soạn giáo trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp. Trong công tác đào tạo, đã đổi mới và áp dụng tốt các phương pháp truyền đạt kiến thức theo từng đối tượng. Giảng viên được mời tham gia giảng dạy, truyền đạt kiến thức là những người có kiến thức sâu, rộng, có nhiều kinh nghiệm trong thực tế; đặc biệt đã mời lãnh đạo các cơ quan, đơn vị công tác trong ngành, trong địa phương có kinh nghiệm thực tiễn để truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng theo từng vị trí việc làm.
Có thể nói, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức; từng bước tiêu chuẩn hóa ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước; bảo đảm cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Thực tế cho thấy, qua đào tạo, bồi dưỡng, khả năng ứng xử, kỹ năng thực thi công vụ theo vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên rõ rệt, nhất là khả năng tham mưu, đề xuất ý kiến đóng góp cùng cấp ủy xây dựng các chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bích Thu
Ý kiến bạn đọc