Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong xây dựng nông thôn mới

09:48, 19/01/2016
Thôn An Phú (xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar) có 218 hộ với 830 nhân khẩu, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên việc vận động người dân tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới là điều không hề dễ dàng.

Để người dân hiểu và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, Chi bộ thôn An Phú đã chỉ đạo các cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào. Từ sự nêu gương, nói đi đôi với làm của các cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thôn đã tin tưởng và tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới, nhất là góp công, góp sức làm đường giao thông nông thôn.

Con đường xóm 2 ở thôn An Phú, xã Ea Đrơng.
Con đường xóm 2 ở thôn An Phú, xã Ea Đrơng.

Trước đây, tuyến đường dài 400 m ở xóm 2, thôn An Phú bị xuống cấp nghiêm trọng khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào những hôm trời mưa. Chi bộ, Ban tự quản thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đóng góp sửa chữa, nâng cấp lại con đường. Nhờ sự đồng thuận hưởng ứng của bà con, tuyến đường đã được thi công nâng cấp khẩn trương và hoàn thành chỉ trong 4 ngày, hai bên đường còn được kè mương kiên cố với trị giá hơn 80 triệu đồng. Bà con còn đóng góp kinh phí kéo điện chiếu sáng tuyến đường vào ban đêm. Điều đáng biểu dương là trong số các hộ dân đóng góp có nhiều hộ thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn nhiệt tình tham gia đóng góp… Ông Phan Xuân Bình, một người dân đồng thời là đảng viên Chi bộ thôn sống trên tuyến đường vui vẻ nói: “Ngày trước, cứ vào những hôm trời mưa là con đường trở nên lầy lội không đi được. Khi mới vận động, nhiều hộ cho rằng đường sá là do Nhà nước làm, sau sẽ được nâng cấp, sửa chữa; đóng góp rất khó vì điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn. Các cán bộ, đảng viên sinh sống trên tuyến đường này gương mẫu đóng góp trước, rồi đến tận các hộ để tuyên truyền, vận động, thuyết phục cho bà con hiểu rằng việc nâng cấp, sửa chữa con đường là phục vụ chính lợi ích của mình, đường đi thuận lợi thì vận chuyển nông sản mới thuận lợi, mới có điều kiện phát triển kinh tế. Khi bà con đã đồng thuận thì họ tham gia rất nhiệt tình, có nhà dù mặt tiền nằm ở con đường khác nhưng vẫn đóng góp”.

Từ thành công của con đường ở xóm 2, việc nâng cấp các tuyến đường đã trở thành phong trào và phát triển rộng khắp trong thôn An Phú. Tính đến nay, các con đường đất trong thôn đều đã được nâng cấp bằng việc đổ đá dăm và kè mương kiên cố hai bên đường, với chiều dài 4 km, tổng trị giá 400 triệu đồng và 350 ngày công lao động. Những con đường này đều được thi công và hoàn thành trong thời gian rất ngắn... Ông Nguyễn Trần Toàn, Bí thư Chi bộ thôn An Phú cho biết: “Khi triển khai sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường, Chi bộ thôn giao nhiệm vụ cho các cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu thực hiện góp tiền trước rồi vận động gia đình, bà con trên trục đường đó tham gia… Thấy con đường đầu tiên được nâng cấp sạch đẹp, đi lại dễ dàng, bà con ở các tuyến đường khác đã làm theo. Kết quả là thôn An Phú đến nay không còn đường đất nữa”.

Thôn An Phú cũng là một trong những địa phương tiêu biểu ở xã Ea Đrơng về việc vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.