Những cộng sự thân thiết
Tháng 4-2014, trên Báo Đắk Lắk đăng tải loạt bài viết về những vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh của “thầy lang” Phương ở thôn 4, xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo). Cách chữa bệnh của “thầy” Phương rất kỳ dị: dùng gót chân nhúng vào bát đựng gừng giã nhỏ trộn rượu và hơ chân trên bếp than cho nóng rồi đạp vào những người bệnh đang nằm dài dưới nền nhà, “đau chỗ nào đạp chỗ đó”. Phương pháp này được quảng cáo là có thể chữa... bá bệnh. Bài báo mô tả chi tiết cảnh khám chữa bệnh ở phòng khám kèm theo những hình ảnh rất “đắt”. Để có được những hình ảnh này, phóng viên của báo phải đóng giả làm người bệnh và trải nghiệm cảm giác được “thầy” đạp chân để chữa trị. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, để có thể hoàn thành bài viết, phóng viên Báo Đắk Lắk đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của một cộng tác viên thân thiết tại địa phương là anh Ngọc Tài. Chính anh là người đã phản ánh thông tin cho tòa soạn về trường hợp vi phạm này, đưa phóng viên đến tận nơi và liên lạc để giúp phóng viên làm việc với cơ quan chức năng địa phương. Có “thâm niên” hàng chục năm cộng tác với Báo Đắk Lắk, Ngọc Tài thường “sát cánh” với phóng viên thực hiện những tin, bài phản ánh sâu về những đề tài “nóng” ở địa phương.
Trên Báo Đắk Lắk vừa qua có những bài viết phản ánh về những bất cập trong công tác xuất khẩu lao động của tỉnh, được nhiều bạn đọc quan tâm như: “Hoạt động xuất khẩu lao động: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ”, “Người lao động Đắk Lắk đi làm việc tại nước ngoài: “Nóng” tình trạng bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp”... Đồng tác giả của những bài viết ấy là chị Phan Thị Bích Phương, nữ chuyên viên đang công tác tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Trực tiếp theo dõi mảng xuất khẩu lao động, chị Bích Phương nhận thấy đây là một lĩnh vực mà Đắk Lắk rất có tiềm năng bởi nguồn lao động dồi dào, nếu phát triển tốt thì sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân và mang lại nguồn ngoại tệ dồi dào cho địa phương. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng người lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp dẫn đến nhiều rủi ro cho chính người lao động, khó khăn trong quản lý của cơ quan chức năng... Trăn trở với những vấn đề ấy, chị đã phối hợp cùng với phóng viên Báo Đắk Lắk thực hiện những bài viết chuyên sâu, phân tích kỹ nguyên nhân với mong muốn bạn đọc, đặc biệt là người lao động, hiểu kỹ hơn về xuất khẩu lao động.
Rất nhiều cộng tác viên của Báo Đắk Lắk ở các địa phương, sở ngành, đơn vị đã trở thành địa chỉ tin cậy của phóng viên khi về địa phương, đơn vị đó làm việc. Họ thực sự là một “cầu nối” của phóng viên với cơ sở. Rất nhiều bài viết, dù không đứng tên đồng tác giả, nhưng các cộng tác viên ấy đã góp sức rất lớn để hỗ trợ phóng viên hoàn thành nhiệm vụ. Hai phóng viên Đàm Thuần và Hồng Thủy vẫn nhớ mãi sự giúp đỡ nhiệt tình của cộng tác viên Mai Viết Tăng (huyện Krông Bông) và Phan Ba (huyện Ea Súp) trong các chuyến đi thực tế viết bài cho số báo Tết Bính Thân. Không chỉ cung cấp thông tin, liên lạc với nhân vật ở địa phương giúp phóng viên, hai anh Mai Viết Tăng và Phan Ba còn dành nhiều thời gian để đưa các phóng viên đến tận nơi, cùng gặp và phỏng vấn nhân vật, luôn sẵn sàng và nhiệt tình dù làm việc “thông tầm” cùng phóng viên. Tương tự như vậy, anh Nguyễn Hồng Khanh, một cộng tác viên của Báo Đắk Lắk hiện đang công tác tại HĐND xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) đã dành hẳn một ngày để dẫn phóng viên đi khắp các con đường trong Giáo xứ Kim Phát, Đông Sơn, gặp gỡ người dân và các chức sắc tôn giáo để tìm hiểu, viết bài về phong trào đóng góp làm đường bê tông ở địa phương. Bản thân anh Hồng Khanh cũng là tác giả của nhiều tin, bài về xây dựng nông thôn mới ở xã Hòa Hiệp và huyện Cư Kuin. Anh bảo rằng mình chỉ góp chút sức để giúp những thông tin ở địa phương đến gần hơn với bạn đọc báo tỉnh, cổ vũ và nhân rộng hơn những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Hay như cộng tác viên Tùng Lâm, với vai trò là Hiệu trưởng một ngôi trường vùng sâu huyện Krông Bông, đã cử người chở phóng viên đến tận những điểm trường chênh vênh trên dốc Cổng trời để có những tư liệu “đắt” cho bài viết về sự học vùng sâu. Đó còn là cộng tác viên Công Phong, công tác tại Đài truyền thanh truyền hình huyện Cư M’gar, luôn dành thời gian đi thực tế cùng khi có phóng viên của Báo về địa phương công tác, thậm chí còn gợi ý thêm đề tài về các vấn đề mà dư luận ở địa phương đang quan tâm.
Niềm say mê nghề báo, “chất” phóng viên luôn “cháy” trong các cộng tác viên Báo Đắk Lắk, dù có thể họ không phải là người chuyên nghề viết. Họ luôn được xem như đại diện thường trực, những cánh tay thân thiết của Báo Đắk Lắk ở cơ sở.
Hải Như
Ý kiến bạn đọc