Multimedia Đọc Báo in

Cảm ơn nghề báo!

14:50, 15/01/2016
Có người ví nghề báo là một cuộc hành trình dài, trong đó hành trang mang theo là lòng can đảm, cái nhìn sắc sảo, sự trung thực cùng trái tim rung cảm. Vào nghề đến nay đã được hơn 12 năm, con số có thể chưa là nhiều so với các “cây đa, cây đề” trong làng báo, nhưng cũng đủ để chiêm nghiệm đôi điều và biết ơn nghề nhiều lắm.

Cảm ơn nghề báo bởi đã cho tôi thỏa ước mơ được đi đây đi đó, được giao lưu, giúp đỡ mọi người, có thêm nhiều người bạn. Những lần đi cơ sở, gặp gỡ mọi người, nhìn những nụ cười, giọt nước mắt xuất phát từ tình cảm chân thành, được chia sẻ câu chuyện về các mảnh đời… tất cả đều là kỷ niệm khó quên, là hành trang và cũng là “tài sản” tôi có được sau mỗi chuyến đi tác nghiệp.

“Tài sản” ấy là bài thơ tôi được nhận từ các bác cựu chiến binh làm tặng; là sự xúc động khi đứng trên sân khấu hát giao lưu với những người lính trẻ bộ đội biên phòng; là sự ấm áp khi được trò chuyện thân tình, nhìn những nụ cười cởi mở trong buổi tiếp xúc làm việc; là lời mời thân tình của bà con người Êđê, M’nông, cùng nắm tay mở rộng vòng xoang suốt đêm lễ hội trong nhịp chiêng rộn ràng; là khi thấy mình được tin tưởng, được nghe tâm sự về những câu chuyện nghề, chuyện đời...

“Tài sản” ấy là kỷ niệm về buổi chụp hình cùng các em nhỏ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh. Nếu chỉ nhìn những nụ cười tươi tắn của các em khi thể hiện bài hát, điệu múa thì khó có thể tưởng tượng được sự luyện tập vất vả đến thế nào khi không nhìn thấy ánh sáng, không nghe được tiếng nhạc. Và những nụ cười ấy mới đáng trân trọng biết bao. Niềm vui của các em khi được nhận sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ của mọi người và đó cũng là niềm vui, là “tài sản” tôi cất giữ cho mình trong chuyến đi ấy...

Cảm ơn nghề báo bởi đã cho tôi thêm hiểu biết và trưởng thành hơn sau mỗi bài viết. Đặc biệt, là người sinh ra khi đất nước hòa bình, lớn lên trong thời hậu chiến, tôi như được “tiếp lửa” khi gặp các bậc lão thành cách mạng – những người vào sinh ra tử trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, là những nhân chứng về lịch sử hào hùng của dân tộc một thời. Đó là các bậc lão thành cách mạng mà tên tuổi gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của quân và dân Đắk Lắk như các đồng chí Huỳnh Văn Cần, Ama H’Oanh, Lê Chí Quyết, Thiếu tướng Y Blốk Êban, cùng những chiến công và kho tư liệu sống về lịch sử của một thời gian khổ, đốt cỏ tranh làm muối, ăn củ mài để sống, hoạt động cách mạng. Đó là Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 - người gắn liền với nhiều công trình mang tầm chiến lược như con đường 21, 14, thủy điện Dray H’linh, đường dây 500 KV Bắc – Nam. Đó là bác Huỳnh Ngọc Mai với dấu ấn sự tra tấn tàn ác tại nhà tù Côn Đảo năm xưa; bác Y Ter Niê – người chiến sĩ giao bưu một thời đã không quản băng rừng, lội suối giữa đêm mưa gió để vận chuyển thư từ, dẫn đường cho anh em cán bộ không biết mệt mỏi. Đó là người cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi với những kỷ niệm của ngày tháng tham gia mở đường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa... Từng câu chuyện kể, chân dung của các bậc lão thành cách mạng, những người cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong được tôi mãi lưu giữ trong hành trang tâm tưởng của mình...

Được may mắn làm công việc yêu thích, tầm mắt được mở rộng, vốn kiến thức được bổ sung, tình người cũng được bồi đắp... là khối “tài sản” lớn lao mà nghề báo mang lại. Và tôi vẫn đang tích góp “tài sản” ấy trong cuộc hành trình với cái nghề mà mình đam mê và theo đuổi.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc