Multimedia Đọc Báo in

Một thời "khổ mà vui"

14:49, 15/01/2016
Có thể nói sau 40 năm, Báo Đắk Lắk đã có một bước tiến rất dài; tuy nhiên những trải nghiệm một thời "chập chững" là những viên gạch nhỏ xây nên nền móng vững chắc hôm nay.
 
Xuất thân từ nghề giáo, tôi tham gia cộng tác với Báo Đắk Lắk từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước; và sau hai năm cộng tác, năm 1984 tôi được chuyển về Báo.
Trực tiếp phụ trách Báo lúc đó là bác Nguyễn Văn Nhị (đã mất), từng làm báo ở chiến trường B3 thời kháng chiến chống Mỹ; và một số anh chị tốt nghiệp những khóa đầu của Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí – Tuyên truyền) như anh Trần Toại, Thư ký tòa soạn (đã mất), chị Minh Thuận (Trưởng Phòng Biên tập) đã nghỉ hưu với chức danh Phó Tổng Biên tập được vài năm nay… Thật khó nói hết những gì đáng nhớ về một chặng đường mấy chục năm làm báo. Tuy nhiên, nhiều người cùng thời khi hồi tưởng về những ngày đã qua ấy đều có chung một suy nghĩ: "Thời ấy khổ thật nhưng mà vui".
Phóng viên Báo Đắk Lắk đang làm việc tại Tòa soạn. Ảnh: Hoa Nguyên
Phóng viên Báo Đắk Lắk đang làm việc tại Tòa soạn. Ảnh: Hoa Nguyên

Khổ, vì là thời bao cấp, hầu hết mọi người, mọi ngành chứ không riêng gì nghề báo; và thời ấy hầu hết mọi người đều ở tập thể cơ quan (nên vui!). Nhưng khổ nhất có lẽ là chuyện đi công tác cơ sở. Đường về các huyện những năm 80-90 bị xe gỗ cày nát, mưa lầy nắng bụi. Khổ nhất là đi huyện Ea Súp, đường ổ voi ổ trâu, bụi mù, khách đông nhồi nhét nên rất dễ say xe; nhiều người có "sáng kiến" leo lên nóc ngồi cho thoải mái nên tuyến đường này có "xe hai tầng, người hai lớp". Đó là chỉ mới tới trung tâm huyện, còn về các xã thì mượn xe đạp, hoặc... cuốc bộ. Cũng vì đi lại khó khăn nên nhiều phóng viên đi cơ sở hàng 2-3 tuần, có khi hơn 1 tháng mới về Tòa soạn; có tin tức bài vở thì gửi trước theo xe đò về cơ quan; thậm chí viết cả bài dài kỳ rồi gửi về dần. Và cũng vì ở lâu với dân nên phản ánh được nhiều chuyện bức xúc ở cơ sở. Lâu dần thành quen, phóng viên đi cơ sở như trở về thăm bà con, người thân. Cơ sở cung cấp cho phóng viên nhiều thông tin hay để hình thành đề tài, sau đó mới đến cơ quan chức năng khai thác tư liệu. Phóng viên về viết bài nhanh để kịp ra báo, ngoài lý do thực hiện chỉ tiêu định mức còn có sự chờ đợi của cơ sở. Những năm 80-90, các báo ngành, trung ương còn ít, nên Báo Đắk Lắk được cơ sở đón nhận rất nhiệt tình.

