Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa tình cựu chiến binh trên mặt trận xóa đói giảm nghèo

09:12, 04/11/2015

Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến tuổi trẻ cho quê hương, đất nước, những cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Cư M’gar vẫn luôn phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đó không chỉ là ý chí tự lực, không lùi bước trước khó khăn gian khổ mà còn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ đồng đội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Những năm qua, Hội CCB xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) đã có nhiều hoạt động nghĩa tình, giúp nhau bằng hình thức hỗ trợ vốn vay, ngày công lao động, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các mô hình làm ăn hiệu quả… Đến nay, trong tổng số hơn 200 hội viên chỉ còn 6 gia đình có hội viên CCB là hộ nghèo. Tiêu biểu phải kể đến Chi hội CCB buôn Ayun, mặc dù điều kiện kinh tế của các gia đình hội viên còn nhiều khó khăn, thế nhưng, bằng ý chí tự lực, tự cường, họ đã đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đơn cử như CCB Y Uôn Niê, nhờ được vay vốn từ nguồn Quỹ giúp nhau phát triển kinh tế của Chi hội với số tiền 10 triệu đồng và sự hỗ trợ của đồng đội, ông đã mạnh dạn đầu tư và tập trung chăm sóc vườn cà phê nên cuộc sống gia đình dần được cải thiện, vươn lên thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Đó còn là tấm lòng nghĩa hiệp của CCB Y Téc Niê, vươn lên từ trong đói nghèo, gian khổ nên ông rất đồng cảm với những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là với đồng đội. Chính vì thế, khi thấy gia đình CCB Nguyễn Văn Hoa gặp cảnh túng thiếu ông sẵn sàng cho mượn 1,3 tấn cà phê mà không lấy lãi; đồng thời, hỗ trợ vốn vay cho nhiều hội viên khác để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Hay như CCB Y DJăk Ayun, ngoài việc giúp đồng đội, hộ nghèo vượt qua những lúc nghèo khó, ông còn sẵn sàng hỗ trợ phương tiện canh tác, sản xuất từ xe máy cày, đào hố, múc đất cho những người dân khi cần đến… Ngoài ra, CCB buôn Ayun còn thường xuyên giúp nhau ngày công lao động mỗi khi đến vụ mùa thu hoạch cà phê, lúa, ngô… để giảm bớt chi phí thuê nhân công.
Cựu chiến binh Vũ Ngọc Nhanh (xã Quảng Hiệp) chăm sóc vườn cà phê.
Cựu chiến binh Vũ Ngọc Nhanh (xã Quảng Hiệp) chăm sóc vườn cà phê.

Hội CCB xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) cũng đã tạo điều kiện giúp hàng chục hội viên vươn lên phát triển kinh tế dưới các hình thức hỗ trợ như tặng bò, vay vốn, xây nhà… Trước đây, hoàn cảnh gia đình CCB Hoàng Văn Cắm (thôn Hiệp Thành) hết sức khó khăn; cuối năm 2014, từ nguồn Quỹ giúp nhau phát triển kinh tế, Chi hội CCB thôn đã mua 1 con bò hỗ trợ gia đình ông. Có được số “vốn” này, ông càng có thêm động lực để tiếp tục phát triển kinh tế. Không chỉ ông Cắm mà CCB Nguyễn Quang Thông cũng đã được hỗ trợ 10 triệu đồng từ quỹ Chi hội để đầu tư mua bò giống từ đầu năm 2014, đến nay đàn bò đã phát triển sinh sản nên gia đình ông cũng đã có số “vốn” kha khá. Bên cạnh đó, với quyết tâm không để hội viên phải sống trong cảnh nhà tạm, nhà dột nát, Hội CCB xã Quảng Hiệp đã tích cực vận động hội viên, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà ở kiên cố cho CCB có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với số tiền đóng góp của hội viên lên đến hàng trăm triệu đồng đã giúp nhiều gia đình CCB xây dựng nhà ở khang trang như: CCB Lê Văn Nhẫn (thôn Hiệp Nhất), CCB Lưu Trọng Quý và CCB Ngô Xuân Hòa (thôn Hiệp Hưng)… Tiêu biểu trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương phải kể đến ông Vũ Ngọc Nhanh (Chủ tịch Hội CCB xã), không chỉ đứng ra vận động hội viên khá giả chăm lo, hỗ trợ đồng đội vươn lên thoát nghèo mà ông còn trực tiếp giúp đỡ nhiều gia đình bằng cách cho vay vốn không tính lãi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tạo điều kiện giúp đỡ đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho con em của các hội viên…

Ông Nguyễn Công Khương, Chủ tịch Hội CCB huyện Cư M’gar cho biết: Tính đến thời điểm này, các cấp Hội CCB trong huyện đã tín chấp với Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên vay hơn 42 tỷ đồng; phát triển Quỹ giúp nhau phát triển kinh tế ở cơ sở Hội với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp cho trên 500 lượt hội viên được vay vốn đầu tư sản xuất. Ngoài ra, các cấp Hội còn tích cực đẩy mạnh hoạt động tương thân tương ái, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; triển khai các biện pháp giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình thông qua nhiều nội dung như: tuyên truyền, vận động CCB mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Điều này càng khẳng định vai trò và vị trí của những người lính trên mặt trận mới, và dù ở hoàn cảnh nào họ vẫn luôn năng động sáng tạo, sẵn sàng giúp nhau trong lao động sản xuất để góp phần xây dựng quê hương ngày một đẹp giàu.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.