Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức cho nạn nhân chất độc da cam

09:48, 19/01/2016

Với các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, khám sàng lọc bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe tại nhà…, Dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh Tây Nguyên và Tây Ninh năm 2015” triển khai tại huyện Buôn Đôn và Cư M’gar đã tiếp thêm nguồn lực giúp hộ nghèo, gia đình có nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.

Vốn đã là hộ nghèo, gia cảnh của chị Hồ Thị Thủy ở thôn 6 (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) càng thêm túng quẫn khi chị phát hiện mình bị bệnh hở van tim, thiếu máu não, thường xuyên phải đi bệnh viện cấp cứu. Không những vậy, anh Huỳnh Văn Vện – chồng chị cũng bị bệnh hiểm nghèo, chạy chữa khá tốn kém. Con trai út lại bị câm, điếc bẩm sinh, sức khỏe yếu cần có bàn tay chăm sóc của mẹ. Cuộc sống của gia đình chị trông chờ cả vào gian hàng tạp hóa nhỏ nên luôn thiếu trước hụt sau. Cảm thông, chia sẻ trước hoàn cảnh đó, năm 2015, Dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh Tây Nguyên và Tây Ninh năm 2015” đã hỗ trợ gia đình chị 5,5 triệu đồng mua con giống và làm chuồng chăn nuôi. Chị Thủy cho biết: “Lâu nay gia đình cũng chăn nuôi ít heo, gà kiếm thêm thu nhập nhưng chưa dám nghĩ đến chuyện nuôi bò vì cần số vốn lớn. Cũng may nhờ dự án hỗ trợ, chúng tôi đã mạnh dạn vay mượn thêm 6 triệu đồng mua bò giống. Hy vọng việc chăn nuôi này sẽ ngày càng phát triển giúp gia đình có thêm điều kiện chăm lo cho các con”.

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ các cấp thăm hỏi việc phát triển chăn nuôi  của gia đình chị Hồ Thị Thủy.
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ các cấp thăm hỏi việc phát triển chăn nuôi của gia đình chị Hồ Thị Thủy.

Ngay từ khi sinh ra, chị Nông Thị Vân (dân tộc Tày) ở buôn Ea Prí (xã Ea Wer) đã bị gù lưng, sức khỏe yếu, chỉ làm được việc nhẹ. Không có nương rẫy, chồng chị phải bươn chải làm thuê khắp mọi nơi để trang trải chi phí sinh hoạt và lo cho 3 con ăn học. Do không có vốn nên chị chỉ mua được vài chục con gà, ngan giống về nuôi để cải thiện bữa cơm gia đình. Tháng 8 - 2015, gia đình chị được dự án hỗ trợ 5,5 triệu đồng; chị vay mượn thêm 3 triệu đồng đầu tư nuôi heo. “Qua Tết tôi sẽ xuất bán lứa heo đầu tiên lấy tiền trả nợ và mua thêm heo giống để nuôi. Tôi chỉ mong sao đàn heo không bị dịch bệnh, giá cả ổn định để có điều kiện sửa lại căn nhà cho bớt dột nát”, chị Vân bộc bạch.

Gia đình chị Thủy, chị Vân chỉ là hai trong số 65 hộ trên địa bàn huyện Buôn Đôn được hưởng lợi từ dự án. Anh Nguyễn Hữu Vinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 200 đối tượng người khuyết tật, nạn nhân và người nghi nhiễm chất độc da cam thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt. Thời gian qua, các đối tượng trên cũng đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chương trình, dự án nhưng nhìn chung cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn. Với dự án này, các đối tượng được xét chọn tham gia đã được hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe góp phần giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. 

Để triển khai dự án đạt hiệu quả cao, sau khi xét chọn, kiểm tra, xác định đúng đối tượng hưởng lợi, Ban quản lý dự án đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh tổ chức khám sàng lọc cho 205 đối tượng nghi nhiễm chất độc da cam của 2 huyện Cư M’gar và Buôn Đôn. Qua đó đã hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình cho 11 nạn nhân, phục hồi chức năng cho 37 nạn nhân. Những nạn nhân nặng không có khả năng tự phục vụ được hướng dẫn chăm sóc tại nhà và cấp vật dụng trợ giúp. Để giúp các hộ có điều kiện vươn lên, dự án còn hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi. Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ 5,5 triệu đồng, hộ cận nghèo 4,4 triệu đồng vốn mua con giống và làm chuồng trại, đồng thời mỗi hộ đối ứng thêm từ 2 triệu đồng trở lên. Ông Lê Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Ban quản lý dự án thống nhất giao cho hộ hưởng lợi tự tìm, chọn mua con giống và có sự kiểm tra, hỗ trợ của thú y huyện, xã về tiêm phòng bệnh, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ cách làm công khai, dân chủ, 150 hộ được hưởng lợi từ dự án đều phấn khởi, tin tưởng; ngoài nguồn vốn được cấp hơn 813 triệu đồng, các hộ đã đầu tư thêm 655 triệu đồng để phát triển chăn nuôi bò, heo, dê và làm nghề.

Với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,9 tỷ đồng, trong đó, vốn của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cấp hơn 1,26 tỷ đồng, Dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh Tây Nguyên và Tây Ninh năm 2015” tại huyện Cư M’gar và Buôn Đôn đã tạo “đòn bẩy” giúp các gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có đối tượng nghi nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật vơi bớt khó khăn. Điều đáng nói, ngoài hai địa phương kể trên cũng đã có hàng nghìn đối tượng thuộc các huyện: Ea Súp, Lắk, Krông Bông, M’Đrắk, Krông Búk, Ea Kar nhận được sự hỗ trợ của dự án, vươn lên ổn định cuộc sống.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.