Quản trị nhà nước và hành chính công của tỉnh: Nhìn từ chỉ số PAPI
Theo đánh giá kết quả chỉ số PAPI tỉnh Đắk Lắk của đoàn cán bộ nghiên cứu về tư vấn chính sách của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo tại buổi làm việc với UBND tỉnh vừa qua, chỉ số PAPI năm 2014 tỉnh Đắk Lắk đạt 35,68 điểm. Trong các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk có kết quả chỉ số PAPI chưa cao, xếp hạng 4/5 (thấp hơn so với Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Nông). Trong đó, tỉnh Đắk Lắk xếp hạng 1/5 ở trục nội dung về “công khai, minh bạch”; xếp hạng 2/5 ở trục nội dung “kiểm soát tham nhũng”; xếp hạng 3/5 ở trục nội dung “cung ứng dịch vụ”; xếp hạng 4/5 ở trục nội dung “thủ tục hành chính công”; có hai trục nội dung về “tham gia của người dân ở cơ sở” và “trách nhiệm giải trình với người dân”, Đắk Lắk xếp hạng 5/5.
Cán bộ cải cách hành chính UBND xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân. Ảnh: Hoàng Gia |
Từ 6 trục nội dung nêu trên, có 22 nội dung thành phần được khảo sát trong phạm vi PAPI. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có 7/22 chỉ số nội dung thành phần đã được cải thiện trong năm 2014 so với năm 2013. Cụ thể là: đóng góp tự nguyện; công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đền bù; công khai, minh bạch thu chi ngân sách cấp xã, phường; công bằng trong tuyển dụng vào Nhà nước; giấy phép xây dựng; an ninh trật tự; y tế công lập. Bên cạnh 7 kết quả chỉ số PAPI được cải thiện, còn 10 chỉ số nội dung thành phần có kết quả thấp hơn rõ rệt so với năm trước. Cụ thể là: cơ hội tham gia; tri thức công dân; ban giám sát đầu tư cộng đồng; ban thanh tra nhân dân; quyết tâm chống tham nhũng; thủ tục hành chính cấp xã, phường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chứng thực, xác nhận; cơ sở hạ tầng căn bản; giáo dục tiểu học công lập. Mức giảm điểm của 10 chỉ số này là nguyên nhân chính đã kéo điểm tổng hợp kết quả chỉ số PAPI của Đắk Lắk xuống thấp hơn nhiều tỉnh ở Tây Nguyên.
Theo Tiến sĩ Hà Việt Hùng (thành viên đoàn cán bộ nghiên cứu về tư vấn chính sách), bộ phận “một cửa” cấp xã, phường của Đắk Lắk nhìn chung có cơ sở vật chất và trang thiết bị khá tốt so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, mức độ hài lòng của người dân với công tác chứng thực, xác nhận và các thủ tục hành chính cấp xã, phường chưa được cải thiện nhiều trong những năm qua: hai chỉ số này đều bị giảm điểm so với năm 2013 và 2011. Bên cạnh đó vẫn còn 3/15 đơn vị cấp huyện của tỉnh chưa thực hiện được liên thông, kết nối và cung cấp công khai, minh bạch tình trạng xử lý hồ sơ. Các hồ sơ bị chậm trễ chủ yếu thuộc lĩnh vực Tài nguyên – Môi trường ở cấp huyện. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nghĩa vụ tài chính chậm. Một nguyên nhân nữa làm hạn chế kết quả chương trình cải cách hành chính nói chung và công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm thỏa đáng tới những hoạt động này của chính quyền. Hoạt động của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng tại nhiều xã, phường còn lúng túng trong triển khai thực hiện, hoạt động chưa thực sự có hiệu quả, còn mang tính hình thức, thậm chí không hoạt động. Hiệu quả hoạt động còn hạn chế của hai ban này có thể là lý do giải thích tại sao kết quả chỉ số PAPI về “trách nhiệm giải trình với người dân” chưa được cải thiện trong năm qua...
Tại buổi làm việc với đoàn cán bộ nghiên cứu về tư vấn chính sách, nhiều đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh cho rằng có nhiều nguyên nhân làm cho chỉ số PAPI đạt kết quả chưa cao; trong đó có nguyên nhân chủ quan là người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị cấp xã, phường chưa thực sự chú trọng đến công tác cải cách hành chính; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch và sử dụng đất đai còn có một số bất cập; năng lực của đội ngũ công chức, cán bộ phụ trách bộ phận “một cửa” còn hạn chế (thường là cán bộ không chuyên trách); công tác tuyên truyền về cải cách hành chính, các chủ trương, chính sách đến người dân của cơ sở còn hạn chế... Nhiều ý kiến đề xuất cũng như các giải pháp được các đại biểu đưa ra nhằm tăng cường hiệu quả quản trị nhà nước và hành chính công, nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh trong thời gian tới như: đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực đất đai, quy hoạch; tăng cường đối thoại với nhân dân; lấy ý kiến tham gia của người dân ở cấp cơ sở; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng; xây dựng cơ chế quy định trách nhiệm hơn nữa của người đứng đầu các đơn vị với kết quả thực hiện Chương trình cải cách hành chính; tăng cường đào tạo bồi dưỡng về kỹ năng giao tiếp thân thiện với người dân cho đội ngũ cán bộ xã, phường, đặc biệt là cho cán bộ làm việc ở các bộ phận “một cửa” để giải quyết các hồ sơ, thủ tục, quyền lợi của nhân dân một cách triệt để với các khâu thủ tục gọn nhẹ, tạo phong cách làm việc vui vẻ, cởi mở, tinh thần trách nhiệm cao theo tinh thần “vì dân phục vụ”...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc