Multimedia Đọc Báo in

Gương sáng tuổi trẻ

11:45, 24/01/2016

Tuy mỗi người một lĩnh vực hoạt động, công tác, nhưng họ đều là những thanh niên gương mẫu, đầy năng động, sáng tạo, luôn tích cực học tập, lao động và phấn đấu không ngừng để góp sức trẻ xây dựng quê hương giàu mạnh.

Nữ cán bộ trẻ năng động, sáng tạo

Sinh năm 1982, chị Hoàng Thị Tâm được biết đến là một Phó Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chính – Quản trị tại Văn phòng UBND tỉnh đầy năng động, sáng tạo cả trong công việc chuyên môn và các hoạt động đoàn thể.

Chị Hoàng Thị Tâm (ngoài cùng bên phải) trao đổi công việc với đồng nghiệp.
Chị Hoàng Thị Tâm (ngoài cùng bên phải) trao đổi công việc với đồng nghiệp.

Văn phòng UBND tỉnh là nơi tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính, trước hết là thủ tục tiếp nhận và giải quyết công việc của tổ chức và công dân theo quy định của pháp luật. Với mong muốn đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng để kịp thời xử lý công việc, chị Tâm đã cùng với các đồng nghiệp chủ động tìm tòi, vận dụng khoa học kỹ thuật vào thực hiện nhiệm vụ. Nổi bật nhất là việc phối hợp với các phòng chuyên môn tham mưu xây dựng quy trình thực hiện, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (TCVN ISO 9001:2008) đối với 18 thủ tục trên 6 lĩnh vực (tổng hợp, nội chính, văn hóa – xã hội, tài chính – thương mại, công nghiệp, nông nghiệp – môi trường) và tham gia đưa các ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai phần mềm quản lý hồ sơ công việc tại văn phòng. Qua đó, hồ sơ, thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng thời hạn quy định, góp phần giảm thiểu tình trạng cá nhân, tổ chức phải đi lại nhiều lần; tăng cường cơ chế giám sát hoạt động của cơ quan hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính, góp phần thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ lãnh đạo UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, chị Tâm còn bảo đảm nguyên tắc vật tư, văn phòng phẩm và tài sản khi mua đạt chất lượng cao, giá cả hợp lý, đồng thời tham mưu đưa những văn bản hướng dẫn, văn bản kèm lên Trang Thông tin điện tử văn phòng giúp giảm chi phí in ấn và bảo quản máy móc. Nhờ vậy, chỉ trong 2 năm 2013 và 2014, chị đã giúp cơ quan tiết kiệm hơn 670 triệu đồng.

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, chị Tâm còn tích cực trong các hoạt động đoàn thể. Gần đây nhất chị cùng đội thi của đơn vị tham gia Hội thi “Cán bộ công chức và trách nhiệm thực thi công vụ” do Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức và đoạt giải 3 chung cuộc. Hơn 10 năm công tác tại đơn vị, với nỗ lực vươn lên trong công việc, chị Tâm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhận Bằng khen của UBND tỉnh và Kỷ niệm chương của Văn phòng Chính phủ. Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, chị là đại diện duy nhất của tỉnh được nhận Giải thưởng cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Chàng trai đam mê khoa học kỹ thuật

Sinh ra trong gia đình nông dân nhưng ngay từ nhỏ anh Nguyễn Thanh Hải đã luôn say mê nghiên cứu các đồ dùng điện tử trong gia đình. Với sáng chế tắt thiết bị điện dân dụng bằng điện thoại di động, nhóm sáng chế của anh đã đoạt giải Khuyến khích tại Hội thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ V, năm 2014-2015.

Anh Nguyễn Thanh Hải với mô hình tắt thiết bị  điện dân dụng bằng điện thoại di động.
Anh Nguyễn Thanh Hải với mô hình tắt thiết bị điện dân dụng bằng điện thoại di động.

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, năm 2010, anh Hải nhận công tác tại Hội Nông dân tỉnh. Có công việc ổn định, anh Hải lại càng khát khao theo đuổi niềm đam mê là nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật. Anh Hải cho biết, đề tài này được anh lấy ý tưởng từ cuộc sống, xuất phát từ việc một số cá nhân thường quên tắt các thiết bị điện trong gia đình, cơ quan hay khi đi ra ngoài không nhớ rõ là đã tắt các thiết bị điện hay chưa, gây lãng phí và mất thời gian quay lại kiểm tra. Từ đó, anh nghĩ ngay đến chiếc điện thoại, đến sóng điện từ mà điện thoại phát ra và cách sử dụng nó để điều khiển hoạt động của thiết bị điện từ xa. Nghĩ là làm, anh Hải mời thêm 3 người bạn có chung niềm đam mê cùng thực hiện. Chọn được ý tưởng đã khó, triển khai ý tưởng còn nhiều gian nan hơn. Ban đầu, anh Hải cùng các bạn phải đầu tư nhiều thời gian để lên ý tưởng xây dựng đề tài. Về mặt lý thuyết, có thể thấy vấn đề này không mấy phức tạp nhưng khi bước vào thực hiện lại gặp rất nhiều khó khăn, vì đây là việc làm khá mới mẻ, ít tài liệu tham khảo, đặc biệt là phải am hiểu và có kiến thức chuyên sâu về điện tử.

Sau nhiều lần nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm đã thành công trong việc sử dụng điện thoại di động để điều khiển bật, tắt hệ thống điện dân dụng trong gia đình, cơ quan với chi phí thấp, không giới hạn khoảng cách. Sản phẩm này giúp tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian, hơn nữa trong trường hợp xảy ra cháy nổ thì việc tắt hệ thống điện sẽ được điều khiển bằng điện thoại, không phải trực tiếp ngắt cầu dao, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Sự thành công của để tài là động lực thúc đẩy niềm đam mê sáng tạo của chàng thanh niên Nguyễn Thanh Hải. Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Hải cho biết: “Mình cùng nhóm bạn đang lên kế hoạch nghiên cứu các giải pháp sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. Hy vọng ứng dụng của đề tài sẽ góp phần tiết kiệm thời gian, giảm chi phí về kinh tế trong các hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.