Làm báo thời bao cấp không thể thiếu mảng tuyên truyền nhân tố điển hình tiên tiến. Đó là huyện điểm Krông Pắc với xã điểm Ea Phê và doanh nghiệp là nông trường Phước An. Là Nông trường Cà phê Đức Lập (huyện Đắk Mil - nay thuộc Đắk Nông) và nữ Anh hùng Lao động Hoàng Thị Tuất. Là Tiểu đoàn 303 Anh hùng; Lâm trường Rừng Xanh Anh hùng (Liên hiệp Lâm nông công nghiệp Ea Súp); Nông trường Cà phê 715 (Liên hiệp Cà phê 333); Sư đoàn 470 Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động… Ngành giáo dục thì có phong trào "ngói hóa" do cố Nhà giáo Ưu tú Hồ Đình Phương khởi xướng. Hồi đó các Liên hiệp Cà phê Việt – Đức, Liên hiệp Cà phê 333, Liên hiệp Lâm nông công nghiệp Ea Súp là những đơn vị có tiềm lực kinh tế mạnh, đang ở thời “hoàng kim”, có tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu, định canh định cư, kinh tế mới... nên hoạt động báo chí về lĩnh vực kinh tế nông lâm rất sôi động. Đây là mảng đề tài được Báo đề cập khá thường xuyên và có tác dụng động viên phong trào thi đua rất lớn. (Và đương nhiên, các phóng viên được các cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp). Nhân đây cũng nhắc đến một "điển hình" gây đình đám thời bấy giờ, đó là một đơn vị chế biến nông sản thực phẩm. Đơn vị này nổi bật lên với hình thức bên ngoài là khuôn viên được trồng nhiều cây ăn trái cao cấp; còn hội trường được trang trí "sơn son thếp vàng". Tuy nhiên, Báo đã mạnh dạn và kiên quyết trong việc phản ánh một vụ việc thiếu dân chủ, xâm phạm quyền lợi của công nhân xảy ra tại xí nghiệp này. Một thời gian sau đó điển hình này bị "đổ" vì chưa "chín", chỉ dừng lại ở mức hình thức.

Mảng đề tài Bạn đọc – Pháp luật cũng được Báo quan tâm và phản ánh khá sôi nổi. Có một nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề của thời bao cấp, sự thiếu hoàn thiện về hệ thống pháp luật; hoạt động của nhiều cơ quan pháp luật thiếu bài bản, nền nếp; hoạt động trợ giúp pháp lý Nhà nước chưa hình thành nên có thời kỳ người dân khiếu nại đến Báo rất nhiều, đặc biệt là từ sau “đổi mới”. Ban đầu Báo thông tin kịp thời nội dung khiếu nại của người dân; về sau phóng viên tự tìm hiểu, học hỏi để vừa tư vấn cho người dân tuân thủ trình tự quy định của pháp luật, vừa điều tra viết bài thể hiện chính kiến trên mục Pháp luật – Đời sống. Vừa làm vừa học, nhận thức pháp luật của phóng viên ngày càng nâng cao. Nhiều vụ việc Báo bám sát theo dõi đến khi kết thúc để thông tin đầy đủ cho bạn đọc. Nhiều vụ án Báo thông tin công khai, và trong một chừng mực nào đó đã góp phần đem lại công bằng cho người bị oan sai. Đây cũng chính là mảng đề tài yêu cầu phóng viên phải tự học hỏi rất nhiều mới có đủ kiến thức để “giải mã” một vụ việc – và như vậy phóng viên sẽ trưởng thành rất nhanh. Về sau này, có một “sự kiện” có lẽ lâu lắm mới gặp lại, đó là từ yêu cầu, đòi hỏi của bạn đọc, Báo đã mạnh dạn tổ chức thực hiện loạt phóng sự dài kỳ (Căn bệnh trầm kha...) được độc giả chờ đợi mỗi khi báo phát hành. Tuy còn có nhiều điều cần rút bài học kinh nghiệm nhưng phải khẳng định loạt bài phóng sự đó là một “điểm nhấn” quan trọng thể hiện tính chiến đấu của tờ báo. Còn có một "điểm nhấn" nữa không thể không nhắc đến, đó là việc phản biện một dự dịnh xây tượng đài. Hồi đó việc xây tượng đài rất mới mẻ, người ta không lưu ý đến những hệ lụy sau khi xây dựng một công trình; vì thế nên đã có "ý tưởng" giải tỏa Đài tưởng niệm liệt sỹ tỉnh (đối diện với Di tích Biệt Điện Bảo Đại) để xây dựng một tượng đài. Với tinh thần tri ân "uống nước nhớ nguồn", Báo đã mạnh dạn nêu ý kiến phản biện của một số đồng chí cán bộ hưu trí. Về sau công trình tượng đài đã tìm được một vị trí tương xứng, phù hợp.

Có thể nói sau 40 năm, Báo Đắk Lắk đã có một bước tiến rất dài; tuy nhiên những trải nghiệm một thời "chập chững" là những viên gạch nhỏ xây nên nền móng vững chắc hôm nay. Những người làm báo luôn ghi nhớ sự ủng hộ của độc giả đã để tờ báo làm tròn trách nhiệm mà Đảng và nhân dân giao phó, cũng như đưa tờ báo ngày càng đến gần hơn với công chúng độc giả.

                                                  Thế Nhân


Ý kiến bạn đọc