"Chị Thanh Tâm" của lính trẻ
Không chỉ là cán bộ, người anh, người bạn trong những giờ học tập, rèn luyện, sinh hoạt mà các thành viên trong Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân (gọi tắt Tổ tư vấn) còn là những “chị Thanh Tâm” áo lính, luôn quan tâm và sẵn sàng giúp chiến sĩ “gỡ rối tơ lòng”.
Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 95) là đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; phần lớn sĩ quan có tuổi đời còn trẻ; hạ sĩ quan, chiến sĩ đơn vị có thời gian nhập ngũ từ 18 - 24 tháng, thường là thanh niên lần đầu tiên xa gia đình, trình độ học vấn không đồng đều... nên nhiều khi có hành vi, suy nghĩ chưa chín chắn. Trước yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, việc ổn định tư tưởng, tâm lý, tinh thần cho chiến sĩ là điều cần thiết. Và sự tư vấn, hỗ trợ của các “chị Thanh Tâm” áo lính đóng vai trò rất quan trọng.
Cán bộ Tiểu đoàn 9 trò chuyện tâm tình với lính trẻ. |
Vừa nhập ngũ được vài tháng, chiến sĩ N.Đ.M. nhận được tin người vợ trẻ ở quê nhà vừa sinh con đầu lòng. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ một mình vượt cạn, thiếu bàn tay chăm sóc của mình nên M. thường có tâm lý buồn chán. Khác với thường ngày, M. không tập trung công việc, ít vui cười với đồng đội, thậm chí còn có ý định đào ngũ... Nhận thấy biểu hiện khác thường đó, Tổ tư vấn đã kịp thời nắm bắt tình hình, động viên M. yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Cuối tuần, đơn vị còn tạo điều kiện cho M. được gọi điện thăm hỏi vợ con. Hằng tháng, M. viết thư động viên và gửi tiết kiệm phụ cấp để vợ sắm sửa đồ dùng.
Các “bác sĩ” tâm lý của Đại đội 10 vẫn nhớ trường hợp của N.Đ.L. Trước khi nhập ngũ, bố mẹ thường xuyên “cơm không lành, canh chẳng ngọt” khiến L. khá buồn. Vào đơn vị, chưa kịp ổn định tâm lý để thực hiện nhiệm vụ thì lại tiếp tục nhận được những tin không vui như vậy về gia đình khiến L. càng thêm buồn, hay khóc thầm và nảy sinh ý định trốn khỏi doanh trại để “trả thù” kẻ đã phá hạnh phúc gia đình mình. Nắm được thông tin ấy, Tổ tâm lý đã gần gũi và phân tích cho L. hiểu đó là suy nghĩ nông cạn, thiếu am hiểu pháp luật; đồng thời cán bộ Tiểu đoàn đã trực tiếp gặp gỡ, chuyện trò và phân tích cho bố mẹ L hiểu. Nhờ sự tư vấn của các “chị Thanh Tâm”, L trở thành cầu nối giúp bố mẹ hàn gắn hạnh phúc…
Đại úy Nguyễn Đức Thắng, Chính trị viên Tiểu đoàn cho biết: “Tổ tư vấn Tâm lý, pháp lý quân nhân ở Tiểu đoàn 9 được thành lập từ năm 2012 với mong muốn thông qua hoạt động sẽ tuyên truyền, phổ biến kiến thức tâm lý, pháp luật, nhằm xây dựng ý thức tự giác, chấp hành kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ. Qua đó giúp cán bộ đơn vị kịp thời nắm bắt tư tưởng bộ đội, tình hình chính trị nội bộ, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”. Từ các cấp đại đội đến tiểu đoàn đều thành lập Tổ tư vấn, trong đó Tổ trưởng thường là Chính trị viên. Việc tư vấn tâm lý, pháp lý ở đơn vị khá linh hoạt, có thể thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Tùy theo từng trường hợp, đối tượng để có hình thức tư vấn phù hợp, có khi gặp gỡ riêng mỗi cá nhân, khi lại tư vấn, giải đáp pháp luật trong các buổi sinh hoạt đơn vị. Bất kể lúc nào chiến sĩ cần, cán bộ đơn vị luôn sẵn sàng lắng nghe và có những lời khuyên xác đáng, phù hợp.
Trong những năm qua, các Tổ tư vấn của Trung đoàn đã “tháo gỡ” nhiều vướng mắc cho cán bộ, chiến sĩ, chủ yếu là về chuyện học tập, sự nghiệp, kinh tế gia đình, tình yêu đôi lứa... giúp chiến sĩ an tâm tư tưởng, ổn định tâm lý để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh những việc đã làm được, Tổ tư vấn còn gặp những khó khăn: có thành viên của tổ chưa nắm bắt đầy đủ kiến thức pháp luật, một số thắc mắc của chiến sĩ phải mất nhiều thời gian mới có thể giải đáp... Để khắc phục điều này, cán bộ tư vấn tâm lý, pháp lý thường xuyên học tập trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, chủ động tìm hiểu mọi thông tin, giúp những chàng lính trẻ tháo gỡ nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, Tiểu đoàn còn thành lập các tổ, nhóm bồi dưỡng kỹ năng sống cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ... tạo môi trường lành mạnh, giúp chiến sĩ có lập trường, tư tưởng vững vàng, trưởng thành hơn trong suy nghĩ, hành động...
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc