Multimedia Đọc Báo in

Gia tăng tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở Cư Dliê M'nông

07:17, 06/03/2016
Tình trạng các cặp vợ chồng sinh đến 7 - 8 người con diễn ra khá phổ biến ở xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar), nhất là những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Việc sinh đông con đã dẫn đến hệ lụy là nhiều hộ gia đình cứ mãi luẩn quẩn trong cái vòng đói nghèo, trẻ em phải nghỉ học giữa chừng…

Trong số 16 thôn, buôn của xã Cư Dliê M’nông thì buôn Hrah là địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên nằm trong “top” đầu của xã. Chỉ tính riêng năm 2015, toàn buôn có 13/27 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên (chiếm tỷ lệ hơn 48,1%). Gia đình anh Y Reo Niê và chị H’Pun Hwing là một trong những hộ đông con nhất nhì của buôn với 7 đứa con. Những đứa con được sinh ra chỉ cách nhau vài năm, đến nay dù Y Reo đã gần 50 tuổi nhưng đứa con út của anh vẫn chưa đầy một tuổi. Cả gia đình có 9 miệng ăn nhưng chỉ trông vào hơn 3 sào đất và tiền lương công nhân của chị H’Pun nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, cái nghèo cứ mãi đeo bám… Anh Y Reo Niê phân bua: “Trước đây vợ tôi cũng uống thuốc tránh thai nhưng do không hợp nên không dùng nữa dẫn đến có thai ngoài ý muốn. Do cuộc sống quá khó khăn, 4 đứa con đã phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Đẻ nhiều rồi, giờ mình sẽ vận động vợ thử sử dụng biện pháp tránh thai khác chứ nếu sinh thêm con nữa thì không biết lấy gì để nuôi”.

 Chị  H'Đạo Niê và hai  đứa con thứ 6  và thứ 7 của mình.
Chị H'Đạo Niê và hai đứa con thứ 6 và thứ 7 của mình.

Cách đó không xa, gia đình chị H’Đạo Niê và anh Y Tôn Mlô cũng là hộ đông con trong buôn. Mặc dù vẫn ý thức rằng sinh đông con là khổ, thậm chí đã đặt luôn tên đứa con thứ 6 là Y Quý (theo tiếng Êđê là Y Cuối, người con cuối cùng) nhưng khao khát có được đứa con gái để nối dõi tông đường khiến vợ chồng chị lại quyết định sinh thêm. Cũng may đứa thứ 7 (sinh năm 2014) là con gái, vợ chồng Y Tôn mới quyết định dừng lại. Chị H’Đạo cho biết: “Cả nhà mình chỉ có 6 sào cà phê, năng suất đạt rất thấp do thiếu phân bón, mỗi năm chỉ thu được khoảng 1 tấn, không đủ sống. Biết sinh đông con là khổ chứ nhưng biết sao được, vợ chồng mình đều thích có con gái mà, với lại con gái sau này nó sẽ ở với mình”.

Xã Cư Dliê M’nông cách trung tâm huyện Cư M’gar khoảng 20 km, toàn xã có 2.458 hộ, 10.733 nhân khẩu, với 40 % là người dân tộc thiểu số, trong đó có hơn 1.500 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên diễn ra phổ biến tại đây là do nhiều cặp vợ chồng vẫn mong muốn có được đứa con để nối dõi tông đường. Nhiều gia đình, nhất là những hộ có điều kiện khá, giàu muốn sinh thêm con để “vui cửa, vui nhà”, hoặc “đủ nếp đủ tẻ”… Theo thống kê của Ban Dân số - KHHGĐ xã, từ năm 2015 đến nay, toàn xã có 160 trẻ sinh ra, trong đó có gần 50 trường hợp là con thứ 3 trở lên (chiếm tỷ lệ 30,6%), đặc biệt riêng từ đầu năm 2016 đến nay có 7/14 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên... Nhiều trường hợp sinh con thứ 3 trở lên rơi vào những gia đình cận nghèo và nghèo. Chị H’Yoanh Ajun, cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Cư Dliê M’nông cho hay: “Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn xã năm vừa rồi có xu hướng gia tăng so với trước đây, điểm nóng rơi vào các buôn là chủ yếu, đặc biệt có hộ gia đình sinh đến con thứ 7, thứ 8… Ban Dân số - KHHGĐ xã cũng đã phối hợp với đội ngũ cộng tác viên dân số, các tổ chức hội đoàn thể ở địa phương đến trực tiếp các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động về tác hại của việc sinh con thứ 3 trở lên, cấp phát tờ rơi, hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai… Có hộ nghe và chấp nhận dừng lại nhưng cũng có hộ vẫn quyết tâm sinh được con theo ý muốn thì mới chịu dừng, có những hộ khi chúng tôi đến tuyên truyền thì nói những câu rất khó nghe, gây rất nhiều khó khăn cho công tác vận động”.

Để kiểm soát tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở Cư Dliê M’nông, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ đến từng hộ gia đình bằng những hình thức phù hợp, hiệu quả nhằm làm chuyển biến về nhận thức, quan niệm, tập quán của người dân về sinh đẻ, hạn chế tình trạng sinh đông, sinh dày như hiện nay.

Trung Dũng 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.