Multimedia Đọc Báo in

Nở rộ trào lưu nuôi... "ca sĩ phòng khách"

09:48, 28/12/2016

Mặc dù được biết đến từ lâu, nhưng phong trào nuôi chim yến hót mới phát triển mạnh và trở thành trào lưu mới trong giới chơi chim cảnh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột trong thời gian gần đây.

Theo những người chơi chim cảnh ở Buôn Ma Thuột, yến vốn là loài chim hoang dã sinh sống tại khu vực đảo Canary thuộc Đại Tây Dương, được một số người Tây Ban Nha phát hiện và đem về nuôi vào khoảng thế kỷ XV. Do đặc tính dễ thích nghi với nhiều vùng khí hậu, ít bị bệnh, giọng hót hay, hình dáng đẹp và nhiều màu sắc khác nhau nên chim yến được nuôi ngày càng nhiều và du nhập đi khắp nơi. Ở Tây Nguyên, yến hót được một vài người thuộc giới trí thức nuôi từ thời Pháp thuộc, nhưng đến sau này cũng chỉ có lác đác vài người nuôi, vài năm nay và nhất là từ đầu năm 2015 thì mới có nhiều người nuôi và trở thành phong trào. Anh Mai Đức Hào (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột), người hơn 15 năm nuôi yến hót và hiện đang có 6 cặp yến cho biết, trước đây yến được coi là loài chim quý tộc, chỉ có những người giàu có mới nuôi, đến nay đã được “bình dân hóa”, nhiều người mê chim yến bởi nó có dáng xinh xắn, lông sặc sỡ với nhiều màu sắc như trắng, vàng, đỏ…, đặc biệt, loại chim cảnh này có giọng hát rất hay và được gọi là “ca sĩ phòng khách”. Theo anh, loại chim này dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là ngũ cốc và rau quả tươi, tuy nhiên, thức ăn và nước uống phải được thay mới hằng ngày, nếu không yến sẽ bị nhạt lông, mất tiếng hót hoặc bị bệnh. Và quan trọng nhất là phải có đam mê, theo dõi hằng ngày, chăm sóc thường xuyên mới có bầy yến đẹp. Có điều thú vị là mặc dù nuôi lồng, nhưng yến vẫn sinh sản bình thường. Cụ thể, mỗi con mái có thể đẻ 4 – 5 lứa/năm, mỗi lứa thường được 4 quả trứng, ấp khoảng 2 tuần thì nở con. Được nhìn ngắm hình ảnh chim mẹ mớm mồi cho con cũng là một điều thích thú đối với những người chơi yến cảnh. Tuy nhiên, để yến có thể sinh sản thì không phải người nuôi nào cũng thành công, bởi nhiều khi nhiệt độ không phù hợp, thức ăn không đủ chất hoặc người lạ đến nhiều khiến một số con mái mất đi bản năng ấp trứng và nuôi con.

Anh Mai Đức Hào đang bổ sung thức ăn cho con hoàng yến.
Anh Mai Đức Hào đang bổ sung thức ăn cho con hoàng yến.

Trong khi đó, là một người mê chim cảnh từ lâu, vừa qua, anh Lê Văn Xuân (đường Lê Thánh Tông, TP. Buôn Ma Thuột) cũng chuyển từ chào mào, họa mi sang nuôi yến hót. Anh cho biết, việc chăm sóc chim yến tùy theo từng giai đoạn, yến mới lớn thì phải vệ sinh lồng hằng ngày, cho ăn uống đầy đủ và tắm thường xuyên một tuần vài ba lần; đối với yến đang đẻ thì ngoài việc cho ăn uống chu đáo, phải theo dõi tổ liên tục để tránh trứng bị vỡ, chim con rơi ra ngoài. Cũng theo anh Xuân, yến giống phổ biến nhất hiện nay dòng được thuần chủng ở trong nước, bên cạnh đó còn có giống nhập từ Châu Âu. Loại yến trong nước có vóc dáng nhỏ, nhưng ưu điểm là hót hay và quen với khi hậu, thức ăn và giá rẻ (1 triệu đồng/cặp), nên được nhiều người nuôi. Trong khi đó, một số người như anh lại thích yến nhập vì nó có thân hình cao lớn, màu lông đa dạng. Tuy nhiên, yến nhập khẩu có giá cao (thấp nhất 4 triệu đồng/cặp, có loại lên đến 20 triệu đồng/cặp) và một số loại thức ăn cũng phải nhập từ nước ngoài.

Theo chia sẻ của những người nuôi yến cảnh thì điều khiến ngày càng nhiều người nuôi yến hót là cảm giác thư thái, nhẹ nhàng khi ngắm những chú chim xinh xắn nhảy nhót, cất tiếng hót véo von và  dường như quên đi mệt mỏi trong cuộc sống. Bên cạnh đó, giá chim yến giống khá cao, cũng giúp một số người nuôi có thêm thu nhập từ thú vui của mình. Gần đây, trào lưu này phát triển mạnh, một số người chơi yến ở phường Thành Nhất, Tân Tiến… đã đầu tư nuôi yến hót sinh sản để bán giống cho những người cùng chung đam mê.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Từ hành trình 120 năm xây dựng, phát triển đến khát vọng vươn tầm và kiến tạo
Sáng 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk – 120 năm hình thành và phát triển”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.