Multimedia Đọc Báo in

Trí thức trong công cuộc đổi mới

09:44, 03/02/2016

Là những người tiên phong nắm bắt và truyền bá tri thức, đội ngũ trí thức đã và đang có những đóng góp thiết thực trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sau năm 1975, Tây Nguyên nói chung, tỉnh ta nói riêng trở thành vùng kinh tế mới của một bộ phận dân cư lao động các vùng trong cả nước. Giữa muôn vàn khó khăn, gian khổ do kinh tế đói nghèo, đời sống người dân còn lạc hậu, giao thông cách trở… đòi hỏi các cấp chính quyền, nhà lãnh đạo phải có những chính sách, giải pháp thực hiện công cuộc đổi mới để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trước tình hình đó, lực lượng trí thức của tỉnh, tiêu biểu là đội ngũ trí thức huyện Ea Kar lúc bấy giờ đã tập hợp thành nhóm khoa học kỹ thuật (KHKT) để chuyển giao, tập huấn các tiến bộ KHKT về cây trồng, vật nuôi, nhất là các giống mới thử nghiệm cho nông dân ở khắp các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh. Những năm sau đó, lực lượng trí thức huyện Ea Kar đã có thêm nhiều công trình nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Tiến sĩ Y Ghi Niê (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh) nhớ lại, năm 1998, với vai trò là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ea Kar, ông đã cùng với các nhà KHKT mạnh dạn cho trồng thử nghiệm giống bông vải trên diện tích 1,6 ha tại xã Xuân Phú, dần dần người dân mở rộng diện tích, nhân rộng ra các địa phương như thị trấn Ea Kar, xã Cư Huê, Ea K’mút… Đến năm 1990, ông lại tiếp tục trồng thử nghiệm 10 kg giống ngô lai do giáo sư Trần An Phong và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Công Tạn mang về từ Thái Lan. Hàng loạt giống cây trồng, vật nuôi mới như bông vải, ngô lai, bò lai sin, gà Tam Hoàng, heo Móng Cái, dê bách thảo… được những nhà khoa học tâm huyết trên địa bàn huyện đưa về và vận động nhân dân nuôi, trồng thử nghiệm đều thành công, cho năng suất cao và chất lượng tốt. Cũng từ đó, huyện Ea Kar trở thành địa phương dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Hơn thế nữa, từ tiền đề các loại cây trồng như: bông vải, lúa cạn cao sản, ngô lai… của huyện phát triển tốt, lực lượng này tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng vào sản xuất, nhiều loại cây trồng trở thành kinh tế chủ lực của tỉnh hiện nay như cây cà phê, điều, sắn, mía… Điều này không phải là nhờ may mắn, mà chính là kết quả của những kiến thức tích lũy từ nghiên cứu, lao động không mệt mỏi của đội ngũ trí thức lúc bấy giờ.

Tiến sĩ Y Ghi Niê (người đứng giữa) tìm hiểu thông tin về khoa học công nghệ tại một cuộc hội thảo tổ chức ở Trường Đại học Tây Nguyên.
Tiến sĩ Y Ghi Niê (người đứng giữa) tìm hiểu thông tin về khoa học công nghệ tại một cuộc hội thảo tổ chức ở Trường Đại học Tây Nguyên.

Có thể nói, đội ngũ trí thức tỉnh Đắk Lắk đã phát huy vai trò của mình với nhiều hoạt động có ý nghĩa cả về lý luận lẫn thực tiễn: Trên lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, với các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trên lĩnh vực công nghệ thông tin với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện thủ tục hành chính một cửa. Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức trẻ công tác tại các địa phương, đơn vị trong tỉnh với sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết cũng đã có nhiều đóng góp trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tiêu biểu như trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với những công trình, phần việc thanh niên như bê tông hóa đường giao thông nông thôn, thắp sáng đường quê, tình nguyện vì người nghèo… Đơn cử như công trình thanh niên “Ánh sáng vùng quê” của Huyện Đoàn Krông Năng với việc sửa chữa, thay mới đường dây, bóng, công tắc điện… đã góp phần giúp hàng chục hộ dân nghèo trên địa bàn thôn Bình Minh (thị trấn Krông Năng) sử dụng điện lưới an toàn. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh cũng đã có những sáng kiến làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn qua những công trình như “Bê tông hóa đường giao thông nông thôn” ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột); “Thắp sáng đường quê” ở xã Ea Kuếh (huyện Cư M’gar)... 

 Đặc biệt, giáo dục - đào tạo và y tế là hai lĩnh vực tập trung đội ngũ trí thức đông đảo, chất lượng cao. Trong đó, nhiều trí thức đã có những đóng góp thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, ứng dụng vào thực tiễn… Tiêu biểu như Thạc sĩ Nguyễn Hoa Nam (Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Công nghệ thông tin, Sở GD-ĐT), được sự hỗ trợ, khuyến khích của đồng nghiệp và đơn vị công tác, ông đã sáng tạo nhiều giải pháp giúp ngành GD-ĐT tạo sự đồng bộ, tiết kiệm chí phí, ngày công nhập dữ liệu quản lý nhân sự, trường học cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy. Đó là các đề tài “Chuyển đổi mã công chức ngành GD-ĐT”, hay đề tài “Khắc phục tình trạng hạn chế phần mềm quản lý nhân sự PMIS của Bộ GD-ĐT” được ứng dụng rộng rãi trong cả nước, làm lợi hàng tỷ đồng cho đất nước… Trong công tác bảo vệ môi trường, Kỹ sư Đoàn Ngọc Khuê (Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh) đã có nhiều việc làm thiết thực kêu gọi các dự án hỗ trợ nước sạch cho bà con dân tộc thiểu số, hướng dẫn phương pháp chăn nuôi, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường...  

Có thể thấy, qua 30 năm đổi mới, đội ngũ trí thức đang ngày càng tăng cả chất và lượng. Theo số liệu điều tra gần đây của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, toàn tỉnh có trên 45.700 cán bộ công nhân viên chức; chức danh giáo sư 1 người, phó giáo sư 6 người; trình độ tiến sĩ 79 người (dân tộc thiểu số 6 người), thạc sĩ 591 người (dân tộc thiểu số 55 người), đại học trên 32.000 người. Thông qua kết quả hoạt động sáng tạo trên nhiều lĩnh vực, đội ngũ trí thức đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt, ngày nay khi khoa học, công nghệ phát triển và được ứng dụng rộng rãi vào đời sống, sản xuất thì vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức càng trở nên quan trọng hơn… Để đội ngũ trí thức của tỉnh tiếp tục phát huy vai trò trong công cuộc đổi mới, thời gian tới Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các cấp, các ngành cần tiếp tục có những chủ trương, chính sách phù hợp để thu hút, tập hợp lực lượng trí thức; bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, chế độ để trí thức yên tâm công tác, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa… Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức phải ý thức sâu sắc vị trí, vai trò của mình, tích cực đổi mới tư duy và năng động, nhanh nhạy tiếp thu các thành tựu KHKT mới, có nhiều sáng kiến áp dụng vào sản xuất, kinh doanh và thực tiễn đời sống góp phần đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội vùng Tây Nguyên.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc