Sai phạm trong việc trồng cây bảo vệ thượng nguồn Trạm bơm nước Kotam: Cần sớm xử lý dứt điểm
Gần 10 năm nay, những người thuê đất ở thượng nguồn Trạm bơm nước Kotam đã tự ý sử dụng đất sai mục đích, vi phạm nội dung hợp đồng.
Nhằm bảo vệ hành lang thượng nguồn Trạm bơm nước Kotam (khu cấp nước sạch cho người dân TP. Buôn Ma Thuột), năm 2007 Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk đã hợp đồng với tổ trồng cây gồm các ông: Nguyễn Hữu Thắng (Tổ trưởng), Đào Quang Lam, Nguyễn Đăng Miên để trồng cây bảo vệ nguồn nước trên diện tích 3,2 ha. Hợp đồng ghi rõ, tổ trồng cây phải trồng 2.000 cây gỗ lát, 300 cây gỗ sao, 6.000 cây cau và 10.000 cây gai bồ kết; trong quá trình chăm sóc, không được phun thuốc trừ sâu, bón phân và các loại hóa chất khác gây ảnh hưởng đến nguồn nước; không tự ý trồng các loại cây ngoài phạm vi hợp đồng.
Các loại cây dược liệu và dây hồ tiêu trồng trái phép trên thượng nguồn Trạm bơm nước Kotam. |
Trạm bơm nước Kotam gồm 4 hồ chứa nước với tổng diện tích hơn 6 ha, trong đó hồ số 3 đã ngưng sử dụng vì nước quá ít. Quy trình khai thác là nước được thu gom từ các hồ số 1, 2, 4 chuyển về bể tập trung, sau đó bơm lên Trạm xử lý Cư Pul và đưa về cấp nước cho người dân TP. Buôn Ma Thuột. Theo công suất thiết kế thì Trạm bơm Kotam cung cấp nguồn nước cho khoảng 19.000 hộ dân. Mặc dù hồ số 3 đã không còn khai thác nhưng vẫn thuộc hành lang bảo vệ nguồn nước sạch. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, tổ trồng cây tự ý sử dụng đất sai mục đích đã ký kết trong hợp đồng. Cuối tháng 9-2015, Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT đã phát hiện trên phần diện tích 3,2 ha thuê để trồng cây lâm nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thắng và ông Đào Quang Lam tự chia đôi để sử dụng (ông Miên đã xin rút khỏi danh sách tổ trồng cây). Trong đó, ông Thắng quản lý diện tích đất ở hồ nước số 3 đã tự ý trồng hàng nghìn cây cau, hồ tiêu, sưa, đinh lăng, chanh, sâm đại hành, lại còn nuôi cá ở hồ, xây dựng hệ thống nhà ở kiên cố, phòng khám đông y với 5 giường bệnh và xưởng chế biến cau xuất khẩu. Điều đáng nói nữa là ông Thắng đã sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật nhằm chăm sóc, bảo vệ vườn cây. Về phần diện tích đất của ông Lam (khu vực hồ số 1 và 2) hiện đang trồng 3.000 cây trát đỏ và một số cây gỗ sưa, sao, lát; ngoài ra còn trồng hoa màu, nuôi cá và chăn nuôi gia cầm. Như vậy, đã qua gần 10 năm mà số lượng cây lâm nghiệp được trồng như cam kết của hợp đồng đều không đáng kể (chỉ có cây cau trồng được 50% kế hoạch; số cây sao, cây lát chiếm rất ít).
Được biết, việc tổ trồng cây vi phạm các nội dung trong hợp đồng đã xảy ra từ nhiều năm nay, trước đó vào tháng 3-2008, trong quá trình kiểm tra Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk đã phát hiện các sai phạm như: trồng cây không đúng số lượng, chất lượng giống và không đúng chủng loại đã ký kết trong hợp đồng; xây dựng lán trại sinh hoạt tại hồ số 2. Công ty đã có văn bản yêu cầu tổ trồng cây tháo dỡ lán trại, khôi phục hiện trạng ban đầu, thời hạn chậm nhất đến ngày 30-9-2008. Tuy nhiên, đến tháng 10-2009, tình trạng vi phạm lại tiếp diễn: trồng thiếu 600 cây gỗ lát, 9.000 cây gai bồ kết; tự ý trồng cây tre, xây nhà ở trên diện tích 90 m2 (gần hồ số 3 và hồ số 1); nuôi gia cầm gây ô nhiễm nguồn nước; gia công các hồ tự nhiên để nuôi cá gây ngập úng, ô nhiễm; tự ý mở phòng khám chữa bệnh trong khu vực trồng cây xanh; an ninh trật tự tại khu vực trồng cây không bảo đảm.
Qua thực tế kiểm chứng, tại khu thượng nguồn Trạm bơm nước Kotam, ở xung quanh khu vực hồ số 3, gia đình ông Thắng đã tự ý xây dựng nhà ở, trồng các loại cây nói trên như một trang trại riêng của gia đình , còn các loại cây lâm nghiệp như trong hợp đồng hầu như không có; riêng về phần diện tích quản lý của ông Lam đang thuê một lao động quản lý, chăm sóc các loại cây trồng. Trao đổi vấn đề này với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk, ông Nguyễn Văn Tin - Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Việc các cá nhân được cho thuê đất trồng cây lâm nghiệp vi phạm hợp đồng, Ban lãnh đạo Công ty cũng đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở và họ cũng đã cam kết khắc phục, thực hiện đúng hợp đồng. Thế nhưng, do chúng tôi không kiểm tra thường xuyên, thiếu kiên quyết và không sử dụng biện pháp mạnh trong xử lý sai phạm nên tình trạng vi phạm các nội dung trong hợp đồng kéo dài nhiều năm. Mới đây, Công ty đã có văn bản yêu cầu tổ trồng cây tháo dỡ nhà ở, xưởng chế biến cau xuất khẩu, dỡ bỏ dây hồ tiêu, cây thuốc nam để trả lại hiện trạng ban đầu, đồng thời phải trồng đủ số lượng cây lâm nghiệp. Đại diện tổ trồng cây đã xin gia hạn thời gian xử lý chậm nhất đến hết tháng 3-2016. Lần này nếu họ không chấp hành chúng tôi sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng”.
Thiết nghĩ, việc trồng cây lâm nghiệp trong khu thượng nguồn cấp nước giúp tạo cảnh quan đô thị và giữ gìn môi trường sinh thái tại 3 hồ chứa ở Trạm bơm nước Kotam. Ông Đoàn Ngọc Khuê (Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh) nhận định : “Vì lợi ích cá nhân, tổ trồng cây tự ý chăn nuôi, xây dựng hệ thống nhà ở, phòng khám bệnh, trồng các loại cây nông nghiệp, dược liệu sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm mạch nước ngầm cung cấp nước cho người dân thành phố”. Mong rằng, phía đơn vị cho thuê đất là Công ty Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk sớm xử lý dứt điểm những sai phạm này để trả lại sự trong lành cho khu vực thượng nguồn Trạm bơm nước Kotam.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc