Multimedia Đọc Báo in

Nặng lòng với cồng chiêng

10:23, 02/02/2016

Nhằm góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa, cô giáo Ngô Vũ Hải Lý (Trường THCS Ea Hu, huyện Cư Kuin) làm theo cách riêng của mình. Đó là thông qua hoạt động chuyên môn khuyến khích học sinh ươm mầm, nuôi dưỡng tình yêu và có ý thức với di sản“Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Còn thương nhau… nhất định sẽ tìm về!

Dành cho cồng chiêng một tình cảm đặc biệt từ khi còn là sinh viên và niềm đam mê ấy lớn dần, mãnh liệt hơn khi cô Hải Lý được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân trình tấu cồng chiêng với nhịp điệu sôi động, cuốn hút trong những dịp lễ hội ở buôn làng. Tình yêu cồng chiêng khiến cô trăn trở, âu lo trước thực tế văn hóa truyền thống của các DTTS Tây Nguyên nói chung, cộng đồng Êđê ở Đắk Lắk nói riêng đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Cô tâm sự: “Có một đồng nghiệp thích thú, say mê tiếng cồng chiêng rộn rã đã bỏ tâm sức, tiền của để lưu giữ cồng chiêng, hễ nghe ở đâu có người không muốn giữ lại những bộ chiêng, ché quý thầy lại tìm đến hỏi mua, nhưng gần đây thầy không còn sưu tập nữa. Gặng hỏi lý do, thầy cho biết, sợ bà con bán hết cồng chiêng, nên mua về cất giữ, cứ nghĩ đang lưu giữ, bảo tồn, nhưng rồi nghiệm ra một điều âm điệu của cồng chiêng chỉ thực sự “có hồn” khi ngân lên giữa đại ngàn, bên bến nước, dịp lễ hội, cùng với những lễ thức trong đời sống. Lâu nay, thầy chỉ mới lưu giữ phần “xác”, muốn cồng chiêng trường tồn cần có không gian diễn xướng, phải được những thế hệ kế tục mê đắm”. 

Cô Hải Lý hướng dẫn học sinh thực hiện ý tưởng Dự án về cồng chiêng.
Cô Hải Lý hướng dẫn học sinh thực hiện ý tưởng Dự án về cồng chiêng.

“Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại không chỉ niềm tự hào của Việt Nam nói chung và người dân Tây Nguyên nói riêng mà còn đặt ra trách nhiệm lớn lao về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc này. Trong cuộc sống hiện đại với tác động của sự giao thoa, hội nhập văn hóa, Tây Nguyên nói chung, cộng đồng dân tộc Êđê nói riêng với nhà dài, bến nước, nương rẫy, nhà mồ, rừng cây… và đặc biệt là cồng chiêng đang mai một dần. Cồng chiêng và âm nhạc cồng chiêng đang được “tô vẽ” để trở thành một loại dịch vụ trình diễn tại các lễ hội được phục dựng một cách vô hồn, tại các điểm du lịch với kịch bản được dàn dựng sẵn. Cùng với đó, việc thay đổi tập quán sản xuất kéo theo những thay đổi trong nếp sống, sinh hoạt của cộng đồng DTTS bản địa đã có những tác động tiêu cực đến việc giữ gìn cồng chiêng cũng như nuôi dưỡng không gian văn hóa cồng chiêng. Không chỉ có nỗi lo mất dần “không gian” và “nhạc cụ”, cồng chiêng Tây Nguyên còn đang đứng trước nỗi lo về sự lệch lạc trong nhận thức, bởi thực tế đã xảy ra với một bộ phận không nhỏ giới trẻ ở các buôn làng.

Cô giáo Hải Lý chia sẻ, mới đây trong một lần đưa học sinh tham quan Bảo tàng Dân tộc Đắk Lắk, tìm hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên,  khi cô hỏi: “Làm gì để bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của cồng chiêng?”, nhân viên Bảo tàng trả lời: “Đây là một câu hỏi khó! Mặc dù ngành chức năng đã có nhiều hoạt động thiết thực, như: mở lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thanh thiếu niên, thẩm âm cho nghệ nhân, tổ chức các lễ hội để tái tạo không gian diễn xướng… nhưng cồng chiêng vẫn luôn đứng trước nguy cơ mai một. Theo tôi vấn đề cốt lõi là phải bồi đắp cho lớp trẻ tình yêu đối với di sản văn hóa phi vật thể này!”. Câu trả lời một lần nữa thôi thúc cô giáo dạy môn Sinh học nặng lòng với cồng chiêng quyết tâm phải làm một việc có ích, thiết thực khơi gợi tình yêu để các em nhận thức thấu đáo những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có không gian vănhóa cồng chiêng Tây Nguyên. “Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của di sản, là những người trực tiếp giữ gìn, bảo tồn tài nguyên văn hóa vô giá này của dân tộc”, cô giáo Hải Lý thổ lộ.

Để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang

Không ít thầy, cô giáo Trường THCS Ea Hu ái ngại khi nghe cô Hải Lý trình bày ý tưởng thực hiện Dự án dạy học liên môn giáo dục ý thức về việc bảo tồn di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” thông qua chương trình địa phương với chủ đề “Tây Nguyên - không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” bởi phương pháp dạy học này khá mới mẻ, cần sự phối hợp của giáo viên nhiều bộ môn, đặc biệt là “sự hợp tác” của học sinh. “Biết là khó, nhưng tôi tin các em sẽ thực hiện được”, cô Hải Lý quả quyết.

Khác với nhiều dự án thực hiện trước đó, cô giáo Hải Lý tổ chức dạy học theo trạm, kết hợp các chuyến thực tế tại một số nơi lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa, gặp gỡ những người “say mê” cồng chiêng và đến nhiều buôn làng trong tỉnh để tìm hiểu về các lễ hội truyền thống, âm nhạc dân gian, nghệ thuật điêu khắc, dệt thổ cẩm, đan lát… Sau khi đi thực tế, học sinh hoàn thành các nhiệm vụ được giao và trình bày kết quả theo nhóm tại lớp học. “Ban đầu, học sinh còn lúng túng, bỡ ngỡ, không tự tin, nhưng được tổ chức trong môi trường học tập “mở”, các em được khám phá  nhiệm vụ vừa sức, phù hợp nên dần bắt nhịp và làm việc tích cực, hứng thú. Thông qua việc giải quyết nhiệm vụ trong phiếu học tập ở các trạm, học sinh thực sự bị lôi cuốn vào các giá trị văn hóa truyền thống, tôi như được tiếp thêm động lực”, cô Hải Lý chia sẻ.

Sau nhiều tháng dày công thực hiện, dự án thành công ngoài mong đợi, trước sự ngỡ ngàng của ban giám hiệu, thầy cô giáo trong trường và chính tác giả bởi trong quá trình triển khai ý tưởng đã gặp không ít khó khăn, tưởng chừng không thể vượt qua. Cô Hải Lý bồi hồi nhớ lại: “Ngày 28 Tết cô và trò còn lên trường để quay clip các báo cáo về nhiệm vụ các trạm, nhưng… mất điện. Tôi gần như bật khóc, vì thời hạn hoàn thành dự án chỉ còn tính bằng ngày. Chờ nhiều giờ liền vẫn chưa có điện, tôi quyết định sáng mồng 4 Tết thực hiện tiếp! Sáng mồng 4, đến trường trong hồi hộp, lo lắng thì thật bất ngờ, cả lớp đã có mặt đông đủ”. Dự án đoạt giải cấp quốc gia Hội thi dạy học theo chủ đề liên môn năm học 2014 - 2015 - kết quả này không làm cô giáo Hải Lý sung sướng bằng việc học sinh “đồng lòng” thực hiện ý tưởng của mình với sự cảm hứng và tình yêu dành cho cồng, chiêng. Đây là món quà của Trường THCS Ea Hu - một ngôi trường vùng khó nỗ lực thực hiện để kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Đắk Lắk và 110 năm thành phố Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển, một lời tri ân đối với vùng đất đã bảo bọc, nuôi dưỡng cô giáo Hải Lý và các học trò của mình. 

“Hè năm học vừa rồi, tôi có tham gia chuyến đi tình nguyện xuyên Việt từ đất mũi Cà Mau đến thủ đô Hà Nội kéo dài hơn 1 tháng. Mỗi nơi tôi đi qua đều để lại một dấu ấn khó quên! Chuyến đi làm tôi nhớ quê - Buôn Ma Thuột - nơi ấy có tiếng cồng chiêng rền vang trong ánh lửa bập bùng, có hương cà phê thơm ngát quyện với mùi đất đỏ bazan…”, cô Hải Lý viết lời dẫn cho dự án. Không chỉ nặng lòng với cồng chiêng, cô giáo còn giáo dục cho học sinh nhiều vấn đề:  nước, môi trường, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên... các dự án đều đoạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.