Những "vườn" rau sạch tại gia
Không có đất trống, ruộng vườn nên việc tận dụng những chiếc thùng xốp, chai nhựa, chậu cây cảnh để trồng rau, quả đã được nhiều gia đình ở thành phố Buôn Ma Thuột áp dụng nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch.
Từ nhiều năm nay, khi người sản xuất sử dụng chất kích thích tăng trưởng, trồng rau củ, quả ở những nơi ô nhiễm hay việc phun hóa chất bảo vệ thực vật quá mức cho phép và chưa đủ thời gian đã đưa ra thị trường… trở thành nỗi bức xúc, lo lắng của hầu hết các hộ gia đình, nhất là những bà nội trợ. Để hạn chế việc “đưa” chất độc vào cơ thể, bảo vệ sức khỏe, một số người đành chọn giải pháp hạn chế sử dụng rau xanh trong bữa ăn hàng ngày; tuy nhiên, phần lớn vẫn là tìm cách sản xuất rau sạch tại nhà để tự cung, tự cấp cho người thân trong gia đình. Đơn cử như chị Đào Thị Hương (phường Khánh Xuân) đã tận dụng khoảng sân phơi sau nhà trồng rau trong thùng xốp. Với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 150 nghìn đồng để mua thùng xốp và ít hạt giống rau cải, hành lá, rau ngò, mồng tơi, rau muống… nên hơn 2 năm nay gia đình chị đã có nguồn rau sạch để sử dụng hằng ngày. Chị Hương chia sẻ, với phương pháp trồng đơn giản, chỉ cần chăm tưới nước hằng ngày; đặc biệt chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh làm từ vỏ cà phê, rơm rạ xin từ người quen là đã có vườn rau nho nhỏ để cung cấp cho bữa ăn hằng ngày của 4 thành viên trong gia đình mà không phải lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm như khi đi mua ở ngoài. Có những thời điểm, rau quá nhiều chị phải mang biếu anh em, bạn bè vì không thể dùng hết.
Chị Đào Thị Hương trồng rau trong thùng xốp. |
Theo kinh nghiệm trồng rau sạch từ nhiều năm nay của ông Cao Văn Tương (phường Tân An), thì việc tận dụng những thùng xốp, chậu nhôm, vỏ chai nhựa và chậu cây cảnh… không dùng đến để trồng rau không chỉ cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình mà còn giúp những người già như ông có thể vận động tay chân để rèn luyện sức khỏe và thư giãn. Ông Tương cho biết: “Phải chọn loại đất sạch, trộn với các loại phân hữu cơ trước khi gieo hạt giống. Sau đó, phủ thêm một lớp rơm mỏng để giữ ẩm cho đất, giúp hạt dễ nảy mầm. Với những loại như rau cải, xà lách, rau mầm… nếu gieo quá dày thì phải tỉa dần để rút ngắn thời gian thu hoạch. Đặc biệt, có thể tận dụng nước vo gạo, rửa rau, bã chè, cà phê để tưới và bón cho cây trồng. Cách làm này không chỉ cải thiện chất lượng bữa ăn cho gia đình mà còn góp phần tiết kiệm chi phí trong việc chi tiêu”. Với nhiều hộ gia đình không có ban công hay những khoảng sân trước mặt nhà thì họ lại sử dụng những chiếc thùng xốp đặt ở vỉa hè, khu đất trống gần nhà để trồng rau sạch.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, phong trào trồng rau sạch ngày càng trở nên phổ biến với nhiều người dân thành phố khi nhiều nhà sản xuất vì lợi nhuận cá nhân mà sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật để tăng năng suất cây trồng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì thế, nhiều gia đình đã tận dụng mọi khoảng không gian quanh nhà để trồng rau. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên thì cách làm này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi trồng ở khu đất, vệ đường có thể khiến rau bị nhiễm chì từ đất, khói bụi, hay nguồn nước tưới bẩn còn là môi trường thuận lợi để các loại trứng giun, sán phát triển và ký sinh trong rau. Dẫu biết thế, nhưng trước những thông tin rau, củ, quả nhiễm “bẩn” như hiện nay thì mô hình này đang ngày càng được người dân ở khu vực thành phố nhân rộng, bởi theo nhiều hộ dân khi ăn rau, củ tự trồng vẫn yên tâm hơn mua ở ngoài.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc