Multimedia Đọc Báo in

Rực cháy ngọn lửa đam mê sáng tạo

08:40, 16/01/2016

Tâm huyết với nghề và đam mê nghiên cứu khoa học là động lực thúc đẩy những người thầy, người thợ không ngừng tìm tòi, sáng chế ra những thiết bị hữu ích, tô thắm cho mỗi mùa Xuân thêm sắc hương.

Kỹ sư trẻ đam mê sáng tạo

Tối ưu hóa quá trình vận hành hệ thống lạnh, giảm chi phí vận hành, tiêu hao điện năng và lượng Glycol cần bổ sung… là những lợi ích thiết thực của giải pháp “Cải tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống lạnh” của kỹ sư trẻ Huỳnh Thanh Vương đã đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV năm 2013 và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2014.

Kỹ sư trẻ Huỳnh Thanh Vương kiểm tra hoạt động  của hệ thống máy nén lạnh.
Kỹ sư trẻ Huỳnh Thanh Vương kiểm tra hoạt động của hệ thống máy nén lạnh.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, năm 2009, kỹ sư trẻ Huỳnh Thanh Vương (SN 1984) được nhận vào làm ở Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung. Là trưởng ca sản xuất của phân xưởng động lực và trực tiếp vận hành hệ thống lạnh, anh nhận thấy hoạt động của nó còn một số bất cập gây tốn kém chi phí đầu vào và ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Với trách nhiệm của trưởng ca và kỹ sư, anh Vương luôn trăn trở làm thế nào để xây dựng lại quy trình vận hành hệ thống phù hợp với yêu cầu sản xuất. Sau khi nghiên cứu, khảo sát kỹ cấu tạo, nguyên lý hoạt động, anh đã đưa ra giải pháp “Cải tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống lạnh”, lên bản vẽ thiết kế và cùng một đồng nghiệp tiến hành thi công. Nhờ vậy, khả năng trữ lạnh của hệ thống tăng lên, giúp nhà máy chủ động trong quá trình vận hành, đáp ứng nhu cầu sản xuất, giảm chi phí đầu tư. Điều đáng nói, từ khi giải pháp hoàn thiện và được ứng dụng vào sản xuất (tháng 8-2012) đến nay đã làm lợi cho công ty trên 500 triệu đồng/năm.

Với kiến thức và kỹ năng của mình, anh Vương còn trực tiếp lập phương án triển khai, thi công các ý tưởng sáng tạo của nhiều đồng nghiệp trong công ty như các giải pháp: “Tận thu dịch đường sản xuất rượu”, “Nâng cao công suất dây chuyền sản xuất sữa bắp Bazan”, “Nâng cao công suất dây chuyền chiết”… đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất và được lãnh đạo công ty đánh giá cao.

Lấy ý tưởng sáng tạo từ thực tiễn giảng dạy

Hơn 15 năm gắn bó với bộ môn Điện công nghiệp và dân dụng, thầy Trần Văn Dũng (Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk) không chỉ là giáo viên dạy giỏi, giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi mà còn tiếp thêm ngọn lửa đam mê sáng tạo khoa học cho đồng nghiệp, sinh viên nhà trường.

Thầy Trần Văn Dũng giới thiệu thiết bị “Bàn thực hành trang bị điện mạch điện máy mài mặt phẳng”.
Thầy Trần Văn Dũng giới thiệu thiết bị “Bàn thực hành trang bị điện mạch điện máy mài mặt phẳng”.

Với trách nhiệm của một giáo viên, thầy Dũng luôn trăn trở phải làm sao để học sinh, sinh viên tiếp cận được phương thức giáo dục tiến bộ, hiệu quả qua những bài giảng sinh động, dễ hiểu, học đi đôi với hành chứ không chỉ là lý thuyết suông nhằm rèn luyện kỹ năng, tay nghề, ứng dụng vào thực tiễn khi ra trường. Từ đó, cùng với sự khuyến khích, hỗ trợ về kinh phí và tinh thần từ phía nhà trường đã tạo động lực thúc đẩy thầy nghiên cứu, sáng tạo ra những thiết bị dạy nghề tự làm hiệu quả. Và mới đây nhất, thiết bị “Bàn thực hành trang bị điện mạch điện máy mài mặt phẳng” của thầy và một đồng nghiệp đã đoạt giải Nhất tại Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm của tỉnh năm 2015. Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo thiết bị này, thầy Dũng cho biết: “Xuất phát từ thực tế giảng dạy do thiếu thiết bị, mô hình học cụ nên các học viên chỉ được học lý thuyết và mô phỏng trên máy vi tính các chuyển động của máy. Vì vậy, chúng tôi đã chế tạo ra thiết bị này nhằm giúp học sinh, sinh viên thuận lợi hơn khi thực hành các bài tập liên quan đến điện mạch, điện máy, thành thạo các kỹ năng để áp dụng vào sản xuất tại doanh nghiệp”. Thiết bị có thiết kế gọn, đơn giản, giúp học sinh dễ dàng thực hiện các thao tác đấu nối, vận hành, sửa chữa các chi tiết. Hơn nữa, các nguyên vật liệu của thiết bị đều dễ tìm mua, lắp đặt. Để mua một thiết bị cùng loại phục vụ giảng dạy, nhà trường phải đầu tư từ 300 - 500 triệu đồng nhưng với mô hình này chỉ tốn khoảng 20 triệu đồng mà hiệu quả rất thiết thực. Điều đáng nói, trong quá trình công tác, giảng dạy, thầy Dũng đã sáng tạo nhiều thiết bị hữu ích khác. Chẳng hạn như “Bàn thực hành PLC – Trang bị điện đa năng” đã đoạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV năm 2013, đoạt giải Ba tại Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ IV năm 2013 và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo năm 2014. Hay với mô hình “Máy bơm nước tự động”, thầy Dũng đã được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia năm 2005.

Thạc sĩ Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng nhà trường đánh giá: “Thầy Trần Văn Dũng là một trong những người có nhiều đóng góp cho hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật của nhà trường. Các mô hình, thiết bị được sáng chế đã hỗ trợ cho công tác giảng dạy của các trường nghề trong và ngoài tỉnh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, của tỉnh. Hơn nữa, thầy cùng tập thể giáo viên nhà trường đã tiếp thêm ngọn lửa đam mê sáng tạo cho các thế hệ học sinh, sinh viên, giúp các em thêm vững tin tham gia các hội thi tay nghề và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp”.

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc