Thực hiện chính sách hỗ trợ cho người công tác trong cơ sở y tế đặc thù: Còn những băn khoăn...
Ngày 20-12-2013, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 106 về thực hiện một số chế độ chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với viên chức đang công tác trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2018, trong đó quy định rõ mức hỗ trợ đối với bác sĩ công tác tại các đơn vị chuyên khoa Lao, Phong, Pháp y, Tâm thần, HIV/AIDS. Qua 2 năm thực hiện, những chính sách này đã phần nào động viên các bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế đặc thù, song bên cạnh đó cũng còn không ít băn khoăn…
Chỉ bác sĩ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ
Bước chân vào Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, ai cũng dễ nhận thấy một điểm khác biệt với những bệnh viện khác trên địa bàn tỉnh là không có cảnh đông người ra vào thăm hỏi người bệnh nhân. Bệnh viện này là nơi tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh về lao, phổi, dễ lây nhiễm nên chuyện ít người ra vào âu cũng là điều dễ hiểu. Hằng ngày, chỉ có các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên của bệnh viện cần mẫn với việc chăm sóc bệnh nhân. Và sự cố gắng, nỗ lực của họ cũng được ghi nhận khi năm 2013, Nghị quyết 106 của HĐND tỉnh ra đời với những ưu đãi, hỗ trợ đối với viên chức công tác trong lĩnh vực y tế, trong đó có các đơn vị y tế đặc thù. Cụ thể: trợ cấp lần đầu bằng 15 lần lương cơ sở đối với bác sĩ mới nhận công tác tại các đơn vị chuyên khoa Lao, Phong, Pháp y, Tâm thần, HIV/AIDS; hỗ trợ hằng tháng bằng 0,5 lần mức lương cơ sở cho bác sĩ công tác tại Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Pháp y, Bệnh viện Lao và bệnh phổi; khoa điều trị Phong Ea Na thuộc Trung tâm Da liễu; các khoa phòng trực tiếp khám điều trị HIV/AIDS thuộc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và bệnh viện có khoa điều trị HIV/AIDS. Chính sách này thể hiện sự quan tâm, động viên, tiếp sức cho đội ngũ những người công tác trong cơ sở y tế đặc thù, song, mới chỉ áp dụng cho một bộ phận viên chức y tế là bác sĩ. Điều này vô hình chung đã tạo khoảng cách rõ rệt giữa bác sĩ và những người khác đang làm việc trong cùng một đơn vị. Bác sĩ Rma Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh chia sẻ: “Bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện đa số là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nên với nhiều trường hợp bệnh viện còn phải xin nguồn hỗ trợ tiền viện phí, tiền ăn hằng ngày cho họ thì nói gì đến chuyện tăng thêm thu nhập cho anh em. Nguồn thu của cán bộ, viên chức trong đơn vị chỉ trông chờ vào lương chứ không có khoản thu nhập nào khác. Khi Nghị quyết 106 ra đời, chúng tôi rất vui vì đó là nguồn động viên, cổ vũ anh em tiếp tục gắn bó với nghề. Tuy nhiên, niềm vui ấy dường như chưa trọn vẹn vì cùng làm việc trong môi trường độc hại, lây nhiễm như nhau, nhưng mới chỉ có bác sĩ được quan tâm, còn những cán bộ, nhân viên khác như cử nhân xét nghiệm, xét nghiệm viên, dược sĩ đại học, dược sĩ trung cấp, điều dưỡng có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng, trung cấp… lại chưa được hưởng hỗ trợ".
Nội soi phế quản cho người bệnh tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. |
Cũng như vậy, Bệnh viện Tâm thần tỉnh hiện có 79 cán bộ, y bác sĩ và nhân viên, nhưng chỉ có 8 bác sĩ được thụ hưởng ưu đãi theo Nghị quyết 106. Theo bác sĩ Mai Đình Hà, Giám đốc Bệnh viện: “Số lượng bác sĩ hiện chỉ chiếm khoảng 10% nhân lực của bệnh viện thì được hưởng hỗ trợ hằng tháng, vô hình chung đã tạo sự xa cách giữa những người được hưởng với phần lớn những người không được hưởng và rất có thể dẫn đến những hạn chế trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ của đơn vị”.
Kinh phí đã thiếu lại càng eo hẹp
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 106, tại các cơ sở y tế đặc thù như Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần… còn phát sinh khó khăn về kinh phí chi trả hỗ trợ cho bác sĩ. Bởi, trên thực tế, kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 106 được tỉnh giao cho các đơn vị chi trả từ nguồn chi ngân sách thường xuyên của chính đơn vị mình. Trong khi đó, nguồn chi ngân sách của các đơn vị được khoán theo giường bệnh, không được bổ sung thêm kinh phí khiến cho các khoản chi của những đơn vị này bị rút giảm, phần nào đã ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn. Đơn cử như tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi, trong 2 năm 2014 và 2015, đơn vị này đã chi 51.750 nghìn đồng trợ cấp lần đầu cho bác sĩ mới nhận công tác và 193.775 nghìn đồng hỗ trợ hằng tháng cho các bác sĩ từ khoản chi thường xuyên của đơn vị.
Và để có được khoản kinh phí này, bệnh viện đã phải giảm bớt các khoản chi khác, việc đầu tư cho các lĩnh vực chuyên môn cũng nhỏ và ít đi. Bác sĩ Rma Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết thêm: “Đối với một bệnh viện truyền nhiễm như đơn vị chúng tôi, các lĩnh vực chuyên môn đều cần được đầu tư, đặc biệt là các vấn đề như bảo vệ nhân viên phòng chống bệnh nghề nghiệp, chống nhiễm khuẩn, chống lây chéo bệnh… Muốn đầu tư cần phải có kinh phí, nhưng làm thế nào để có kinh phí đầu tư hiệu quả khi mà chúng tôi phải gánh thêm khoản chi thực hiện Nghị quyết 106 luôn là vấn đề mà Ban Giám đốc thấy băn khoăn…”.
Được biết, mới đây trong đợt giám sát việc thực hiện Nghị quyết 106 tại các đơn vị y tế đặc thù nói trên, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh Võ Quang Tuyên đã chia sẻ những khó khăn mang tính đặc thù nghề nghiệp của cán bộ, y bác sĩ và nhân viên đang làm việc tại các đơn vị này; ghi nhận sự thiếu thốn về cơ sở vật chất của các đơn vị, nhất là khu điều trị phong Ea Na (thuộc Trung tâm Da liễu tỉnh), những tồn tại trong quá trình đưa Nghị quyết 106 đi vào thực tiễn. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của các đơn vị để báo cáo lên HĐND tỉnh xem xét và điều chỉnh Nghị quyết cho phù hợp với thực tiễn.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc