Multimedia Đọc Báo in

Khơi thông những nguồn lực

09:47, 03/02/2016

Sức mạnh của truyền thông và giá trị văn hóa là điểm tựa vững chắc cho phát triển bền vững. Nhiều địa phương đã xem đây là bí quyết để vận dụng, khai thác, phát huy, khơi thông nhiều nguồn lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội…

Truyền thông đi trước mở đường 

Trong câu chuyện với chúng tôi khi nói về chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bí thư Đảng ủy xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) Lê Anh Tuấn cho rằng, thành công và ấn tượng nhất của địa phương từ khi thực hiện chương trình này là giao thông nông thôn đã có sự khởi sắc rõ nét. Ông coi đây là bước đột phá một phần còn bởi tiêu chí này rất khó và “nặng” vì đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp. Đến bây giờ tuy tất cả các tuyến đường trên địa bàn chưa phải đã được nhựa hóa, bê tông hóa hoàn toàn nhưng việc giải phóng mặt bằng để làm đường chưa mất một đồng kinh phí đền bù nào, quả cũng là một thắng lợi lớn của cả hệ thống chính trị ở Ea Ktur. Hơn 7 km đường của xã đã được bê tông hóa, trong đó kinh phí nhà nước chỉ hỗ trợ 100 tấn xi măng/1 km. Theo ông Tuấn, bí quyết để có được thành công này chính là đã làm tốt công tác truyền thông. Trong Nghị quyết 17a của xã được ban hành năm 2011 về xây dựng nông thôn mới, giải pháp đầu tiên được đề cập là thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới. “Từ giải pháp này, bám sát đúng tinh thần của nghị quyết, xã đã thành lập hẳn ban thông tin tuyên truyền và cũng tác nghiệp chẳng khác gì anh em báo chí. Chuẩn bị tổ chức sự kiện hay chương trình vận động gì là đội ngũ này sẵn sàng đi trước phổ biến, tuyên truyền” - ông Tuấn cho hay. Có máy chiếu, máy quay phim, có trang thông tin điện tử, tất cả những thông tin về hoạt động của xã, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới đều được quay và trình chiếu, trở thành công cụ dân vận hiệu quả. Gương người tốt việc tốt được biểu dương, bà con xem thấy người thật việc thật mà chẳng phải đâu xa lạ, ở ngay chính trong thôn trong xã mình nên tin tưởng, tự nguyện tham gia. Đảng ủy xã cũng phân công các cấp ủy viên phụ trách từng địa bàn; trong quá trình thực hiện “đụng” tới vấn đề liên quan trực tiếp đến đoàn thể nào thì đoàn thể đó chịu trách nhiệm chủ trì. 

Con đường bê tông khang trang ở thôn 9, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin)
Con đường bê tông khang trang ở thôn 9, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin)

Biết phát huy sức mạnh của truyền thông, trong quá trình thực hiện tiêu chí về làm đường giao thông nông thôn, ở Ea Ktur đã có rất nhiều tấm gương tiêu biểu. Ông Doãn Thanh Minh ở thôn 16 tự hào khoe mình đã trở thành người nổi tiếng trong xã nhờ những thước phim cán bộ xã quay cảnh ông tự tay cưa hạ 16 trụ tiêu trong vườn nhà đang thời kỳ kinh doanh (bình quân mỗi vụ cho thu 7-8 kg tiêu khô/trụ) và 20 trụ tiêu ngoài rẫy chưa được thu hoạch, mới lên xanh tốt, để phục vụ việc làm đường của thôn. Ông còn hiến 200 m2 đất để làm con đường được thẳng. “Khi tôi đem cưa ra chặt hạ tiêu, vợ tôi ôm mặt khóc rưng rức nhưng nghe tôi và con trai động viên phải biết vì cái chung, vì đường quang ngõ sạch và vì tương lai sau này của các cháu nên bà ấy cũng đã thông”, ông Minh kể. 

Với những người dân thôn 9, một thành quả lớn của năm 2015 là từ ngày 21-7 đến ngày 26-9, bà con trong thôn đã bê tông hóa được 2.833 m đường với tổng kinh phí 1 tỷ 726 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 215 tấn xi măng, Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại hơn 1,2 tỷ đồng do nhân dân đóng góp, chưa kể 1.800 công lao động trực tiếp. Ông Nguyễn Đăng Thanh, thôn trưởng thôn 9 cho biết, cách đây khoảng 10 năm, bà con đã tự bỏ tiền chung sức cùng nhau làm được 3,2 km đường nhựa. Tháng 3-2015, Chi bộ thôn 9 cùng với Chi bộ đội sản xuất số 10 của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Việt Đức đã ban hành nghị quyết liên tịch về nâng cấp đường giao thông nông thôn của thôn. Theo ông Thanh, sự đồng thuận cao trong dân nằm ở một yếu tố quan trọng đó là minh bạch về tài chính. Việc tính toán tỉ mỉ, chi tiết và bảo đảm độ chính xác cao đến mức theo dự toán ban đầu việc làm đường bê tông hết tổng cộng khoảng 505 tấn xi măng thì thực tế làm hết 503 tấn, đã thể hiện sự minh bạch, tạo được niềm tin khi sử dụng đúng và trúng với mục đích số tiền của bà con đóng góp. Toàn thôn có 142 hộ thì gần như tất cả đều tham gia đóng góp theo mức tính toán phù hợp đã thống nhất, chỉ trừ các hộ nghèo được miễn. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền thôn còn huy động được khoảng 30 chủ vườn cây có diện tích sản xuất trên địa bàn thôn tích cực tham gia. Ngoài đóng góp bằng tiền mặt, trong quá trình giải phóng mặt bằng bà con trong thôn cũng đã hiến trên 1.000 m2 đất và trị giá tài sản hơn 50 triệu đồng. Còn khoảng 900 m đường xương cá trong thôn, cả thôn thống nhất sau vụ thu hoạch cà phê vừa rồi  bắt tay vào làm, và kế hoạch này được thực hiện thì 100% hệ thống đường giao thông của thôn 9 được bê tông hóa.

Xác định văn hóa là nguồn lực cho phát triển

Với dân số gần 11.000 người, trong đó 98% là đồng bào dân tộc Êđê, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của người Êđê như: nhà dài, bến nước, cồng chiêng, dệt thổ cẩm… Trong những năm gần đây, xã đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu, trong đó đều mời các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, nhạc cụ, múa truyền thống, hát dân ca…; phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, kể khan, hát Ayray cho thanh niên địa phương. Nhiều lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cũng được mở ra, tạo điều kiện thuận lợi duy trì, phát triển Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Ea Tul để vừa bảo tồn nghề truyền thống, phát triển làng nghề, vừa tận dụng được lao động nông nhàn. Ea Tul hiện còn nhiều điểm có thể phát triển du lịch văn hóa, thuận lợi cho nhu cầu tìm hiểu, khám phá văn hóa bản địa như: nhà dài ở các buôn Brăh, Phơng; bến nước buôn Sah B; các lễ hội vẫn còn được duy trì như cúng lúa mới, cúng bến nước, lễ hội theo vòng đời…; nghệ nhân chế tác nhạc cụ như: đing pút, đing năm, đàn goong, đàn môi, sáo… hoặc làm các vật dụng sinh hoạt như: cung nỏ, xà gạc, gùi... Ông Nguyễn Công Văn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Tul cho biết: “Đảng bộ xã đã xác định văn hóa chính là một nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững. Ea Tul hiện có 4.500 ha cà phê, trong đó 2.084 ha đã được cấp chứng chỉ UTZ; cà phê Ea Tul cũng đã có chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, xã luôn quan tâm đến việc phát triển cà phê gắn với các mô hình dịch vụ khác, trong đó có những dịch vụ liên quan đến văn hóa truyền thống của đồng bào Êđê nơi đây. UBND tỉnh đã có chủ trương xây dựng tại Ea Tul mô hình công nông nghiệp tích hợp đảm nhiệm từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm, tận dụng lao động của Ea Tul và các xã lân cận như Cư Dliê Mnông, Ea Kpam… Xã Ea Tul cũng đề xuất xây dựng mô hình này kết hợp với phát triển nguồn lực từ văn hóa theo hướng phát triển du lịch văn hóa với cà phê”.  

Còn rất nhiều việc phải làm để biến ý tưởng nói trên thành hiện thực, trong đó đòi hỏi phải có sự đầu tư về kinh phí, nhân lực. Ông Văn trăn trở khi các hoạt động văn hóa ở địa phương hiện nay chủ yếu mang tính chất bề nổi (giao lưu, biểu diễn); việc phát triển du lịch văn hóa, trong khả năng của xã, vẫn đang được thực hiện ở mức sơ khai: tổ chức các đêm hát kể sử thi, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, tham quan nhà dài, bến nước, giao lưu văn hóa ẩm thực… theo đặt hàng của những đoàn khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đòi hỏi tính kết nối, đi vào chiều sâu… vẫn chưa làm được. Điều đáng quý là trên địa bàn xã vẫn còn những hạt nhân “văn hóa sống” như nghệ nhân Y Wang Hwing ở buôn Triă. Chúng tôi đã cảm nhận được tâm huyết và đam mê của vị nghệ nhân này khi khách tỏ ý muốn thưởng thức âm thanh nhạc cụ Êđê. Ông hào hứng lấy cây đàn goong treo trên vách xuống, kèm theo một chiếc chậu nhôm úp ngược mà theo ông giải thích là “để âm thanh vang hơn”. Ông thử dây, chỉnh lại cần đàn rồi dạo lên một khúc nhạc vui tươi với âm thanh réo rắt - khúc nhạc người Êđê hay tấu lên vào những dịp lễ hội. Rồi ông say sưa hát kể những đoạn ngắn trong các sử thi “Đăm San”, “Đăm Bhu-Đăm Bha”... Những năm gần đây, dù tuổi đã ngoài 60, nghệ nhân Y Wang vẫn đi biểu diễn khắp nơi, từ các cuộc giao lưu, hội diễn ở địa phương đến các festival, liên hoan toàn quốc và quốc tế. Ông còn tham gia và đóng góp tích cực cho công tác sưu tầm, biên dịch, xuất bản và truyền dạy sử thi. Những học viên của ông như Y Dhin Niê (buôn Triă), H’Nhe Niê (buôn Phơng)… đã có thể hát kể một vài sử thi và biểu diễn ở các dịp lễ hội của buôn làng cũng như các liên hoan, hội diễn... Điều đáng mừng nữa là qua một số lớp học truyền dạy cồng chiêng, kể khan, hát Ayray cho thấy thế hệ trẻ ở địa phương vẫn còn nhiều người thiết tha với văn hóa truyền thống. Như Y Thóc Niê (35 tuổi), cán bộ văn hóa xã, chưa hát được nhưng đã thuộc lòng cốt truyện của sử thi Đăm Di; nghe và tự đánh máy lại những lời nói vần để học thuộc; tích cực tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng, kể khan để hiểu và yêu hơn văn hóa của dân tộc mình. Với vai trò là cán bộ văn hóa, Y Thóc đang ấp ủ dự định tổ chức các câu lạc bộ văn hóa dân gian của địa phương; mở thêm nhiều lớp dạy cồng chiêng, kể khan, hát Ayray, lời nói vần, múa dân gian… 

Hải Như - Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc