Tết sớm Buôn Ma Thuột
Tết ở Buôn Ma Thuột có hương vị riêng mà tin rằng ít nơi nào có được. Tết đến là dịp để đồng bào các dân tộc cộng cảm với nhau - và từ đây các yếu tố văn hóa của các cộng đồng có điều kiện giao thoa, đan xen nhau làm nên bức tranh văn hóa đa sắc và phong phú.
Tết trong buôn
Buôn trong phố đã là nét độc đáo của Buôn Ma Thuột. Cho đến giờ ít có đô thị nào còn giữ được không gian kiến trúc đặc trưng này. Cuối năm dạo quanh trong phố, nhất là ở trong các buôn làng người dân tộc bản địa sẽ nhận ra nhiều điều khác lạ.
Những năm gần đây, hầu hết người Êđê ở các buôn Akô Dhông, D’hă Prong, Păn Lăm, Kô Siêr, Alê A, Buôn Nao… đã biết đến Tết Nguyên đán của người Kinh và họ đã thật sự hòa nhập, cảm nhận không khí vui tươi và đầm ấm ấy trong những ngày xuân. Già Ama Khoan ở buôn Kô Siêr chia sẻ: Tết trong buôn bây giờ cũng vui lắm, từ sau Lễ Giáng sinh, mọi nhà đều bắt đầu sửa soạn đón Tết. Gia đình nào cũng dọn dẹp vệ sinh, quét tước đường sá sạch sẽ để mừng năm mới. Rồi cũng hoa quả, bánh trái, vật phẩm cần thiết cho mấy ngày Tết. Đặc biệt, nếu trước đây bánh chưng và bánh tét của người Kinh còn xa lạ với đồng bào, thì nay nhiều nhà đã tự làm lấy, hoặc mua về như một nét văn hóa không thể thiếu. Có điều, qua tâm sự của Ama Hi ở Buôn Nao (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) thì bà con không bày biện bánh trái để cúng mà chỉ tiếp nhận, chia sẻ “nét văn hóa” ấy như một nhu cầu vật chất thuần túy. Ama Hi cho biết thêm, những ngày Tết cổ truyền của người Việt là khoảng thời gian mà bà con người dân tộc thiểu số ở đây đã thu hái, phơi phóng xong cà phê để bán - ngoài việc thanh toán nợ nần trong năm, mua phân bón để tái đầu tư vườn rẫy… ai cũng bỏ ra chút tiền mua sắm vài thứ để vui chơi ngày Tết. Vì thế, vài năm trở lại đây trong các cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa đã dần hình thành nếp sống mới - 3 ngày Tết là dịp nghỉ ngơi, thư giãn để đi thăm hỏi nhau. Người lớn thì ngồi mâm rượu để chuyện trò, bọn trẻ cũng xông xênh quần áo mới, rủ nhau ra phố dạo chơi…
Nói tóm lại, ngày Tết cổ truyền của người Việt đang được các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ tiếp nhận và hình thành nhiều yếu tố văn hóa, tinh thần mới nhằm đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu của đời sống hiện tại. Quá trình ấy, theo TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Trường ĐH Tây Nguyên) là sự tiếp biến các giá trị văn hóa, tinh thần tiêu biểu của nhau trên cùng địa bàn cư dân có nhiều dân tộc chung sống. Những giá trị cũ (không hợp thời) có thể bị rạn nứt và mờ dần, thay vào đó là giá trị mới hình thành, phát triển theo quy luật của đời sống. Điều đó được chứng tỏ qua thực tế trên - đó là người dân tộc thiểu số bản địa tiếp nhận, lan tỏa “Văn hóa Tết” của người Kinh; và ngược lại lễ hội quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa cũng ngày càng được cộng đồng người Việt hào hứng tham gia, khiến mối dây cộng cảm bền chặt ấy càng rõ nét hơn.
Hoa Tết khoe sắc trong lòng đô thị Buôn Ma Thuột. |
Tết ngoài phố
Tết ngoài phố dường như đến sớm hơn. Chợ búa, hàng quán nhộn nhịp hẳn lên, cộng thêm hoa trái, cây cảnh từ các nơi đổ về khoe sắc làm cho đô thị trên cao nguyên này trở nên rực rỡ sắc màu. Có điều rất đặc biệt, nếu những ai đã từng sống trên vùng đất này chắc chắn sẽ nhận ra - là sắc màu và không khí Tết ấy ra sao còn tùy thuộc vào giá cả cà phê hằng năm. Bởi yếu tố này được xem là “hàn thử biểu” để đo nhịp sống mỗi ngày… Có người nói dân Buôn Ma Thuột ăn Tết với… cà phê quả không ngoa. Cà phê có giá thì Tết vui và xôm tụ hơn, cà phê rớt giá thì ngược lại.
Có thể nói năm nay người làm cà phê không vui lắm, vì giá cả cứ quanh quẩn ở mức 33.000-35.000 đồng/kg. Với mức giá này, cộng thêm sản lượng giảm đáng kể do thời tiết không thuận lợi khiến dân làm cà phê “thiệt đơn, thiệt kép”. Gặp bất kỳ ai, họ đều chung một tâm sự, rằng niên vụ cà phê 2015-2016, khấu trừ hết mọi chi phí đầu vào phục vụ cho sản xuất, tính ra bình quân 1 ha cà phê lời không được bao nhiêu, không quá 30 triệu đồng. Lão nông Lê Văn Thảo ở xã Ea Tu-TP. Buôn Ma Thuột nhẩm tính: Với số tiền đó, nếu tiếp tục đổ vào tái đầu tư thì vừa hết, cho nên dân làm cà phê Tết này xem ra không phấn khởi và xôm tụ lắm. Không như mọi năm, cà phê được giá, được mùa, nhà nào cũng ra phố tìm đến hội chợ, triển lãm hàng hóa-thương mại sắm sanh đủ thứ. Từ sự kích cầu ấy làm cho đời sống tiêu dùng sôi động hẳn lên. Năm nay thì khác, trầm lắng xuống do đồng tiền không nhiều để quay vòng - từ nhà ra phố và từ phố về nhà… Cảm giác ấy, không riêng gì của ông Thảo, mà nhiều người khác đều cho là vậy, đã gần lễ Noel mà sự đi lại, mua sắm chưa nhộn nhịp bao nhiêu.
Thực tế này khiến ai cũng nhận ra mối dây liên hệ trên (Tết - cà phê) chẳng sai chút nào, tưởng như vô hình nhưng có thật đấy! Cứ nhìn vào cái “hàn thử biểu” kia sẽ hình dung được không khí Tết Bính Thân như thế nào?
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc