Chồng được nghỉ việc chăm vợ sinh
Theo quy định tại Điều 34 của Luật này, nếu lao động nam đang đóng BHXH bắt buộc khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, hay nói cách khác là nghỉ việc để chăm vợ sinh. Thời gian nghỉ việc hưởng BHXH tùy thuộc vào điều kiện sinh nở của vợ: nếu vợ sinh nở trong điều kiện bình thường thì người chồng được nghỉ 5 ngày làm việc; nếu người vợ phải phẫu thuật khi sinh con hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi thì được nghỉ việc 7 ngày; trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Chế độ thai sản đối với nam giới cũng được mở rộng trong một số trường hợp như: trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi; trường hợp người mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện (về thời gian đóng BHXH) hưởng BHXH sau khi sinh mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng (có tham gia BHXH) được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi, các trường hợp trên nếu người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng con không nghỉ việc thì ngoài tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trả còn được hưởng chế độ thai sản do cơ quan BHXH chi trả cho đến hết thời gian tiêu chuẩn chế độ theo quy định. Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Người đàn ông có tham gia BHXH mà nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi; lao động nam thực hiện biện pháp triệt sản thì được nghỉ việc hưởng BHXH 15 ngày. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có người cha tham gia BHXH thì cha được hưởng trợ cấp một lần (thường gọi là tiền tã lót) bằng 2 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm sinh con cho mỗi con.
Việc quy định được hưởng chế độ thai sản đối với nam giới là bước tiến mới trong chính sách BHXH, từng bước thực hiện công bằng trong việc đóng và hưởng BHXH. Nếu như trước đây cả nam và nữ đều phải đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản như nhau nhưng chỉ có phụ nữ mới được hưởng chế độ thai sản thì nay cả 2 giới đều được hưởng chế độ thai sản. Thực hiện công bằng còn thể hiện ở trách nhiệm xã hội chung giữa nam và nữ, con cái là sản phẩm chung giữa vợ và chồng, ai cũng phải có trách nhiệm đóng góp, nuôi nấng như nhau, chia sẻ giúp đỡ người phụ nữ trong giai đoạn khó khăn khi vượt cạn là trách nhiệm, là niềm tự hào của mỗi ông chồng, luật tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền và trách nhiệm ấy là một tiến bộ đáng ghi nhận, thể hiện tinh thần nhân văn trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Trương Văn Bá
Ý kiến bạn đọc