Multimedia Đọc Báo in

Những hy sinh thầm lặng

12:33, 07/02/2016

Không trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, nhưng các y bác sĩ hệ dự phòng vẫn ngày đêm kiên trì bám địa bàn, tích cực hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch bệnh, khoanh vùng xử lý ổ dịch để bệnh không lây lan rộng. Những công việc thầm lặng của họ đã và đang góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng…

Lặng thầm cống hiến

Theo chân các y bác sĩ ở Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trong những lần đi giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết, phun hóa chất xử lý ổ dịch tại một số địa bàn trong tỉnh mới thấy hết những khó khăn, vất vả của cán bộ y tế dự phòng. Chẳng kể thời gian, chẳng nề hà việc phải tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm, hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, hễ nhận được thông tin về một dịch bệnh mới nổi hoặc tái phát, họ lại lao vào ổ bệnh điều tra dịch tễ học, tìm rõ căn nguyên gây bệnh để tham mưu cho các cơ quan trong và ngoài ngành thực hiện những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chia sẻ: “So với bác sĩ hệ điều trị thì công việc của y bác sĩ hệ dự phòng “lỉnh kỉnh” hơn nhiều, như giám sát, tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm, làm công tác phòng dịch tại cộng đồng… Khi có dịch bệnh phải trực tiếp tham gia triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, khi không có dịch vẫn phải thường xuyên giám sát bệnh lây nhiễm, đồng thời tiếp tục kiểm tra các ổ dịch cũ, vào các vùng có nguy cơ dịch bùng phát cao để giám sát bệnh nhân. Nói chung, khi làm công việc này, anh em luôn phải sẵn sàng xông vào ổ dịch giám sát, khống chế, khoanh vùng, lấy mẫu để xử lý ổ dịch kịp thời. Đôi khi để tìm căn nguyên một số bệnh truyền nhiễm, có giải pháp phù hợp khống chế dịch bệnh, anh em cũng phải lặn lội đi hết vùng này đến vùng khác để khảo sát côn trùng. Thậm chí, có nhiều đêm anh em chúng tôi còn “phơi mình” dụ muỗi đốt để xác định tuýp vi rút gây bệnh”. 

Các kỹ thuật viên của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh định loại muỗi gây bệnh Viêm não Nhật Bản.
Các kỹ thuật viên của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh định loại muỗi gây bệnh Viêm não Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trung bình 24 ngày trong một tháng cán bộ y tế dự phòng phải xuống địa bàn. Không chỉ cống hiến nhiều về thời gian, họ còn phải thực hiện một khối lượng lớn công việc nặng nhọc, gian khổ và khá nguy hiểm bởi không ai khác ngoài cán bộ y tế dự phòng là những người đầu tiên và trực tiếp có mặt tại nơi phát dịch. Không những thế, làm việc ở giữa tâm dịch, chỉ cần sơ sẩy một chút là mỗi y bác sĩ có thể mang mầm bệnh về cho gia đình.

Vất vả là vậy nhưng không phải lúc nào công việc của cán bộ y tế dự phòng cũng thuận lợi và suôn sẻ, bởi theo như anh Nguyễn Văn Hậu, bác sĩ khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì: “Điều buồn lòng nhất là sự hiểu nhầm, lảng tránh của người bệnh, sự hợp tác của người dân đôi lúc còn miễn cưỡng, thậm chí họ còn xua đuổi khi chúng tôi tiến hành phun hóa chất, khoanh vùng xử lý ổ dịch…”. Ngót nghét 20 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Hậu có rất nhiều kỷ niệm buồn, vui trong công việc. Kỷ niệm làm anh nhớ nhất đó là lần đội phòng chống dịch của anh đến các hộ gia đình để tuyên truyền và phun hóa chất phòng bệnh trong vụ dịch sốt xuất huyết năm 2013. Khi thấy các anh đến cùng với máy móc, nhiều gia đình đóng cửa, một mực không hợp tác vì sợ ảnh hưởng. Trước tình huống ấy, anh và các đồng nghiệp phải vừa giải thích vừa trấn an tinh thần người dân rằng đây là biện pháp để khống chế không cho bệnh lan rộng, bảo vệ sức khỏe của gia đình. Nhờ khéo léo vận động, cuối cùng người dân đã phối hợp và hỗ trợ đội của anh hoàn thành công việc. 

Hạnh phúc bình dị…

Trong câu chuyện với những y bác sĩ mới theo hệ y tế dự phòng không khó để cảm nhận được tâm trạng như có chút tủi thân bởi sự chênh lệch về quyền lợi giữa những người làm công tác này với đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện, đặc biệt là về thu nhập. Nhưng rồi, chính những khó khăn ấy lại là động lực để họ sát cánh cùng nhau bám trụ với nghề. Một bác sĩ ở Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tâm sự: “Khó khăn bộn bề, nhưng hằng ngày, anh em chúng tôi vẫn thường động viên nhau rằng làm nghề nào cũng có rủi ro, nguy hiểm nhất định, chỉ cần thực hiện đúng quy trình, quy định thì không có gì phải lo lắng quá. Hơn nữa, làm công tác phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng, trong đó cũng có gia đình mình nên phải cố gắng làm cho tốt để mọi người cùng biết cách phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe”. 

Quả thực, thật khó có thể phác họa để giúp người ngoài cuộc có một cái nhìn chính xác nhất về những khó khăn, vất vả mà đội ngũ cán bộ y tế dự phòng gặp phải trong quá trình làm việc. Song, mỗi ngày vẫn có rất nhiều cán bộ y tế dự phòng bám trụ với công việc, chấp nhận đương đầu với thử thách khắc nghiệt. Bởi thế mà những năm qua, hệ thống y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp khá hiệu quả với các cơ quan trong và ngoài ngành Y tế thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, góp phần bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho nhân dân: giám sát, theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời không để phát tán mầm bệnh; thực hiện tốt Chương trình tiêm chủng mở rộng, duy  trì tỷ lệ tiêm chủng hằng năm đạt từ 95-98%; vệ sinh môi trường ở khu vực dân cư được cải thiện đáng kể; hằng năm đều có đề tài nghiên cứu khoa học tham gia cùng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Sở Y tế nhằm tìm ra những biện pháp thiết thực, hiệu quả hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh… Đặc biệt, đội ngũ cán bộ y bác sĩ hệ y tế dự phòng của tỉnh đã thực hiện thành công Chuẩn quốc gia về Y tế dự phòng, đưa Đắk Lắk trở thành một trong số ít các tỉnh, thành phố của cả nước được công nhận đạt Chuẩn. 

Quên lợi riêng vì lợi ích chung, tình yêu với nghề, trách nhiệm với cộng đồng đã giúp các y bác sĩ y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Những việc làm của họ đã và đang là minh chứng rõ nét nhất cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở ngành Y tế. 

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc