Bác sĩ của…voi
Là loài thú lớn nhất trên cạn, voi được biết đến với trí thông minh cũng như sức khỏe phi thường ít loài vật nào sánh kịp. Người ta vẫn thường nói “khỏe như voi”, tuy vậy dù khỏe mạnh đến mấy, to lớn đến đâu loài voi cũng không tránh khỏi bệnh tật, đau ốm… Những cán bộ thú y làm công tác chữa trị bệnh cho voi của Trung tâm bảo tồn voi cũng vì thế mà rất vất vả với công việc đặc biệt này.
Những người tiên phong
Dưới tán rừng khộp của VQG Yok Đôn, anh Nguyễn Công Chung, Phó giám đốc Trung tâm kiêm bác sĩ chữa bệnh cho voi đang loay hoay trộn cơm với thuốc bổ để cho voi ăn. Có khách đến, anh ngừng công việc tiếp chuyện chúng tôi trên chiếc giường tạm bợ được bố trí gần vị trí cột voi để cán bộ Trung tâm chăm sóc voi bị bệnh ở lại nghỉ ngơi. Anh tâm sự, vốn là một bác sĩ thú y làm việc ở Chi cục thú y tỉnh, đến khi thành lập Trung tâm anh được phân công về đây công tác để làm công việc thăm khám và chữa trị cho voi. Những kiến thức trên giảng đường đại học chỉ là kiến thức chung nên khi tiếp cận với việc điều trị cho voi gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, ở nước ta cũng chưa có một nơi nào đào tạo chuyên sâu về điều trị voi. Anh cùng đồng nghiệp phải mò mẫm tìm tòi tài liệu của các chuyên gia nước ngoài để tìm hiểu, khi có thắc mắc gì thì liên lạc với các chuyên gia nước ngoài bằng thư điện tử để giải đáp, chỉ dạy cho. Cùng với đó, những lần tiếp xúc, làm việc với những nài voi có kinh nghiệm cũng giúp tích lũy được thêm kiến thức về voi. Dần dà các anh đã nắm bắt, điều trị được những bệnh thường gặp của những “gã khổng lồ”. Voi thường mắc những bệnh về tiêu hóa hoặc bị những vết thương ngoài da do bị xích... Bên cạnh đó, thuốc men, phương tiện chữa trị cho voi cũng không có loại đặc chủng nên các bác sĩ phải “linh động” sử dụng các loại thuốc sử dụng cho đại gia súc, cho người để điều trị cho chúng. “Thú thực, những ngày đầu mới vào nghề, cứ mỗi khi đưa tay sờ tai voi để bắt mạch, ghé ống nghe vào người voi để khám, cưỡi lên lưng voi để phẫu thuật vết thương trong mình luôn có cảm giác lo sợ, bởi voi dù đã được thuần hóa nhưng khi bị người lạ tác động lên người thì dễ nổi nóng quay sang tấn công người, đặc biệt là vào mùa động dục. Nhưng dần rồi thành quen, giờ không còn căng thẳng mỗi khi gần chúng nữa” - anh Chung chia sẻ. Ám ảnh nhất đối với các anh vẫn là những lần phẫu thuật cho voi, khi đó, voi nặng hàng tấn chỉ được gây tê cục bộ ở những phần bị thương, còn voi vẫn tỉnh táo, nên khi đưa lưỡi dao vào gọt bỏ những phần da thịt bị hoại tử của chúng phải lấy hết can đảm mới làm được.
Bác sĩ Phạm Văn Thịnh (bìa trái) đang phẫu thuật cho một con voi nhà bị thương. |
Hiện nay, toàn tỉnh còn 43 con voi nhà, để đảm bảo sức khỏe cho đàn voi nhà, hằng năm Trung tâm bảo tồn voi duy trì công tác khám định kỳ, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm thuốc bổ, tẩy giun sán cho voi; tổ chức khám chữa bệnh kịp thời mỗi khi nhận được tin báo của các chủ voi. Công việc rất nhiều nhưng Trung tâm mới chỉ có 2 bác sĩ voi nên các anh thường xuyên bận rộn. “Có những lúc buổi tối đang ở nhà nhưng nghe điện thoại báo có voi bị bệnh lại phải lật đật lên xe máy chạy hàng chục cây số xuống địa bàn để thăm khám cho chúng. Chứ xuống không kịp thời lỡ voi có mệnh hệ gì xót xa lắm!”, anh Chung chia sẻ.
Còn đó những nỗi niềm
Trong những lần cứu chữa cho voi, các bác sĩ cũng như nhân viên của trung tâm luôn tận tâm với công việc, hồi phục sức khỏe cho voi luôn được đặt lên hàng đầu. Họ luôn nỗ lực để vượt qua những hạn chế về chuyên môn, thiếu thốn về máy móc, trang thiết bị bảo đảm trị bệnh cho voi một cách hiệu quả nhất. Dù vậy, có những “bệnh nhân” voi quá nặng, dù đã huy động tối đa cả về con người lẫn thuốc men để điều trị nhưng rồi các anh vẫn phải “ngậm ngùi” nhìn chúng ra đi. Trong đó, có lẽ tiếc nuối nhất vẫn là trường hợp con voi có tên H’Lưn (38 tuổi), của ông Y Nhuân Hmók (SN 1946, ngụ xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) bị chém ở chân vào tháng 3-2015. Khi nhận được tin báo, Trung tâm đã cử cán bộ đến kiểm tra, voi bị một nhát chém thấy xương ở đùi trái phía sau dài khoảng 20 cm. Các bác sĩ đã tiến hành gây tê, sát trùng và khâu vết thương cho voi và đưa nó về khu vực Trạm kiểm lâm số 1 (thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn). Được sự chăm sóc kỹ càng, chu đáo của các bác sĩ, nhân viên của Trung tâm, H’Lưn nhanh chóng bình phục đã có thể đi lại, ăn uống bình thường. Được khoảng 1 tháng, chủ voi quyết định đưa nó về nhà để tiện chăm sóc, dù các bác sĩ đã khuyến cáo nên để voi lại để tiện bề theo dõi chăm sóc. H’Lưn về được hơn 1 tuần thì Trung tâm nhận được điện thoại từ gia đình chủ voi báo voi đã bỏ ăn, không đi lại được. Các bác sĩ tức tốc đến mang theo nhiều nước biển, thuốc tăng bổ để cứu voi. Hai ngày liên tục, voi được truyền 140 bình nước biển cùng với nhiều thuốc bổ nhưng tình hình sức khỏe không tiến triển, rồi nó gục chết. “Tiếc lắm! Nhưng do bị suy kiệt nặng nên dù đã cố gắng hết sức nhưng không thể cứu voi được”- anh Chung xót xa.
Cũng có lần Trung tâm rất vất vả nhưng được đền đáp xứng đáng, khi gần 1 năm miệt mài chăm sóc chú voi rừng bị dính bẫy sứt vòi, mất 1 đế chân đang được giữ tại VQG Yok Đôn. Giờ chú voi này đã bình phục hoàn toàn, và trở thành một thành viên mới của Trung tâm. Chú voi lấy tên là June được phát hiện bị thương vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Thế là trong những ngày tết, thay vì được nghỉ ngơi vui chơi, lực lượng chức năng phải bám rừng, theo dõi voi, đưa thức ăn nước uống cho voi vì đang là mùa khô nên thức ăn và nước uống trong rừng rất khan hiếm. Sau một thời gian ngắn theo dõi, ngày 19-2 (mùng 3 tết) phương án dùng voi nhà khống chế đưa con voi bị thương về khu vực rừng gần với trụ sở Vườn để điều trị vết thương đã được triển khai. Do vết thương ở chân nghiêm trọng, Trung tâm đã đề nghị sự giúp đỡ của các chuyên gia của Tổ chức động vật Châu Á để có phác đồ điều trị thích hợp cho voi. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia, Trung tâm đã tiến hành gây mê, phẫu thuật để loại bỏ những phần thịt bị hoại tử ở chân, hút ổ mủ…, sức khỏe của voi dần hồi phục. Hằng ngày, ở đây luôn có 1 bác sĩ và 1 nhân viên Trung tâm túc trực để lo thuốc men, thức ăn nước uống cho nó. Anh Phạm Văn Thịnh, bác sĩ thú y của Trung tâm cho hay, voi con lúc mới đưa về sức khỏe tuy yếu nhưng tỏ ra khá hung dữ, lại có cặp ngà rất nhọn nên dễ gây nguy hiểm cho bác sĩ thú y điều trị cho nó, do đó, mỗi lần tiêm thuốc kháng sinh các nhân viên của trung tâm phải buộc voi hoặc dùng voi nhà để kiểm soát mới tiêm được. Ngoài ra, người ta còn phải nhét thuốc chống viêm vào trong thức ăn cho voi ăn chứ không thể trực tiếp cho voi uống thuốc được. Đến nay, vết thương ở vòi đã lành, còn ở chân vẫn đang còn mưng mủ, ngoài điều trị bằng kháng sinh, các bác sĩ còn cho voi ngâm chân hằng ngày để sát trùng. Mới đây, tin vui đến với Trung tâm khi voi June được Tổng cục Lâm nghiệp cho phép giữ lại để phục vụ nghiên cứu. “Trải qua một thời gian dài nuôi nấng, chăm sóc, voi June đã trở thành một người bạn của cán bộ Trung tâm, nay nó được “biên chế” ở lại anh em ai cũng vui mừng”- anh Chung phấn khởi.
Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi cho biết, dù đang còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ chuyên môn nhưng các bác sĩ của Trung tâm vẫn luôn nỗ lực để trong điều trị và chăm sóc voi được tốt. Điều đáng lo lắng nhất hiện nay là đàn voi nhà đang sụt giảm số lượng một cách đáng báo động. Trong đó, chủ yếu voi chết do làm du lịch nhiều, thức ăn không đầy đủ dẫn đến suy kiệt. Mà khi đã suy kiệt nặng thì không có thuốc men nào mà chữa lành cả. Do đó, để những con voi nhà khỏe mạnh, tránh được bệnh tật thì hơn hết các cá nhân, tổ chức sở hữu voi phải điều chỉnh hợp lý thời gian làm việc của voi, cho voi ăn uống đầy đủ.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc