Multimedia Đọc Báo in

Sức trẻ ở vùng biên

10:28, 30/11/2015

Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, trong những năm qua, Huyện Đoàn Ea Súp đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo góp phần xây dựng quê hương ấm no, giàu đẹp...

Các tổ chức cơ sở đoàn trực thuộc đã chủ động tổ chức thực hiện nhiều công trình, phần việc thanh niên như: Đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự... Những hoạt động này không chỉ góp phần giáo dục, định hướng lối sống đẹp, có ích cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) mà còn thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ đối với xã hội.

ĐVTN huyện Ea Súp và đại diện chính quyền địa phương cắt băng khánh thành và bàn giao phòng học tại xã Ea Lê.
ĐVTN huyện Ea Súp và đại diện chính quyền địa phương cắt băng khánh thành và bàn giao phòng học tại xã Ea Lê.

Tiêu biểu trong các hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng là việc vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh quyên góp được trên 1 tỷ đồng để xây dựng các công trình an sinh xã hội, giúp đỡ người dân vùng biên vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Anh Lê Hồng Hạnh, Phó Bí thư Thường trực Huyện Đoàn kể: “Tất cả những hoạt động này được “khởi nguồn” từ một chuyến công tác thực tế tại thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan), nơi cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, có khoảng 200 hộ với trên 1.000 khẩu là dân tộc Mông, Dao từ miền núi phía Bắc di cư vào lập làng, sinh sống. Đa số người dân trong thôn đều không biết đọc, biết viết; người lớn chịu thiệt đã đành, trẻ em trong thôn cũng khổ lây khi không có trường để học chữ. Vì vậy, ý tưởng về việc xây dựng một lớp học nhằm giúp đỡ các cháu nhỏ nơi đây thoát cảnh thất học, mù chữ được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết”. Ban đầu, Huyện Đoàn đã vận động người dân cùng chung sức dựng một căn lều tạm nhưng sau đó không lâu bị mưa gió quật đỗ nên các em nhỏ lại lâm vào cảnh không có chốn học hành. Trước thực trạng đó, anh Hạnh trăn trở suy nghĩ phải làm sao để có được một phòng học kiên cố, khang trang. Thông qua mạng xã hội (facebook, zalo), anh gửi thư ngỏ đến các nhóm từ thiện, nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong cả nước nhằm chia sẻ khó khăn với người dân nơi đây. Chỉ sau một thời gian ngắn, Huyện Đoàn đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với số tiền quyên góp lên tới trên 200 triệu đồng. Từ số tiền này, Huyện Đoàn đã triển khai xây dựng công trình “Trường đẹp cho em” gồm 2 phòng học rộng 100 m2, có sân chơi rộng rãi, thoáng mát với tổng kinh phí hơn 255 triệu đồng được đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng năm học mới 2014-2015, đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 250 cháu trên địa bàn thôn.

Năm 2014, Huyện Đoàn còn vận động được hơn 20 triệu đồng để thực hiện công trình “Ánh sáng xanh” tại xã Cư K’bang, giúp các hộ nghèo có điện sáng phục vụ sinh hoạt. Ea Súp là huyện biên giới nghèo của tỉnh, có rất nhiều hộ dân tại các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, đặc biệt là việc học hành của các em nhỏ trong độ tuổi đến trường. Nhằm chia sẻ một phần khó khăn với người dân, Huyện Đoàn đã thực hiện chương trình “Ánh sáng xanh” bằng cách lắp hệ thống đèn led tiết kiệm điện cho các hộ dân nghèo những nơi này. Tiếp nối thành công đó, trong năm 2015, Huyện Đoàn đã vận động được thêm 650 triệu đồng để xây dựng công trình “Mái trường yêu thương” tại tiểu khu 249 thuộc xã Ea Lê, với quy mô 5 phòng học cấp 4, 1 sân bê tông rộng 230 m2, 1 giếng nước, 3 phòng vệ sinh và bộ thiết bị năng lượng mặt trời. Huyện Đoàn còn vận động số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng để xây dựng 6 công trình nước sạch tại thôn 14, 15, 16 (xã Cư Kbang), phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho hơn 700 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu. Đặc biệt, mới đây Huyện Đoàn đã triển khai chương trình "Bữa cơm với người lạ" - đây là chương trình rất ý nghĩa nhằm giúp người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh có một bữa cơm ấm cúng. Theo đó, cứ vào dịp cuối tuần, ĐVTN quyên góp tiền để mua thực phẩm, rồi chia thành từng tốp đến nhà một số hộ nghèo ở các xã khó khăn và “hóa thân” thành những cô Tấm nấu những món ăn ngon phục vụ người dân. Sau một buổi làm đồng vất vả, khi trở về ngôi nhà của mình chủ nhà không khỏi bất ngờ, xúc động bởi đã có một mâm cơm tươm tất đang đợi sẵn...

Với các hoạt động tình nguyện sôi nổi, hiệu quả, thiết thực, tuổi trẻ huyện Ea Súp đã và đang khẳng định vai trò xung kích trên các lĩnh vực. Hình ảnh màu áo xanh tình nguyện đã trở nên gần gũi, thân thương trên khắp nẻo đường, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.